Đột phá mở đường cho Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 1: Thời khắc lịch sử và khát vọng mang tên '5 giờ 30 phút'
Những đại công trình như Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư sẽ là động lực mới, giúp gia tăng tốc độ cho mũi đột phá chiến lược hạ tầng trong kỷ nguyên mới.
Chỉ còn hơn một năm nữa, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV sẽ được tổ chức, đánh dấu thời điểm cả nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Hạ tầng giao thông có sứ mệnh “đi trước mở đường”, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy, việc tổng kết, đánh giá bài học, kinh nghiệm trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông - lĩnh vực đã có bước tăng tốc ngoạn mục trong giai đoạn 2021-2025 - không chỉ góp phần nối dài thành công, mà còn gợi mở những giải pháp triển khai có hiệu quả các công trình hạ tầng chiến lược, có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái với tầm nhìn trăm năm cho đất nước.
Bài 1: Thời khắc lịch sử và khát vọng mang tên “5 giờ 30 phút”
Những đại công trình như Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư sẽ là động lực mới, giúp gia tăng tốc độ cho mũi đột phá chiến lược hạ tầng trong kỷ nguyên mới.
Công trình của ý Đảng, lòng dân
“14h45’ ngày 30/11/2024 - thời điểm các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam chắc chắn sẽ là một trong những thời khắc lịch sử không chỉ đối với ngành đường sắt, mà còn đối với toàn ngành giao thông”, ông Lê Bằng An, thành viên Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không giấu sự xúc động khi theo dõi buổi làm việc cuối kỳ của Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV được phát sóng trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam.
Gắn bó cả cuộc đời với ngành đường sắt, ông An trải qua nhiều vị trí, từ tiếp viên trên tàu, cán bộ điều độ, đến trưởng ga, cán bộ quản lý cấp tổng công ty. Tình yêu đối với nhà ga, con tàu của người cán bộ thuộc thế hệ 7X này bắt nguồn từ chính khu tập thể đường sắt và cung đường sắt nơi cha mẹ của ông công tác...
Đối với những “người đường sắt”, thời gian 5 giờ 30 phút cho hành trình Hà Nội - TP.HCM của mác tàu đường sắt tốc độ cao cao nhất trong tương lai so với hành trình hơn 30 giờ hiện nay thể hiện rõ nhất khát khao “Đổi mới” của ngành đường sắt.
Từng giữ vai trò là một trong những động mạch chủ, xương sống vận tải của quốc gia, nhưng nhiều thập kỷ trở lại đây, đường sắt đánh mất vai trò, khi thị phần vận tải hành khách chỉ chiếm 0,12%; thị phần vận tải hàng hóa chỉ chiếm 0,4% toàn ngành giao thông.
“Đây là công trình hạ tầng giao thông giúp ngành đường sắt chuyển mình, tiến thẳng lên hiện đại hóa. Tôi cho rằng, những hiệu ứng tích cực của Dự án đối với kinh tế - xã hội đất nước sẽ lan tỏa ngay từ bây giờ, chứ không phải đợi đến khi tuyến đường sắt tốc độ cao này đi vào khai thác toàn tuyến năm 2035”, ông An đánh giá.
Cần phải nói thêm rằng, tân Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh và tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng chính là những người hạnh phúc nhất khi chứng kiến 443/454 đại biểu Quốc hội có mặt tại Hội trường bấm nút thông qua chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Hai vị bộ trưởng này là chứng nhân lịch sử cho bước chuyển giai đoạn quan trọng bậc nhất của Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam - đại dự án đã phải mất tới 18 năm chuẩn bị để được thông qua chủ trương đầu tư.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng là người trực tiếp chỉ đạo giai đoạn tăng tốc nghiên cứu, hoàn thiện Đề án; thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký Tờ trình gửi Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh - vị tướng quân đội thứ 3 đảm nhận vị trí tư lệnh ngành GTVT - là người sẽ tiếp nối các công việc quan trọng, trong đó có việc tổ chức lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi cho công trình hạ tầng “trăm năm có một” này.
“Với 92,48% số phiếu tán thành, Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam chính là công trình của ý Đảng, lòng dân; đồng thời thể hiện ý chí thống nhất, quyết tâm cụ thể hóa mục tiêu đột phá kết cấu hạ tầng, trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra”, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh cho biết.
Tân Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định, Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam không chỉ là một công trình của ngành giao thông, mà là công trình động lực, mang tính biểu tượng, tạo sức bật cho nền kinh tế, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu.
Nếu được triển khai theo đúng mục tiêu mà Quốc hội đề ra, công trình có một không hai trong lịch sử ngành GTVT này còn tạo “hiệu ứng cánh bướm” to lớn khi góp phần phát triển công nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng; phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị; giảm ô nhiễm môi trường; giảm tai nạn giao thông; tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo ra hàng triệu việc làm.
Trong thời gian xây dựng, ước tính Dự án góp phần giúp GDP bình quân của cả nước tăng thêm khoảng 0,97 điểm phần trăm mỗi năm. Đây là chỉ số lan tỏa mà chưa một công trình hạ tầng giao thông nào tại nước ta đạt được.
Định vị những việc lớn, việc khó
Trước đó, tại Hội nghị toàn quốc Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10, khóa XIII được tổ chức vào ngày 20/10/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là yêu cầu khách quan, lựa chọn mang tính chiến lược để phát triển hạ tầng đất nước.
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, vào năm 2010, kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, GDP bình quân đầu người mới hơn 1.000 USD, GDP hơn 100 tỷ USD, nên việc đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phải tạm gác lại. Đến nay, GDP của Việt Nam đã gấp 3 - 4 lần và có dư địa để thực hiện đầu tư toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đúng theo kỳ vọng của nhân dân.
“Thế và lực của đất nước hiện nay cho phép chúng ta triển khai Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với tinh thần tự lực, tự cường theo phương châm thủ tục rút gọn, thi công rút ngắn”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Cũng tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận được Chính phủ chính thức trình Quốc hội tiếp tục chủ trương đầu tư với mục tiêu góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Khi hoàn thành, dự án hạ tầng chiến lược về năng lượng này sẽ là một trong những nguồn cung cấp điện ổn định cho tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và hàng chục tuyến đường sắt đô thị khác trong tương lai.
Riêng với ngành GTVT, nếu tính cả việc nâng cấp tuyến đường sắt Thống Nhất; xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, Campuchia; đầu tư mới 580 km đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM…, với tổng vốn đầu tư lên tới gần 150 tỷ USD, chắc chắn, giai đoạn 2025 - 2035 sẽ trở thành “thập kỷ” của đường sắt, nối tiếp thời kỳ bùng nổ về phát triển đường bộ cao tốc khởi phát từ năm 2020 tới nay.
Để tiếp nối sứ mệnh “đi trước mở đường”, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ngoài đường sắt, trong giai đoạn 2026 - 2030, ngành GTVT vẫn phải ưu tiên nguồn lực để đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, các trục cao tốc Đông - Tây quan trọng để hướng tới mục tiêu hoàn thành 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030; các tuyến giao thông kết nối đa phương thức theo quy hoạch; các tuyến đường thủy nội địa có nhu cầu vận tải lớn.
Bên cạnh các công trình hạ tầng nói trên, có 2 đại dự án xứng đáng góp mặt trong Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030. Đó là Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Cần Giờ và việc xem xét đẩy nhanh tiến trình xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành để sớm đạt công suất 100 triệu lượt hành khách/năm.
Khi thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành với điểm nhấn là đầu tư thêm 1 đường cất hạ cánh ngay trong giai đoạn I vào tháng 10/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã rất tiếc nuối khi chúng ta không đặt ngay mục tiêu xây dựng sân bay này trở thành cảng hàng không trung chuyển.
“Trở thành cảng hàng không trung chuyển quốc tế là cách duy nhất để Cảng hàng không quốc tế Long Thành cạnh tranh với các sân bay lớn trong khu vực. Thay vì đợi xuất hiện nhu cầu rồi mới đầu tư, chúng ta phải tư duy lại với tầm nhìn dài hạn, chủ động tạo cầu như cách mà Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất đã làm sân bay Dubai, hay Thái Lan với sân bay Suvarnabhumi”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Trong khi đó, Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Cần Giờ, nếu được triển khai sớm, sẽ đưa TP.HCM vào vị thế “mặt tiền” của các tuyến đường hàng hải quan trọng nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời định vị vị thế quan trọng của hàng hải Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ, việc Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, hay Chính phủ đang khẩn trương xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư Cảng cửa ngõ quốc tế Cần Giờ - những “việc lớn, việc khó” của nhiệm kỳ tới - chỉ là bước khởi đầu cho hành trình dài với nhiều thử thách trước mắt.
Với quy mô công việc khổng lồ, Việt Nam lại chưa có kinh nghiệm, nên đây là những việc lớn, việc khó, đòi hỏi quá trình triển khai cần có sự thống nhất cao về nhận thức trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận xã hội, cũng như một cách làm mới, vượt qua những tiền lệ thông thường.
“Thế giới đang phát triển đường sắt tốc độ cao rất nhanh. Trung Quốc hiện có 47.000 km đường sắt cao tốc, mỗi năm họ phát triển tới 3.000 km. Nếu tiếp tục cách làm như cũ, thì tầm 50 năm nữa mới hoàn thành, đưa vào khác thác Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Vì vậy, phải có cách làm mới, đổi mới cách quản trị, quản lý, cách huy động nguồn lực, đặc biệt là tư vấn, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
(Còn tiếp)