Đột phá cải cách thủ tục hành chính từ chính quyền điện tử
Xác định dữ liệu số là nền tảng chuyển đổi số toàn diện, từ năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành chiến lược quản trị dữ liệu số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược nhằm nâng cao năng suất làm việc của cán bộ, hiệu quả quản lý và phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế số.

Tình nguyện viên Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP Hồ Chí Minh) hỗ trợ người dân làm các thủ tục hành chính.
TÍCH HỢP DỮ LIỆU SỐ
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng kể lại: Trước đây, Thành phố Hồ Chí Minh từng có hơn 40 cổng dịch vụ công khá rời rạc và riêng lẻ của từng sở, ngành, địa phương, do đó không kết nối được dữ liệu. Năm 2022, lần đầu tiên thành phố công bố Cổng dịch vụ công giải quyết thủ tục hành chính thống nhất trên toàn thành phố. Nhận thức được tầm quan trọng của dữ liệu số, năm 2023, thành phố chọn chủ đề năm của chuyển đổi số là dữ liệu số. Nhờ Ngân hàng Thế giới tư vấn, thành phố chính thức ra mắt chiến lược quản trị dữ liệu từ năm 2022 và là một trong những địa phương đi đầu xây dựng được chiến lược dữ liệu cấp tỉnh, thành phố. Thành phố xác định mục tiêu đến năm 2025, toàn bộ công tác quản trị hành chính của thành phố dựa trên dữ liệu và đưa lên nền tảng số.
Triển khai Kiến trúc Chính quyền điện tử, Thành phố Hồ Chí Minh tiên phong xây dựng Kho dữ liệu dùng chung, tập trung vào ba nhóm dữ liệu chính: dân cư; tài chính - doanh nghiệp; đất đai - đô thị. Đến nay, thành phố có 45 cơ sở dữ liệu dùng chung, trong đó 25 cơ sở đã vận hành chính thức, 20 cơ sở đang triển khai số hóa. Hệ thống GIS (hệ thống thông tin địa lý) của thành phố tích hợp 87 lớp dữ liệu nền địa lý, phục vụ quy hoạch và quản lý đô thị.
Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh: Với hệ thống dữ liệu liên kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực như dân cư, tài chính, doanh nghiệp và đất đai, thành phố không chỉ "số hóa" thông tin, mà còn tạo ra một cấu trúc dữ liệu thông minh, hỗ trợ quyết định chính sách nhanh chóng và chính xác.
Bà Võ Thị Trung Trinh chia sẻ: “Thành phố đặc biệt chú trọng vào việc bảo vệ dữ liệu của người dân, vì chúng tôi hiểu rằng niềm tin của người dân là yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số. Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng đã được thành lập, với mục tiêu bảo đảm rằng mỗi dữ liệu cá nhân của người dân đều được bảo mật tuyệt đối, mang đến sự an tâm khi người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến”.
Từ cuối năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh tạo dấu ấn khi triển khai ứng dụng Công dân số. Ứng dụng này không chỉ giúp kết nối nhanh chóng chính quyền và người dân mà còn tạo ra những tiện ích thiết thực như tiếp nhận thông tin, phản ánh kiến nghị, tra cứu thủ tục hành chính... chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại. Cùng hệ thống phản ánh kiến nghị qua Tổng đài 1022, các ứng dụng số giúp tăng cường tương tác giữa chính quyền và người dân. “Chúng tôi tin rằng, để chuyển đổi số thực sự thành công, phải có sự kết nối và tương tác liên tục, nơi mà mỗi tiếng nói, mỗi phản ánh của người dân đều được trân trọng và giải quyết kịp thời” - bà Võ Thị Trung Trinh nói.
TOÀN DÂN GIA NHẬP XÃ HỘI SỐ
Với quan điểm, công nghệ chỉ thực sự hiệu quả khi được người dân và doanh nghiệp chấp nhận và sử dụng rộng rãi, Ủy ban nhân dân Quận 1 đã triển khai nhiều chương trình thiết thực để hỗ trợ cộng đồng. Đó là chương trình “Phổ cập kỹ năng số” giúp người dân, thương nhân làm quen với các ứng dụng công nghệ như thanh toán điện tử, đăng ký dịch vụ công trực tuyến. Quận hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, tư vấn miễn phí về giải pháp công nghệ phù hợp với từng loại hình kinh doanh.
Đặc biệt, Quận 1 xây dựng “Tổ công nghệ số cộng đồng” tại các phường, tạo ra các điểm hỗ trợ trực tiếp, giúp người dân được hướng dẫn cụ thể khi gặp khó khăn trong việc sử dụng các ứng dụng số… Ông Nguyễn Duy An, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 1 cho biết: Những chương trình này không chỉ giúp người dân dễ dàng tiếp cận công nghệ mà còn góp phần hiện thực hóa tầm nhìn xây dựng một đô thị thông minh, phát triển bền vững, đưa Quận 1 trở thành trung tâm dẫn đầu trong kỷ nguyên số.
Tại Ủy ban nhân dân Quận 1, thường xuyên có những nhóm bạn trẻ tình nguyện của Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính trên các dịch vụ công, số hóa giấy tờ. Bạn Phạm Trần Thế Vinh (sinh viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) tham gia hoạt động này từ tháng 3/2025. Đội của Vinh có khoảng trên dưới 30 bạn, chia nhau ra mỗi ngày khoảng 5-7 bạn tới để hỗ trợ người dân.
Vinh cho biết: “Đây là giai đoạn mới triển khai các ứng dụng chuyển đổi số trong cải cách hành chính, nhằm giúp người dân đơn giản hóa, thuận lợi trong các thủ tục hành chính, nhưng nhiều người còn chưa quen với hình thức giao dịch chủ yếu qua online”. Do đó, người dân rất cần các bạn hỗ trợ một số thủ tục như: trích lục hộ tịch, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh, xóa đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký biện pháp bảo đảm, biến động đất đai, cải chính thông tin trên giấy tờ…
Để xây dựng chính quyền số, xã hội số, Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung đào tạo kỹ năng số cho cả cán bộ công chức và người dân, đặc biệt là những người có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp. Bà Võ Thị Trung Trinh cho biết: “Chúng tôi mong muốn công dân, dù ở độ tuổi nào, trình độ nào, đều có cơ hội tiếp cận và tận dụng các tiện ích mà chuyển đổi số mang lại. Hơn nữa, việc đào tạo năng lực số cho người dân - “bình dân học vụ số” bằng các nền tảng đào tạo trực tuyến, mạng xã hội và các ứng dụng như Công dân số sẽ giúp nâng cao kỹ năng số, giúp họ chủ động hơn trong việc tham gia vào xã hội số. Từ đó, chúng tôi biến chuyển đổi số trở thành công cụ phục vụ chính người dân, giúp họ cải thiện cuộc sống, từ việc tiếp cận dịch vụ công đến giao dịch hằng ngày”.
“Với các giải pháp đồng bộ, Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ đẩy mạnh chuyển đổi số, mà còn tạo ra một xã hội mà ở đó, người dân là trung tâm của mọi sự đổi mới. Chính quyền không chỉ cung cấp dịch vụ công qua các nền tảng số mà còn lắng nghe, tương tác và điều chỉnh để mỗi người dân đều cảm nhận được lợi ích trực tiếp từ quá trình chuyển đổi số. Đây là bước đi vững chắc để góp phần cùng thành phố phát triển bền vững và toàn diện, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của xã hội” - bà Võ Thị Trung Trinh nhấn mạnh ■
() Xem Báo Nhân Dân trang
Thành phố Hồ Chí Minh từ số ra ngày 18/4/2025.