Đồng Yên quay đầu tăng sau khi liên tiếp 'rớt đáy', có hay không sự can thiệp của chính quyền Nhật Bản?
Ngày 2/5, đồng Yên bất ngờ vọt tăng lên 153 JPY đổi một USD sau nhiều ngày mất giá. Giới chuyên gia nhận định, chính quyền Nhật Bản đã có động thái bán USD nhằm chặn đà trượt giá của đồng tiền này.
Đồng Yên Nhật đã đến "giới hạn cuối cùng"
Theo thông tin từ Reuters, đồng Yên Nhật đã quay đầu tăng sau nhiều ngày "trượt giá", thậm chí có khi "rớt đáy" mạnh nhất trong 34 năm trở lại đây. Đồng Yên tăng giá so với đồng USD, bất ngờ vọt tăng lên 153 JPY đổi một USD.
Việc Yên Nhật tăng giá trong khi thị trường yên ắng, đồng USD mất giá khiến giới chuyên gia và các nhà giao dịch cho rằng chính quyền Nhật Bản đã có biện pháp can thiệp, Bộ Tài chính Nhật Bản đã có động thái bán USD nhằm ngăn chặn sự trượt giá mạnh của đồng tiền.
Chiến lược gia ngoại hối tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities Daisaku Ueno chia sẻ với Reuters: "Bộ Tài chính Nhật Bản đã can thiệp vào sự tăng giá của đồng tiền, không còn gì phải nghi ngờ nữa".
Daisaku Ueno cho rằng mốc 160 yên đổi 1 USD hôm 29/4 đã đạt mức giới hạn của giới chức Nhật Bản. Diễn biến tỉ giá đồng Yên trong sáng ngày 2/4 cho thấy Nhật sẽ can thiệp vào giá yên bất cứ lúc nào và sẽ tiếp tục tìm giải pháp "cứu" đồng tiền này trong những ngày tới.
Về phía Nhật Bản, Reuters đã liên lạc với người chịu trách nhiệm giám sát chính sách tiền tệ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Masato Kanda nhưng không nhận được bình luận nào.
Còn theo cựu quan chức Bộ Tài chính, hiện đang làm việc tại Đại học Columbia ông Takatoshi Ito, việc chính quyền Nhật can thiệp vào giá Yên hoàn toàn có khả năng. Họ muốn ra tín hiệu rằng 160 yên đổi 1 USD đã là ngưỡng giới hạn cuối cùng.
Sức ép tỉ giá đối với đồng Yên Nhật vẫn chưa "hạ nhiệt"
Theo Reuters, đồng Yên đã phải chịu áp lực trong gần 2 năm qua, khi Mỹ liên tục nâng lãi suất nhằm hạn chế lạm phát. Trong khi Nhật chỉ mới chấm dứt chính sách lãi suất âm.
Kỳ vọng vào quyết định cắt giảm lãi suất của FED giảm dần càng tạo áp lực lên đồng yên kể từ tháng 3 năm nay, khiến đồng tiền Nhật Bản trở thành loại tiền tệ tài trợ giá rẻ. Dòng tiền đầu tư đổ vào đồng Yên đang yếu đi do giới đầu tư muốn tìm kiếm tài sản khác cho lãi suất cao hơn.
Nhiều dự đoán, việc FED quyết định duy trì lãi suất tiền gửi ở mức 5,25-5,5%, mức cao nhất trong 23 năm qua sẽ đẩy chênh lệch lãi suất giữa hai nước lên trên 5%. Điều này sẽ càng tạo sức ép lên đồng Yên.
Tính từ đầu năm, đồng tiền Nhật Bản mất giá 10% so với USD. Đầu tuần này, Nhật Bản chi 35 tỉ USD để đẩy giá đồng Yên. Lần gần nhất, chính quyền Nhật can thiệp thị trường tiền tệ là năm 2022, khi tỉ giá Yên đạt mức 152 yên đổi 1 USD.