Chứng khoán lên đỉnh lịch sử, đà tăng có tiếp tục?

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam kết thúc tuần giao dịch ngày 21 đến 25-7 với chỉ số VN-Index chốt phiên ở mức cao nhất lịch sử. Diễn biến chính trong thời gian qua là đà tăng được giữ vững xen kẽ vài phiên điều chỉnh không đáng kể, đưa thị trường từ mức đáy lên tới đỉnh chỉ trong 3 tháng. Vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm là đà tăng có còn bền vững, sau khi lập đỉnh mới?

Chốt phiên cao nhất lịch sử

TTCK Việt Nam vừa kết thúc tuần giao dịch từ ngày 21 đến 25-7 với sắc xanh áp đảo, nhiều mã cổ phiếu lần lượt đổi màu tím tăng trần. VN-Index chốt phiên 25-7 tăng 33,85 điểm (tương đương 2,26%) lên 1.531,13 điểm-mức đóng cửa cao nhất lịch sử. Đây là tuần tăng điểm thứ sáu liên tiếp của thị trường, một chuỗi leo dốc hiếm thấy trong nhiều năm, phản ánh tâm lý hưng phấn và sức mạnh dòng tiền đang bao trùm.

Thanh khoản khớp lệnh trên Sàn Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (sàn HOSE) liên tiếp lập kỷ lục, bình quân mỗi phiên đạt 36.380 tỷ đồng, cao hơn 52,7% so với trung bình 20 tuần. Dòng tiền chủ yếu đổ vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, trong khi nhóm bluechips (cổ phiếu của các công ty lớn, có uy tín, hoạt động ổn định và có vị thế hàng đầu trong ngành), đặc biệt là VN30 (30 loại cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn và thanh khoản cao nhất trên TTCK Việt Nam giao dịch trên sàn HOSE), có phần chững lại. Chỉ số VN30-Index chỉ tăng 1,55% trong tuần, thấp hơn mức tăng của VN-Index, cho thấy thị trường hiện đang vận động mạnh nhờ sức nóng của dòng cổ phiếu nhỏ và vừa hơn là sự dẫn dắt của các “đầu tàu” vốn hóa lớn.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Trong 19/21 nhóm ngành tăng điểm tuần qua, nổi bật là hàng không tăng 9,63%, chứng khoán tăng 8,91% và phân bón tăng 5,58%. Sức nóng lan rộng ở nhóm ngành chứng khoán (cổ phiếu của các công ty chứng khoán) khi nhiều mã tăng kịch trần, như: VND, VIX, cùng loạt mã như CTS, MBS, VCI bứt phá trên 3-6%. Trong phiên cuối tuần, 17 cổ phiếu kịch trần, nhưng chỉ duy nhất VJC thuộc VN30. Ngược lại, nhóm bất động sản giảm 1,97% và thực phẩm tiêu dùng giảm 0,6% chịu áp lực bán, đặc biệt sau thông tin liên quan đến các đề xuất điều chỉnh thuế và lo ngại về tính bền vững của dòng tiền. Dù vậy, các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và một số đại diện trong lĩnh vực hạ tầng, vật liệu xây dựng-vốn được hưởng lợi từ đầu tư công-vẫn là lực kéo chính giúp VN-Index duy trì đà đi lên.

Dù nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 1.602 tỷ đồng trong tuần, song dòng vốn ngoại không rút hẳn khỏi thị trường. Các mã được khối ngoại mua ròng mạnh gồm HDB (mua ròng 683 tỷ đồng), VPB (mua ròng 660 tỷ đồng) và SSI (mua ròng 526 tỷ đồng), bù đắp phần nào áp lực xả tại các mã như VJC (khối ngoại bán ròng 1.714 tỷ đồng), HPG (khối ngoại bán ròng 890 tỷ đồng) và FPT (khối ngoại bán ròng 501 tỷ đồng).

Liệu thị trường có đang ở vùng “quá nóng”?

VN-Index kết thúc mức đáy trong phiên giao dịch ngày 9-4-2025 (7 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký và công bố Sắc lệnh áp thuế đối ứng lên các quốc gia, trong đó có Việt Nam) để duy trì đà tăng liên tục trong 3 tháng qua với một số phiên rung lắc nhẹ, không đáng kể. Mức tăng 43% chỉ trong 3 tháng cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng thị trường là rất lớn.

Một số chuyên gia dẫn thống kê lịch sử cho thấy, sau mỗi nhịp tăng mạnh với biên độ 43-45%, thị trường sẽ có điều chỉnh kỹ thuật (giảm) khoảng 7-15% trước khi xác lập các xu hướng mới (tăng tiếp lên đỉnh mới hoặc quay đầu giảm trở về các mức thấp hơn). Dù dòng tiền đang rất khỏe, những rung lắc ngắn hạn có thể xuất hiện, đặc biệt khi nhiều cổ phiếu tài chính-nhóm dẫn sóng chính-sẽ chịu áp lực chốt lời mạnh trong tuần tới. Trên cơ sở phân tích này, các chuyên gia theo xu hướng thận trọng khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc bảo toàn lợi nhuận, giảm tỷ trọng cổ phiếu, tăng tiền mặt và tránh mua đuổi khi thị trường đã tiệm cận đỉnh cũ 1.536 điểm thiết lập hồi đầu năm 2022. Các nhà đầu tư cũng có thể tận dụng các phiên rung lắc để cơ cấu lại danh mục, ưu tiên nắm giữ những cổ phiếu cơ bản tốt, hưởng lợi từ vĩ mô như ngân hàng, chứng khoán, hạ tầng, vật liệu xây dựng và công nghệ.

Tuy nhiên, cũng có một số chuyên gia nhận định sau khi thị trường phá mức đỉnh lịch sử (phá đỉnh lịch sử chốt phiên và dự đoán sẽ phá đỉnh lịch sử chỉ số trong một vài phiên tới), xu hướng chủ đạo của thị trường là sẽ đi lên, chinh phục mức đỉnh lịch sử mới ở mốc 1.600-1.800 điểm. Theo các chuyên gia này, hiện đang có nhiều thông tin tốt nâng đỡ cho xu hướng tăng, bao gồm thông tin kinh tế vĩ mô trong nước (thúc đẩy tăng trưởng cả năm đạt 8% bằng cách đẩy mạnh đầu tư công, nới tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất, miễn giảm thuế-phí...) cũng như các thông tin hỗ trợ khác như khả năng nâng hạng TTCK Việt Nam lên nhóm mới nổi vào tháng 9 tới, thỏa thuận thuế quan với Hoa Kỳ giúp giữ chân dòng vốn trực tiếp nước ngoài và tạo kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu...

Chinh phục những đỉnh cao mới

Theo các chuyên gia đến từ Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), TTCK Việt Nam trong những tháng cuối năm 2025 có nhiều cơ hội bứt phá và đạt những mốc mới. Lý do là dù thị trường đã tăng mạnh, định giá cổ phiếu hiện vẫn ở mức hợp lý so với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận và khả năng Việt Nam được nâng hạng lên nhóm thị trường cao hơn, thu hút vốn ngoại.

Hiện tại, VN-Index đang ở mức 14 lần lợi nhuận (P/E), nhỉnh hơn một chút so với mức trung bình 3 năm gần đây nhưng vẫn rẻ hơn 17% so với đỉnh trong giai đoạn 2021. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng (chiếm tỷ trọng chính trên sàn) cũng đang giao dịch với giá hấp dẫn. MBS cho rằng, trong những tháng cuối năm, tiền đầu tư sẽ dần chảy sang những cổ phiếu lớn chưa tăng mạnh trước đó, nhờ sức bật lợi nhuận dự kiến tăng 17% trong giai đoạn 2025-2026. Nếu các chính sách thuế của Mỹ bớt khắt khe và dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam nhiều hơn nhờ triển vọng nâng hạng, VN-Index thậm chí có thể vươn tới vùng 1.580 điểm.

Dù từ đầu tháng 4, thị trường đã phục hồi hơn 300 điểm, nhưng đà tăng chủ yếu đến từ một số cổ phiếu lớn, trong khi gần một nửa số cổ phiếu vốn hóa hàng đầu vẫn chưa quay lại mức giá trước biến động. Điều này đồng nghĩa, phần còn lại của năm 2025, thị trường vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng, đặc biệt với nhóm cổ phiếu lớn, nhờ chính sách thuận lợi và sự trở lại mạnh mẽ của dòng tiền từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Quan điểm của các chuyên gia cũng đang có sự khác biệt. Điều đó cũng phản ánh sự khác biệt trong phân tích, tính toán của các nhà đầu tư. Đó chính là nguyên nhân tạo ra sức hấp dẫn của thị trường. Nếu nhà đầu tư nào đón bắt được tâm lý chung của thị trường, đi theo đúng xu hướng thì sẽ thành công. Ngược lại, nhà đầu tư nào đón bắt theo số ít thì chắc chắn sẽ đi ngược xu hướng thị trường, lợi nhuận đạt được sẽ không cao, thậm chí thua lỗ.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/chung-khoan-len-dinh-lich-su-da-tang-co-tiep-tuc-838936