Đột phá mới ngành GTVT - Kỳ 4: Vận chuyển container 'đánh thức' cảng nội địa
Theo Cục Đường thủy nội địa VN, 7 tháng đầu năm 2024, sản lượng vận tải hàng hóa đường thủy đạt 315,7 triệu tấn, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, một số tuyến đường thủy trọng điểm tăng mạnh vận tải hàng hóa bằng container vào sâu trong các cảng nội địa.
Khai thác hiệu quả các tuyến trọng điểm
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2024, sản lượng vận tải khách của đường thủy đạt 214 triệu lượt, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa đạt 315,7 triệu tấn, tăng 12,6%.
Phân tích cho thấy, vận tải container trên Hành lang đường thủy số 1 Việt Trì - Hà Nội - Bắc Ninh - Hải Phòng ngày càng phát triển, với đội sà lan chở đến 120 Teus hoạt động thông suốt chặng Bắc Ninh - Hải Phòng có chiều dài 120 km, kết nối giữa cảng thủy container và cảng biển. Trung bình mỗi tuần hiện đạt 35 chuyến, nhiều gấp hơn 10 lần so với năm đầu mở tuyến (năm 2018).
Còn trên Hành lang đường thủy số 2 (Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình) mới được triển khai từ đầu năm 2024 nhưng đến nay cho kết quả khả quan, với 4 chuyến/tuần chở bằng sà lan 36 Teus.
Tương tự, các trục vận tải thủy quan trọng khác như tuyến vận tải ven biển Bắc - Nam bằng tàu pha sông biển VR - SB, tuyến vận tải thủy quốc tế Việt Nam - Campuachia hoạt động ổn định, hiệu quả.
Ông Lê Minh Đạo, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết thêm, tận dụng tốt nhất điều kiện tự nhiên của đường thủy cũng như khai thác hiệu quả công trình hạ tầng đường thủy mới đưa vào sử dụng đã mang lại tăng trưởng vận tải, giảm TNGT (6 tháng tăng hơn 10% sản lượng vận tải, giảm 6% số người chết do TNGT so với cùng kỳ năm trước) và giảm chi phí về nhiên liệu, thời gian vận tải cho doanh nghiệp, người dân.
Minh chứng điển hình là việc khai thác tuyến kênh đào, âu tàu Nghĩa Hưng (nối sông Đáy - Ninh Cơ, tỉnh Nam Định). Đến nay, công trình được đưa vào khai thác hơn 1 năm và đã điều hành, hướng dẫn cho gần hơn 9.800 phương tiện vận tải thủy lưu thông an toàn, trong đó nhiều tàu có trọng tải 2.000 - 3.000 tấn. Với các phương tiện hành trình ven biển, lộ trình đường thủy từ cụm cảng Ninh Phúc (tỉnh Ninh Bình) đến cảng Hải Phòng, Quảng Ninh hoặc các tỉnh duyên hải phía Nam khi đi qua kênh đào trên đã tiết kiệm và rút ngắn được 8 tiếng di chuyển, tương ứng tiết kiệm khoảng 20 triệu đồng/phương tiện.
"Cùng với kênh đào Nghĩa Hưng, dự án xây dựng cầu đường sắt, đường bộ Đuống mới đang được thi công, sau khi hoàn thành sẽ giúp tháo gỡ "điểm nghẽn" hiện tại, giúp phương tiện thủy chở container đến 98 Teus hoạt động thông suốt trên tuyến 200 km Hải Phòng - Việt Trì. Ngoài ra, các dự án nâng cấp tĩnh không cầu phía Nam cũng đang được triển khai. Dự án phát triển hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam đã được chấp thuận thủ tục..., từ đó tạo "cú hích" lớn cho vận tải thủy. Các quyết định đầu tư, khuyến khích phát triển GTVT đường thủy của Chính phủ, Bộ GTVT, đặc biệt là đối với vận tải ven biển và vận tải container bằng đường thủy nội địa ngày càng đi vào thực tiễn, góp phần giảm tải cho hệ thống đường bộ, giảm ùn tắc, TNGT và ô nhiễm môi trường", ông Đạo chia sẻ.
Thông tin về tiến độ triển khai dự án cầu Đuống, đại diện Ban QLDA đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, tiến độ dự kiến hoàn thành cầu đường sắt và đường bộ Đuống vào tháng 12/2025, song chủ đầu tư và các bên liên quan cố gắng hoàn thành sớm hơn 4 - 6 tháng. Còn theo đại diện Ban Quản lý các dự án đường thủy, dự án nâng tĩnh không 11 cầu bắc qua các tuyến đường thủy quốc gia phía Nam đến nay đã khởi công 7/10 cầu (tháo dỡ 1 cầu cũ) và hạn cuối hoàn thành vào tháng 12/2025. Đối với dự án phát triển hành lang đường thủy phía Nam (hơn 2.723 tỷ đồng) hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục để cuối năm 2024 tổ chức lựa chọn nhà thầu, tiến tới thi công nâng cấp hành lang đường thủy Đông - Tây, cải thiện hành lang Bắc - Nam của khu vực..., giúp kết nối các cảng thủy với cảng biển phía Nam.
Nhiều giải pháp thúc đẩy vận tải container
Theo ông Lê Minh Đạo, phát triển vận tải container bằng đường thủy có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến việc chuyển đổi cơ cấu và giảm chi phí vận tải, logistics, tạo bền vững vận tải thủy. Thực hiện chiến lược này, ngành Đường thủy đã đề xuất Bộ GTVT Đề án "Nâng cao năng lực vận tải container trên tuyến đường thủy nội địa Bắc Ninh - Hải Phòng", thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030 để có cơ sở thực tiễn, rút kinh nghiệm nhân rộng. Đề án đặt ra các mục tiêu: Hoàn thành thể chế, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian vận chuyển, tăng tỷ trọng vận tải thủy container trên tuyến từ 5 - 10% và giảm chi phí 5 - 10%. Để thực hiện đề án sẽ ưu tiên vốn sự nghiệp kinh tế đường thủy để nạo vét, duy trì độ sâu của tuyến và về lâu dài là nâng tĩnh không cầu trên tuyến; quy định thời gian chờ tối đa, giá bốc dỡ container để vận chuyển bằng đường thủy (để cân bằng ưu thế các loại hình vận tải); miễn, giảm phí, lệ phí tại vùng nước cảng biển...
"Để thúc đẩy vận tải thủy bằng container, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã nỗ lực nghiên cứu để mở các hướng tuyến mới, sử dụng loại phương tiện thủy phù hợp nhằm kết nối tốt hơn giữa các cảng thủy với cảng biển trọng điểm. Ở phía Bắc, Cục đã đề xuất Bộ GTVT cho phép phương tiện thủy cấp VR-SI được chạy từ cửa Văn Úc - cảng Lạch Huyện thay thế cho tuyến vận tải truyền thống qua các sông, kênh nội thành TP. Hải Phòng. Phương án này giúp rút ngắn được khoảng 30 km, giảm 4 - 5 giờ chạy tàu và tăng khả năng khai thác tàu chở container thêm 1 lớp.
Còn ở phía Nam, đề xuất cho phép phương tiện thủy cấp VR-SI được hoạt động tuyến Cửa Tiểu - cảng biển Cái Mép - Thị Vải để rút ngắn quãng đường hơn 40 km, giảm hơn 6 giờ tàu chạy và tăng khả năng chở của tàu container. Theo tính toán của các doanh nghiệp, nếu đề xuất trên được chấp thuận, các tuyến vận tải này sẽ giúp giảm được khoảng 20% chi phí vận tải so với các tuyến truyền thống", đại diện Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết thêm.
Đồng thuận với các giải pháp nâng cấp luồng tuyến và cải cách thể chế, song ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam cũng cho rằng cần sớm đầu tư các cảng thủy khu vực theo quy hoạch để tạo sự đồng bộ, tạo thuận lợi kết nối giữa cảng thủy với đường bộ.
Nhằm cải cách thể chế và quản lý, năm 2024 là năm thứ hai Bộ GTVT tiếp tục giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thí điểm giao Cảng vụ đường thủy quản lý cảng, bến và luồng tuyến, đồng thời phân cấp một số địa phương quản lý cảng, bến trên đường thủy quốc gia. Hiện Cục đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định số 08/2021 của Chính phủ về quản lý hoạt động đường thủy với mục tiêu cải cách mạnh mẽ thể chế, phân cấp mạnh hơn trong quản lý đường thủy.