Những trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ bị xem xét 'tước' giấy phép
Từ ngày 1/3, Bộ Công Thương sẽ xem xét, thu hồi giấy chứng nhận xuất khẩu gạo trong trường hợp sau 45 ngày bộ này ban hành văn bản đôn đốc nhưng không nhận được báo cáo từ thương nhân. Một số quy định về quyền và trách nhiệm kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân cũng có thay đổi.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 01/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Hiện nay, có 7 trường hợp sẽ bị Bộ Công Thương xem xét, quyết định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo (gọi tắt giấy chứng nhận xuất khẩu gạo).
Theo đó, trong trường hợp thương nhân được cấp giấy chứng nhận đề nghị thu hồi; thương nhân bị giải thể, phá sản theo quy định; thương nhân bị thu hồi giấy đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư.
Cùng đó, thương nhân không xuất khẩu gạo trong thời gian 18 tháng liên tục, (trừ trường hợp đã thông báo tạm ngừng kinh doanh); không duy trì đáp ứng điều kiện kinh doanh; kê khai không đúng thực tế kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo hoặc có gian lận khác để được cấp giấy chứng nhận; không thực hiện hoặc thực hiện khônge đúng chỉ đạo, điều hành của cơ quan có thẩm quyền.
Theo quy định mới, ngoài những trường hợp trên, Bộ Công Thương sẽ xem xét, thu hồi Giấy chứng nhận xuất khẩu gạo trong trường hợp sau 45 ngày kể từ ngày bộ này ban hành văn bản đôn đốc nhưng không nhận được báo cáo từ thương nhân.
Quyết định này sẽ do Bộ Công Thương ban hành và gửi đến thương nhân bị thu hồi, Tổng cục Hải quan, Sở Công Thương địa phương liên quan đồng thời gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam để thực hiện.
Nghị định mới cũng bổ sung quyền và trách nhiệm kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân. Theo đó, thương nhân xuất khẩu gạo chỉ được ủy thác xuất khẩu hoặc nhận ủy thác xuất khẩu từ thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Ngoài ra, thay vì phải báo cáo định kỳ vào thứ Năm hằng tuần, nay thương nhân xuất khẩu gạo báo cáo trước ngày 5 hằng tháng về Bộ Công Thương, Sở Công Thương (nơi thương nhân có trụ sở chính, có kho, có cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo), đồng thời gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam về lượng thóc, gạo thực tế tồn kho của thương nhân theo từng chủng loại cụ thể để tổng hợp số liệu phục vụ công tác điều hành.
Theo Bộ Công Thương, tính đến ngày 3/10/2024, cả nước có 163 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Số thương nhân này đăng ký kinh doanh tại 23 tỉnh, thành phố.
So với hơn 1 năm trước đó, số thương nhân đủ điều kiện xuất khẩu gạo đã giảm đi nhiều. Thời điểm tháng 8/2023, cả nước có tới 210 thương nhân, trong đó TPHCM có số lượng lớn nhất với 47 thương nhân, Cần Thơ 42, Long An 25 thương nhân.
Năm 2024, xuất khẩu gạo của nước ta lần đầu đạt 9 triệu tấn, thu về 5,8 tỷ USD, tăng 10,6% về lượng nhưng tăng tới 23% về giá trị. Đây là bước bứt phá vô cùng ấn tượng sau 35 năm kể từ khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo.