Đột phá hơn nữa về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế tư nhân
Chiều 14/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo để cho ý kiến về Đề án trước khi trình Bộ Chính trị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đối với việc hoàn thiện Đề án, cần phải đột phá hơn nữa về quan điểm, mục tiêu, tăng năng suất lao động, hiệu quả của công tác đầu tư, theo đó, mục tiêu phải cao hơn cái mà chúng ta có khả năng làm được, tất nhiên là phải khả thi, thì mới tạo áp lực, tạo sự phấn đấu. Vấn đề là phải quyết tâm.
Do đó, phải nghiên cứu, bổ sung, nâng mục tiêu lên. Tên gọi Đề án phải ngắn gọn, phản ánh được nội hàm, có tính kề thừa, phát triển và có tính đột phá.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Về nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án, Thủ tướng cũng yêu cầu giải pháp phải mang tính đột phá nhiều hơn để đạt được mục tiêu đề ra; quan điểm là phải tạo động lực, truyền cảm hứng, cảm hứng, gắn kết giữa chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, quan điểm, phương châm lãnh đạo, chỉ đạo.
Quan điểm, tư tưởng chỉ đạo phải ngắn gọn nhưng rõ ý, mối quan hệ với các vấn đề khác để tạo xung lực, động lực, đặt trong tổng thể toàn bộ sự phát triển của đất nước, sự đổi mới, đột phá.
Thể chế phải vượt qua tư duy bình thường đối với kinh tế tư nhân, theo đó, thể chế phải sửa theo hướng nào, thông thoáng theo hướng nào, những luật nào phải sửa để Nghị quyết ra đời là đi vào cuộc sống?

Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Phải bảo đảm thông suốt, gồm hạ tầng giao thông, chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, khoa học-công nghệ… qua đó giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa; thể chế phải giảm chi phí tuân thủ, phiền hà, sách nhiễu; quản trị phải thông minh, giảm bớt sự đi lại, phiền hà, không cần thiết; tăng cường số hóa để tư nhân làm các thủ tục quản lý nhà nước; tiếp cận bình đẳng các nguồn lực của đất nước; tăng tính cạnh tranh; tuân thủ quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu, giá trị…

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu ý kiến tại cuộc họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng yêu cầu, các nhóm giải pháp vừa phải có tính định hướng, vừa có tính định lượng; tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành; phân biệt quan hệ dân sự, hình sự, phân biệt rõ các hành vi tội phạm thí dụ như làm hàng giả, hàng nhái, găm hàng, đội giá.
Kết hợp hài hòa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ phù hợp hoàn cảnh, điều kiện của đất nước; nghiên cứu kỹ phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm liên quan vấn đề kinh tế tư nhân tại Hội nghị Trung ương 11 vừa qua; bảo đảm tính xác thực, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, từ đó thấy vai trò, vị trí, tầm quan trọng của kinh tế tư nhân.

Các đại biểu tham dự cuộc họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Chỉ rõ những nút thắt hiện nay của kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa; nêu rõ nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm; kết hợp lý luận với luận cứ khoa học một cách chặt chẽ, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả; bảo đảm tính hành động, chiến đấu cao.
Các giải pháp đột phá phải ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm, thể hiện tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ thẩm quyền”; bảo đảm khả thi, dễ nghe, dễ hiểu, dễ triển khai, dễ giám sát, dễ đánh giá; bảo đảm tính nhất quán, đặt trong tổng thể 3 đột phá chiến lược, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, hội nhập, cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy, tổng thể của bộ từ chiến lược; từ ngữ diễn đạt phải giản dị, rõ ràng.
Thủ tướng yêu cầu phải tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt để phát huy hết tiềm năng, cơ hội, chỉ rõ nguyên nhân chủ quan, từ đó nhận thức rõ nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; phải tái cơ cấu lại nền kinh tế nhân việc Hoa Kỳ thực hiện chính sách thuế quan mới; tái cơ cấu lại đầu tư nước ngoài, tái cơ cấu doanh nghiệp, thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; doanh nghiệp tư nhân phải đi lên từ khoa học-công nghệ…