Đột phá phân cấp, phân quyền - Bài 3: Cơ chế đặc thù gặp khó
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 (NQ98) của Quốc hội, nhiều cơ chế đặc thù đã đi vào cuộc sống, tạo nền tảng vững chắc để TPHCM phát triển nhanh và bền vững.
Tuy nhiên, kỳ vọng tháo gỡ “chiếc áo cơ chế đã quá chật” của thành phố để khơi thông các nguồn lực phát triển và chủ động hơn thông qua phân cấp, phân quyền thì vẫn chưa đạt được như mong muốn.
Triển khai thực tế … vướng
Về lĩnh vực y tế, theo lộ trình, TPHCM sẽ mời gọi đầu tư theo hình thức PPP trong năm 2024. Trên cơ sở thực hiện NQ98, TPHCM đã xây dựng và phê duyệt được danh mục các dự án để kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết, Sở đang phối hợp với các sở, ban ngành và những bệnh viện liên quan triển khai 6 dự án mời gọi đầu tư, gồm: Khu khám và điều trị dịch vụ tại khu 2 Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (3.500 tỷ đồng); Bệnh viện Đột quỵ TPHCM (1.500 tỷ đồng); Trung tâm Khám sức khỏe và Tầm soát bằng công nghệ cao TPHCM tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh (1.200 tỷ đồng); Bệnh viện Thực hành (2.000 tỷ đồng); Trung tâm Khám sức khỏe và Tầm soát bằng công nghệ cao tại TP Thủ Đức (1.200 tỷ đồng); Khoa Khám bệnh Quốc tế Bệnh viện Lê Văn Thịnh (135 tỷ đồng).
Trong số các dự án đã được phê duyệt theo chủ đề công tác năm 2024, ngành y tế thành phố đang triển khai 2 dự án PPP: Xây dựng Khu khám Điều trị dịch vụ tại khu 2 Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Xây dựng Khoa Khám bệnh Quốc tế tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Sở Y tế đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các tổ chức, đơn vị có liên quan xây dựng, ban hành các văn bản quy định, tài liệu hướng dẫn và triển khai các dự án theo quy định. Sở đã thông tin về những dự án PPP trong lĩnh vực y tế đến các cơ quan phụ trách xúc tiến đầu tư của Chính phủ các nước Nhật Bản, Thái Lan..., các tổ chức tài chính - tín dụng quốc tế (ADB, WB, IFC...), Hiệp hội các doanh nghiệp quốc tế (Amcham, Eurocham...), các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại nhiều diễn đàn, hội nghị, hội thảo nhằm mời gọi, thu hút đầu tư.
Hai dự án mũi nhọn đang được ngành y tế xúc tiến triển khai là khu Khám và Điều trị dịch vụ tại khu 2 Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Khoa Khám bệnh Quốc tế Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Dự án tại khu 2 Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được xây dựng trên diện tích hơn 7.300m2 với quy mô 300 giường bệnh gồm 2 - 4 tầng hầm và 15 tầng nổi. Cùng với khu khám và điều trị gồm các trang thiết bị hiện đại, tại đây còn có chuỗi các dịch vụ tiện ích cho người bệnh như khu vực trung tâm thương mại, ăn uống, dịch vụ thư giãn giải trí, giữ xe, nhà tang lễ…
Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, theo kế hoạch, dự án Khoa Khám bệnh Quốc tế sẽ gồm gói xây dựng cơ bản trên cơ sở tu sửa, nâng cấp các hạ tầng hiện hữu. Trọng tâm của dự án này là mua sắm trang thiết bị y tế hiện đại, đầu tư chuyên môn sâu để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại TPHCM.
Theo đại diện Sở Y tế TPHCM, PPP là hình thức đã triển khai thành công trong một số lĩnh vực tại Việt Nam nhưng trong lĩnh vực y tế, đây là phương thức đầu tư mới chưa có tiền lệ. Hiện nay, chủ trương thực hiện dự án PPP trong lĩnh vực y tế và quy trình, thủ tục đầu tư đều đã được các sở, ban ngành và UBND TPHCM ủng hộ triển khai. Tuy nhiên, trên thực tế, việc kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP trong lĩnh vực y tế gặp rất nhiều khó khăn.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo triển khai NQ98 mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thừa nhận: NQ98 được kỳ vọng giúp TPHCM mở ra cơ chế khơi dậy nguồn lực và tháo gỡ rào cản thông qua phân cấp, phân quyền để được chủ động hơn. Nhưng cả hai mục tiêu này vẫn chưa đạt được như mong muốn.
“Thành phố xin các cơ chế để triển khai dự án BT, BOT, PPP… Loại hình đầu tư PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, TPHCM đã thông qua tiêu chí, danh sách và tổng vốn nhưng đến giờ này vẫn chưa triển khai được dự án nào”.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM
Phân cấp vẫn… xin ý kiến
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư y tế cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã xây dựng thông tư hướng dẫn về thực hiện dự án PPP trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, phương thức đầu tư lần đầu triển khai nên chưa có cơ sở để học tập, rút kinh nghiệm. Việc thực hiện như thế nào cho đúng và tuân thủ các quy định của pháp luật là một thách thức lớn đối với các đơn vị khi triển khai dự án.
Chuyên gia này chỉ ra, việc phân cấp, phân quyền trong dự án đầu tư PPP tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể, các quận huyện quản lý về đất đai. Tuy nhiên, dự án lại do Sở Y tế triển khai. “Vấn đề sở hữu đất đai là khâu đặc biệt quan trọng cần phải làm rõ trước khi kêu gọi đầu tư. Về chủ trương đầu tư các dự án lớn nhóm A thì sẽ được HĐND TPHCM thông qua; các dự án nhóm B, nhóm C thì HĐND TP Thủ Đức và các quận huyện thông qua chủ trương, phân công thực hiện cho các phòng chức năng như Kinh tế, Tài chính và các ban ngành. Điều này có thể phát sinh thêm nhiều thủ tục, chồng chéo trong quản lý” - vị chuyên gia này nói và cho rằng khi thực hiện phân cấp trong phê duyệt dự án PPP, nếu giao dự án về y tế cho Sở Y tế thì sẽ thuận lợi trong công tác triển khai.
Lãnh đạo một bệnh viện công ở TPHCM (đề nghị không nêu tên) cho rằng, việc triển khai các dự án PPP trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam và TPHCM nói riêng hiện nay mang tính chất thăm dò từng dự án một, chưa có mục tiêu, chiến lược rõ ràng. Dù nhà nước kêu gọi đầu tư và các nhà đầu tư có tham gia, tuy nhiên mục tiêu tiếp cận công bằng y tế chưa rõ ràng. Trong quá trình hợp tác xuất hiện tài sản công (đất đai, nguồn nhân lực…), là những khó khăn khi xác định phần đóng góp của khối công lập.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, sau hơn một năm triển khai thực hiện NQ98, TPHCM đã ban hành một lượng lớn các văn bản để cụ thể hóa. Tuy nhiên, phải chuyển hóa văn bản này thành giá trị thì TPHCM mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu. Lý do chậm là vì các văn bản này không đồng bộ với văn bản hướng dẫn của Trung ương. Cụ thể, khi TPHCM xây dựng văn bản thuộc thẩm quyền thì có một số nội dung cần tham khảo ý kiến các bộ, ngành. Khi được hỏi ý kiến, nhiều lãnh đạo bộ, cán bộ cấp vụ, cục, chuyên viên…lại quay về các quy định hiện hành, dẫn đến việc hướng dẫn thực hiện mất nhiều thời gian.
Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, thành phố đã áp dụng 30/44 cơ chế đặc thù của NQ98. Lĩnh vực quản lý đầu tư, TPHCM đã bố trí vốn đầu tư công 3.794 tỷ đồng hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm; thông qua danh mục 7 vị trí phát triển đô thị theo định hướng TOD; ban hành danh mục 41 dự án đầu tư theo phương thức PPP lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa; thông qua 5 dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Trong lĩnh vực quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường, TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư 1 dự án nhà ở xã hội với khoảng 2.000 căn hộ, 5 đơn vị đăng ký chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện, 2 dự án bổ sung mục tiêu đốt rác phát điện...
Người đứng đầu chính quyền TPHCM cũng chỉ ra những bất cập trong việc phân cấp, phân quyền. Cụ thể, về pháp lý, các cơ chế, chính sách vượt trội là thí điểm nhưng vẫn phải làm theo quy trình, thủ tục hiện hành. Các quy trình, thủ tục ấy đều do bộ, ngành xây dựng và ban hành, chưa phân cấp cho UBND TPHCM thực hiện. Đơn cử như việc ban hành danh mục dự án và các cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược. Dù đã phân cấp về cho HĐND TPHCM phê duyệt nhưng trước khi thông qua thì UBND TPHCM vẫn phải báo cáo, hiệp thương với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Do đó, theo ông Phan Văn Mãi, phải gỡ vướng cơ chế này thì mới có thể kêu gọi đầu tư vào dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và Khu công nghệ cao TPHCM.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở GTVT TPHCM cho biết, một cơ chế của NQ98 được kỳ vọng khơi thông nguồn lực đất đai là phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Theo khái tính, mô hình TOD có thể mang về cho ngân sách TPHCM khoảng 100.000 tỷ đồng để đầu tư vào các dự án hạ tầng, đồng thời tái cấu trúc lại không gian đô thị theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, đến thời điểm này, TPHCM mới chỉ xác định 7 vị trí phù hợp dọc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) và Vành đai 3. Lý do, dù có cơ chế nhưng nếu không phù hợp quy hoạch thì vẫn không thể triển khai.
“TPHCM đang hoàn thiện 2 đồ án quy hoạch gồm điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch kinh tế xã hội trình cấp thẩm quyền. Các đồ án quy hoạch được phê duyệt thì mới thực hiện được cơ chế nói trên” - đại diện Sở GTVT TPHCM cho biết thêm.