Đột ngột giảm tốc, kinh tế Trung Quốc đang gặp phải vấn đề gì?
Trong quý III/2021, GDP của Trung Quốc chỉ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 7,9% của quý II cũng như kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.
Mức tăng trưởng tương đối yếu của Trung Quốc trong quý III được cho là do thiếu điện, gián đoạn chuỗi cung ứng quốc tế, dịch Covid-19 ở một số khu vực làm giảm tiêu thụ và thị trường bất động sản suy yếu do “cơn bão” Evergrande, cùng nhiều vấn đề khác.
Theo tờ Mainichi của Nhật Bản, từ đầu năm 2021, Trung Quốc đã kiểm soát thành công dịch bệnh Covid-19 và nhanh chóng đưa nền kinh tế nước này bước vào giai đoạn phục hồi.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới này trong quý III giảm tốc là dấu hiệu của mặt trái các chính sách trung và dài hạn của Trung Quốc, đồng thời bộc lộ nhiều nguy cơ lớn mà Trung Quốc phải đối mặt.
Thiếu điện trầm trọng
Tờ báo dẫn lời bình luận của nhân viên làm việc trong một tổ chức tài chính Nhật Bản tại Trung Quốc vào cuối tháng Chín rằng, các nhà máy sản xuất linh kiện cho các đối tác đã phải tạm dừng sản xuất vì lý do thiếu điện dù mới bắt đầu đi vào hoạt động kể từ sau khi dịch Covid-19 được khống chế. Nhiều nhà máy phải đối mặt với tình trạng cắt điện 3-4 ngày/tuần.
Có thông tin cho rằng, việc hạn chế nguồn cung điện cho các nhà máy, bao gồm các nhà máy liên doanh với nước ngoài như Nhật Bản đã xảy ra với khoảng 20 địa phương của Trung Quốc, chiếm khoảng 2/3 tỉnh, thành phố của quốc gia này. Đây là nguyên nhân chính làm giảm tốc đột ngột GDP của nước này trong quý III.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu điện nhưng nguyên nhân chính là do giá than tăng mạnh.
Theo Hiệp hội các doanh nghiệp điện lực Trung Quốc, giá than trong nước dùng để phát điện trong tháng Chín đã tăng hơn gấp đôi so với nửa đầu năm 2021. Ở Trung Quốc, các doanh nghiệp sản xuất điện, truyền tải và phân phối điện hoạt động độc lập, do đó, các doanh nghiệp sản xuất điện không thể chủ động tăng giá điện khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Chính việc càng làm càng lỗ nên các doanh nghiệp sản xuất điện của Trung Quốc không muốn mở rộng nguồn cung.
Việc tăng giá than đột biến so với thế giới cũng đến từ chính sách giảm khí thải carbon của Chính phủ Trung Quốc.
Trong một bài phát biểu tại Liên hợp quốc vào tháng 9/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố mục tiêu cắt giảm một lượng lớn khí thải carbon đến năm 2030 và quyết tâm trung hòa khí thải carbon vào năm 2060. Chính vì thế, sản xuất điện từ nguồn than đá, vốn chiếm phần lớn lượng khí thải ra môi trường, bị hạn chế đáng kể, và đây trở thành một trong những lý do khiến giá nhiên liệu này tăng cao.
Trong bối cảnh phải chấp hành chủ trương giảm khí thải từ chính phủ, chính quyền các địa phương của Trung Quốc phải chịu áp lực lớn khi ngành công nghiệp sản xuất nhôm, thép, vốn tiêu thụ nhiều điện năng vẫn phải tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19.
Trước tình trạng thiếu điện trầm trọng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra “chỉ thị quan trọng”, nhằm ổn định nguồn cung năng lượng vào cuối tháng Chín vừa qua liên quan đến việc tăng sản lượng khai thác của các mỏ than phía Bắc.
Siết chặt hoạt động kinh doanh bất động sản
Mặt khác, một trong những chính sách trung và dài hạn khiến cho GDP của Trung Quốc trong quý III giảm là siết chặt hoạt động kinh doanh bất động sản.
Chủ trương thúc đẩy “thịnh vượng chung” được Chính phủ Trung Quốc đưa ra nhằm giúp gia tăng của cải cho toàn thể người dân Trung Quốc, trong đó có việc kiểm soát đà tăng giá bất động sản tại các khu đô thị lớn.
Kết quả là tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande của Trung Quốc rơi vào khủng hoảng tài chính do không thể huy động được nguồn tài chính.
Mức độ đầu tư vào lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã bị thu hẹp đáng kể trong 6 tháng liên tiếp (tính đến tháng Tám năm nay). Trong bối cảnh các ngành công nghiệp nặng đang chịu áp lực giảm sản lượng thì nguồn thu từ giao dịch bất động sản cũng giảm, đã khiến cho tình hình tài chính của các địa phương Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn.
Một nguyên nhân khác khiến GDP của Trung Quốc tăng trưởng chậm lại là do tiêu dùng của người dân giảm bởi các biện pháp chống Covid-19 nghiêm ngặt.
Mặc dù số ca mắc Covid-19 mới ở một số địa phương đã vượt trên 100 người/ngày, thấp hơn nhiều so với các nước như Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu nếu xét trên quy mô dân số, nhưng các nhà chức trách Trung Quốc đã nhanh chóng áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt tại các thành phố có ca nhiễm bệnh. Điều này gián tiếp ảnh hưởng đến chi tiêu cá nhân liên quan đến đi du lịch và ăn uống bên ngoài của người dân Trung Quốc.
Tăng trưởng có thể duy trì?
Tờ Mainichi dẫn nhận định của các chuyên gia tài chính dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể đạt mức 8% trong năm 2021, một phần là để bù lại tốc độ tăng trưởng chỉ ở mức 2,3% trong năm 2020 do ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19. Tuy nhiên, mục tiêu này đang có xu hướng giảm dần trong giai đoạn cuối năm, như vậy khả quan nhất chỉ có thể tăng trưởng ở mức 5,5%.
Chính phủ Trung Quốc đang đặt mục tiêu chuyển đổi từ tăng trưởng chạy theo số lượng sang chú trọng chất lượng và mục tiêu giảm khí thải carbon cũng như kiểm soát giá bất động sản là một phần trong chiến lược này.
Tuy vậy, sự đột ngột giảm tốc trong các tháng gần đây của kinh tế Trung Quốc có thể sẽ tác động lớn đến kinh tế toàn cầu nói chung, đòi hỏi phải tiếp tục theo dõi thêm trong thời gian tới.
Dựa trên tình hình trong quý III và dữ liệu được công bố ngày 18/10, các chuyên gia kinh tế dự kiến Trung Quốc sẽ có những điều chỉnh phù hợp đối với chính sách tài khóa và tiền tệ của mình để giải quyết tình trạng thiếu vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời phá vỡ tình trạng trì trệ trong lĩnh vực sản xuất.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong ba quý đầu năm nay chỉ tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, một con số được coi là tăng trưởng âm sau khi điều chỉnh theo lạm phát. Trung Quốc đã lên kế hoạch cho 102 dự án lớn trong giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, và việc thực hiện chúng cần được đẩy nhanh.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng gặp nhiều vấn đề trong quý III, ví dụ như tình trạng quan liêu xuất hiện ở một số địa phương và tình trạng thiếu điện đã trở thành một vấn đề có thể ảnh hưởng trên diện rộng.
Hệ thống của Trung Quốc có khả năng giải quyết vấn đề rất cao, tuy nhiên, quá trình tìm kiếm và xác nhận các vấn đề phải nhanh hơn, để giải quyết những biến động đi xuống trong ngắn hạn trong tăng trưởng kinh tế.