Đồng yen tăng mạnh: Liệu Chính phủ Nhật Bản có can thiệp vào thị trường tiền tệ?
Đồng yen tăng lên mức 153,1 yen/USD vào lúc cao điểm ngày 1/5 tại New York sau quyết định giữ nguyên lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), làm dấy lên suy đoán về một đợt can thiệp khác của Chính phủ Nhật Bản và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ).
Sự tăng vọt của đồng yen đã dẫn đến suy đoán về việc can thiệp nhiều hơn vào thị trường tiền tệ. Dữ liệu thị trường tiền tệ do BoJ công bố vào tối 2/5 cho thấy Chính phủ Nhật Bản có thể đã bơm vào 3.000 tỷ yen (19,3 tỷ USD) để hỗ trợ đồng yen. BoJ ước tính rằng hệ thống tài chính sẽ rút 4.360 tỷ yen vào ngày 7/5 tới do các giao dịch với khu vực chính phủ, theo dữ liệu về số dư tài khoản vãng lai tại ngân hàng trung ương. Các giao dịch tài chính thường được giải quyết trong hai ngày, do đó số tiền phản ánh các giao dịch diễn ra vào ngày 8/5. Nhật Bản sẽ có kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng tiếp theo từ ngày 3 - 6/5.
Các nhà môi giới tiền tệ dự đoán lượng thanh khoản sẽ sụt giảm khoảng 700 tỷ yen đến 1.100 tỷ yen. Khoảng cách giữa dữ liệu của BoJ và dự báo của các nhà môi giới, tổng cộng hơn 3.000 tỷ yen, cho thấy các giao dịch không lường trước được, chẳng hạn như sự can thiệp vào thị trường tiền tệ. Nhà môi giới thị trường tiền tệ Central Tanshi cho biết số liệu này cho thấy đã có sự can thiệp vào hoạt động mua đồng yen ở New York.
Các nhà đầu tư lo lắng về sự can thiệp này, mặc dù các quan chức Nhật Bản không đưa ra dấu hiệu nào về hành động đó. Một tiết lộ từ Bộ Tài chính cho biết xác nhận sẽ đến vào cuối tháng này.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki ngày 2/5 đã từ chối bình luận về sự tăng giá đột ngột của đồng yen trước đó trong bối cảnh các nhà đầu tư nghi ngờ đây là một đợt can thiệp khác của chính quyền Nhật Bản nhằm làm chậm sự sụt giảm của đồng tiền so với đồng USD. Ông Suzuki đang ở thủ đô Tbilisi của Gruzia để tham dự cuộc họp thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Thứ trưởng Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế, ông Masato Kanda, nói với các phóng viên tại thủ đô Tbilisi vào ngày 2/5 rằng: “Tôi không có bình luận gì về vấn đề can thiệp”. Thứ trưởng Kanda cho biết chính quyền Nhật Bản sẵn sàng giải quyết vấn đề ngoại hối “24 giờ, bất kể tôi đang ở trên máy bay hay đi du lịch nước ngoài”.
Tuyên bố chính sách mới nhất của Fed chỉ ra dữ liệu lạm phát đáng thất vọng và gợi ý rằng việc trì hoãn bất kỳ động thái chính sách nào sẽ cho phép nền kinh tế cân bằng.
Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố: “Chúng tôi cam kết duy trì lập trường chính sách hạn chế hiện tại của mình càng lâu càng tốt” và “việc tăng lãi suất là “khó có thể xảy ra”.
Nhà kinh tế trưởng Joseph Lavorgna của SMBC Nikko Securities America, cho biết Fed có quan điểm trung lập đến ôn hòa hơn cũng đặt số phận của các loại tiền tệ châu Á và đồng yen yếu vào tay các quan chức ngân hàng trung ương của họ thay vì những người ở Washington. Tuy nhiên, khả năng cắt giảm lãi suất vẫn ở mức thấp do dữ liệu kinh tế của Mỹ mạnh hơn dự kiến và lạm phát tiếp tục cao hơn mục tiêu 2% của Fed.
Chủ tịch Fed Powell nói: “Có thể chúng tôi sẽ mất nhiều thời gian hơn để có được niềm tin rằng chúng tôi đang đi trên con đường bền vững hướng tới lạm phát 2%”.
Tuy nhiên, việc bác bỏ việc tăng lãi suất trong thời gian tới và ông Powell chỉ ra rằng việc cắt giảm lãi suất vẫn có khả năng xảy ra nếu thị trường lao động suy yếu bất ngờ khiến Fed có thái độ ôn hòa hơn so với những gì thị trường có thể mong đợi.
Ông Goncalves, trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô Mỹ tại công ty tài chính MUFG Securities Americas, đánh giá: “Điều này có lợi cho đồng yen và các loại tiền tệ châu Á nói chung, đồng thời cho biết thêm rằng các quan chức ngân hàng trung ương trên khắp châu Á có thể thở phào nhẹ nhõm” rằng lẽ ra mọi chuyện có thể diều hâu hơn.
Thị trường cũng đang chuẩn bị cho việc công bố dữ liệu việc làm dự kiến vào sáng 3/5 tại Mỹ, vì môi trường việc làm có thể ảnh hưởng đến chính sách tương lai của Fed cũng như tỷ giá đồng USD với đồng yen.