Dòng vốn ngoại quay lại: Động lực mạnh mẽ thúc đẩy VN-Index lập kỷ lục mới

Trong bối cảnh kỳ vọng nâng hạng thị trường ngày càng rõ nét và bức tranh vĩ mô đang chuyển biến tích cực, dòng vốn ngoại quay trở lại tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho thị trường chứng khoán.

Động lực từ dòng vốn tổ chức nước ngoài quay lại

Cập nhật trên thị trường chứng khoán, phiên giao dịch ngày 25/07/025, chỉ số VN-Index đóng phiên tại mức đỉnh lịch sử 1.531,13 điểm với thanh khoản duy trì ở mức cao, đạt 33.939 tỷ đồng.

Đánh giá về sự tăng trưởng này, FiinTrade cho biết định giá thị trường đã được nâng lên đáng kể trong năm 2025. Cụ thể, P/E toàn thị trường tăng 30% kể từ đầu tháng 4/2025, đạt 14,7 lần – cao hơn trung bình 5 năm và tăng 10% so với cuối năm 2024.

Đóng góp vào mức tăng về định giá này chủ yếu đến từ nhóm Phi tài chính, bao gồm các cổ phiếu họ Vin (VIC, VHM, VRE), họ Gelex (GEX, GEE), và Ngân hàng (TCB, MBB, SHB, OCB), Chứng khoán (SSI, HCM, VCI, VND).

Định giá khả năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán đã nâng lên đáng kể trong năm 2025

Định giá khả năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán đã nâng lên đáng kể trong năm 2025

Đánh giá về sự tăng trưởng hiện tại của thị trường, chuyên gia phân tích từ FiinTrade cho biết có nhiều điểm khác biệt so với giai đoạn năm 2021.

Nếu năm 2021, thị trường bùng nổ nhờ dòng tiền cá nhân, đẩy định giá toàn thị trường lên vùng đỉnh (19,6 lần), thì đợt hồi phục năm 2025 mang đặc trưng khác biệt. Động lực chính đến từ dòng vốn tổ chức nước ngoài quay trở lại, trong bối cảnh kỳ vọng nâng hạng thị trường từ “cận biên” lên “mới nổi” ngày càng rõ nét và bức tranh vĩ mô đang chuyển biến tích cực.

Dù chỉ số đang tăng, cần lưu ý rằng nền tảng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết hiện tại vẫn chưa thực sự bứt phá. Hai ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu lợi nhuận và vốn hóa thị trường - Ngân hàng và Bất động sản - vẫn còn đối mặt với những lực cản nhất định.

Ngành Ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận ở mức khiêm tốn do biên lãi ròng (NIM) chịu áp lực thu hẹp, trong khi Bất động sản mới chỉ ở giai đoạn đầu của chu kỳ phục hồi và cần thêm thời gian để phản ánh rõ ràng hơn vào kết quả kinh doanh.

Điểm sáng lợi nhuận từ Công ty Chứng khoán, Đầu tư công và Xuất khẩu

Cập nhật về kết quả kinh doanh, theo số liệu do FiinTrade thống kê tính đến ngày 25/7/2025, đã có 596 doanh nghiệp niêm yết (đại diện 35,4% vốn hóa toàn thị trường) công bố báo cáo tài chính hoặc ước tính sơ bộ kết quả kinh doanh quý II/2025.

Do số lượng doanh nghiệp chưa đủ lớn do đó vẫn chưa đủ để đại diện cho toàn ngành/toàn thị trường. Tuy nhiên đánh giá sơ bộ, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp đang duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Ở nhóm các doanh nghiệp tài chính, các công ty chứng khoán là đại diện dẫn dắt sự tăng trưởng. Nhóm Chứng khoán có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế tăng 39,5% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý II, dẫn đầu khối Tài chính. Đáng chú ý, một số công ty chứng khoán vừa và nhỏ ghi nhận mức lợi nhuận đột biến so với cùng kỳ nhờ diễn biến tích cực của thị trường nửa sau của quý II, như VIX, DSC với mảng tự doanh hay DNSE với mảng cho vay ký quỹ (margin).

Ở nhóm phi tài chính, sự hồi phục diễn ra rõ nét ở nhóm doanh nghiệp đầu tư công và xuất khẩu.

Lợi nhuận sau thuế quý II/2025 của 544/1.512 doanh nghiệp thuộc nhóm Phi tài chính (đại diện 34,8% vốn hóa nhóm) tăng 11,2% so với cùng kỳ. Đây là quý thứ hai liên tiếp tăng trưởng chậm lại, dù vậy, vẫn xuất hiện nhiều điểm sáng nhờ yếu tố mùa vụ thuận lợi và tác động tích cực từ chính sách hỗ trợ.

Ở nhóm Đầu tư công, Xây dựng và Vật liệu tiếp tục xu hướng cải thiện nhờ giải ngân đầu tư công được thúc đẩy mạnh trong quý II, với lợi nhuận lần lượt tăng 43,4% ở nhóm Xây dựng và tăng 49,7% với nhóm Vật liệu xây dựng. Đáng chú ý, các doanh nghiệp Xi măng (HT1, BTS, HOM) và Đá xây dựng (VLB, DHA, NNC) ghi nhận tăng trưởng tích cực, trong khi nhóm Ống nhựa (BMP, NTP) chứng kiến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận chậm lại.

Ngành Thép ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tăng 24,7% so với cùng kỳ trong quý II vừa qua, dẫn dắt bởi Hòa Phát (HPG) với mức tăng 29,5%. Tuy nhiên, doanh thu toàn ngành giảm -6,1%, bao gồm cả HPG và HSG, cho thấy nhu cầu thị trường phục hồi còn yếu.

Với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, các công ty thủy sản như ANV, FMC và Dệt may (VGT, TNG, HTG) ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh trong quý II/2025, lần lượt tăng đến 576,8% và 47,1% nhờ làn sóng đơn hàng dồn dập né rủi ro bị áp thuế cao. Đây là điểm sáng nổi bật trong bối cảnh nhiều ngành sản xuất vẫn phục hồi chậm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này chưa phản ánh kết quả của nhiều doanh nghiệp đầu ngành.

Thủy Triều

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dong-von-ngoai-quay-lai-dong-luc-manh-me-thuc-day-vn-index-lap-ky-luc-moi-d342199.html