Đột phá để phát triển nguồn nhân lực tay nghề cao
Trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng xác định: Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có tay nghề cao là đột phá chiến lược, yếu tố quyết định, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Thấm nhuần quan điểm này, các cấp, các ngành đã phối hợp triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từng bước phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.
Liên kết đào tạo
Với phương châm “Chất lượng đào tạo là chìa khóa giúp học sinh, sinh viên tự tin lập nghiệp”, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa đã đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ chương trình, nội dung đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Chương trình, giáo trình đào tạo nghề được nhà trường phối hợp với các doanh nghiệp rà soát, cập nhật, đảm bảo nguyên tắc từ 50 đến 70% thời lượng thực hành. Bên cạnh đó, nhà trường đã thực hiện đổi mới chương trình từ tách rời lý thuyết và thực hành sang đào tạo theo Modul tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp; đổi mới dạy học theo hướng chủ động, độc lập, tự rèn luyện của người học, có sự tham gia giám sát của doanh nghiệp để biên soạn chương trình sát với tình hình thực tế, yêu cầu của doanh nghiệp. 100% chương trình, giáo án đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng của nhà trường đã được thẩm định, ban hành và đưa vào giảng dạy.
Để nâng cao tay nghề cho học sinh, sinh viên (HSSV), nhà trường đã chủ động hợp tác với các doanh nghiệp để đưa HSSV đến thực tập. Chương trình hợp tác này được đánh giá đạt hiệu quả cao, có ảnh hưởng tích cực đến sự hình thành kiến thức, kỹ năng và năng lực tự chủ tự chịu trách nhiệm của HSSV. Đồng thời, các doanh nghiệp đã cung cấp thông tin nhu cầu tuyển dụng đến HSSV tốt nghiệp, thông tin phản hồi chất lượng HSSV tốt nghiệp. Mặt khác, nhà trường tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực; các doanh nghiệp cũng hỗ trợ cho nhà trường nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Qua đó, không những giúp HSSV dễ dàng tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp, mà còn đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ phía doanh nghiệp về kỹ năng và tay nghề của lao động.
Tại huyện Triệu Sơn, Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa cũng ký kết, hợp tác với 20 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước để đưa HSSV đi thực hành, thực tập; đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và các địa phương trong tỉnh; phối hợp tuyển sinh các lớp dạy nghề ngắn hạn tại các địa phương trong và ngoài tỉnh... đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao trong giai đoạn mới.
Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Hoằng Bá Huyền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa, cho biết: “Việc đào tạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cần tăng tỷ trọng rèn nghề nên chúng tôi xây dựng kế hoạch phối hợp với doanh nghiệp. Doanh nghiệp tham gia với nhà trường ở tất cả các khâu trong quá trình đào tạo, đặc biệt tham gia vào quá trình rèn nghề, thực hành, thực tập. Từ đó, giúp HSSV dễ dàng tìm kiếm việc làm sau khi ra trường”.
Việc liên kết giữa nhà trường - doanh nghiệp đã mang lại lợi ích “kép” cho cả 2 bên. Các nhà trường giải quyết được vấn đề thiếu hụt trang thiết bị hiện đại, giúp người học tiếp cận với công nghệ sản xuất tiên tiến; còn doanh nghiệp tiết giảm được chi phí đào tạo lại, có nguồn lao động vững tay nghề, đáp ứng được yêu cầu công việc.
Phát triển nhân lực tay nghề cao
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có tay nghề cao, ngày 6/6/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”. Qua 10 năm triển khai thực hiện, nhận thức của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp về GDNN trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng người đăng ký tham gia học nghề ngày càng tăng; tỷ lệ người học sau tốt nghiệp các trường cao đẳng, trung cấp, các trung tâm GDNN có việc làm cao, thu nhập ổn định. Đến nay, trên địa bàn tỉnh còn 66 cơ sở GDNN (giảm 23 cơ sở). Toàn tỉnh có 9 cơ sở GDNN được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt đầu tư nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 với 15 ngành nghề trọng điểm ở 3 cấp độ: Cấp độ quốc tế (1 nghề), cấp độ ASEAN (3 nghề) và cấp độ quốc gia (11 nghề). Từ năm 2014 đến nay, các cơ sở GDNN, doanh nghiệp đã tuyển sinh, đào tạo, kèm cặp, truyền nghề cho trên 800 nghìn người; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo hết năm 2024 đạt 74%.
Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực dự báo nguồn nhân lực có tay nghề cao được chú trọng. Hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhất là các doanh nghiệp trong các khu kinh tế, khu công nghiệp. Đồng thời, tổ chức tốt công tác tư vấn, phân luồng, định hướng cho học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào học nghề. Ngoài ra, công tác đổi mới chương trình, nội dung đào tạo nhân lực có tay nghề cao được các cơ sở GDNN chú trọng và thực hiện thường xuyên, có sự tham gia của đại diện một số doanh nghiệp, chuyên gia và đảm bảo đúng quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo. Vì vậy, kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc, đạo đức nghề nghiệp của HSSV sau khi tốt nghiệp đáp ứng tốt hơn yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường sử dụng lao động.
Với mục tiêu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả GDNN, tạo bước đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, các sở, ban, ngành có liên quan đang tiếp tục chỉ đạo các cơ sở GDNN chủ động xây dựng chương trình, giáo trình chuyên ngành phù hợp với năng lực của người học gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN các cấp, nhất là kỹ năng thực hành nghề nghiệp, ngoại ngữ và tin học theo tiêu chuẩn quy định. Đồng thời, gắn kết công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao với thị trường lao động tạo việc làm bền vững; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Phấn đấu đến năm 2045, Thanh Hóa trở thành tỉnh có chất lượng GDNN đứng đầu cả nước.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dot-pha-de-phat-trien-nguon-nhan-luc-tay-nghe-cao-235361.htm