Loại bỏ cơ chế xin - cho và căn bệnh 'nghiện' quản lý

'Đừng có tư duy rằng, bộ làm mới tốt hơn địa phương. Dứt khoát phải từ bỏ cơ chế xin - cho. Bỏ được xin - cho thì sẽ ngăn được tình trạng 'sân trước', 'sân sau'. Còn nếu vẫn duy trì cơ chế xin - cho, thì suốt ngày chỉ đi xin, mà đã đi xin rồi thì sẽ ít quan tâm đến tính hiệu quả', ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trò chuyện với Tiền Phong về vấn đề phân cấp, phân quyền.

Hãy để địa phương được quyền quyết

Đầu năm 2024, trong một cuộc hội thảo, ông đã đưa ra cảnh báo “TPHCM đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình” và chỉ ra nguyên nhân gốc rễ do thành phố không được trao đủ quyền. Lý do nào khiến ông lại đưa ra nhận định đó?

Dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên thực hiện kéo dài (hơn 10 năm) đã đi vào hoạt động

Dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên thực hiện kéo dài (hơn 10 năm) đã đi vào hoạt động

Không chỉ TPHCM đâu, mà đây là chuyện của cả nước. Muốn phát triển thì TPHCM phải được phân cấp, phân quyền triệt để. Ở đây có hai tuyến phân cấp, gồm: Phân cấp Trung ương và địa phương; phân cấp hết sức quan trọng khác là phân cấp Nhà nước và thị trường. Nhà nước phải bỏ bớt luật lệ, bỏ bớt đi quy trình, quy định đi, vì càng nhiều luật lệ thì càng tạo ra các rào cản, tạo ra ách tắc, tạo ra cơ chế xin - cho.

Nhà nước phải rút lui khỏi cơ chế xin - cho để thị trường vận hành, phát huy đầy đủ tính tự do. Địa phương phải được quyền tự chủ. Nguồn lực của thành phố có thế nào thì thành phố phải được quyền quyết làm cái gì, chi cái gì?

Xây dựng một công trình, thực hiện một dự án, vấn đề quan trọng là kết quả chứ đâu phải chỉ là quy trình, quy định, chưa kể có khi quy trình, quy định đó đang lạc hậu, không còn phù hợp”.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Tuy nhiên, qua nghiên cứu tôi thấy, nhiều nội dung trong Nghị quyết 98 vẫn yêu cầu làm theo pháp luật, mà làm theo pháp luật thì vẫn phải đi xin thôi, có khi xin là chủ yếu (?)

Trung ương mới đây đã yêu cầu thực hiện phân cấp, phân quyền theo hướng: Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Theo ông, điều này đã đủ chưa?

Vấn đề là địa phương quyết, địa phương làm theo luật lệ nào? Một dự án đầu tư được địa phương quyết thì các Bộ, ngành đừng “dính” vào nữa, chứ vẫn phải xin ý kiến của các Bộ, ngành thì đâu còn là địa phương quyết, địa phương làm. Bây giờ, nếu tôi làm mà vẫn phải đi xin, sao tôi chịu trách nhiệm được?

Giả sử bây giờ địa phương làm công trình 5.000 tỷ đồng và đội vốn do nhiều nguyên nhân khách quan khác nhau. Trong trường hợp được phân cấp, phân quyền, địa phương có thể quyết điều chỉnh nguồn vốn ngay lên 6.000 tỷ đồng. Nhưng do địa phương không được trao quyền điều chỉnh nên phải đi xin. Lòng vòng nhiều quy trình, thủ tục, đến khi xin được, có khi công trình đã đội vốn lên 7.000 tỷ đồng rồi. Vậy ai chịu trách nhiệm về việc này?

Do đó, điều quan trọng là phải thanh lọc hệ thống pháp luật, bỏ đi những quy trình, quy định không phù hợp, bỏ đi cơ chế xin - cho. Hãy để các địa phương được quyền quyết, quyền lựa chọn những quy trình mà địa phương thấy phù hợp nhất, hiệu quả nhất.

Cần phân cấp nhiều hơn nữa

Tại Hội nghị tổng kết của Bộ Nội vụ, ngày 21/12, ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trên địa bàn thành phố thời gian qua giúp giảm các khâu trung gian, giảm bớt các thủ tục hành chính, giúp nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Hải chỉ ra hạn chế là việc phân cấp, phân quyền chưa triệt để dẫn đến vẫn phải xin ý kiến các bộ, ngành và cấp trên. Trong khi, thời gian chờ ý kiến đồng ý của các bộ, ngành, cấp trên kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.

Trên tinh thần của Hội nghị Trung ương 10 là “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết sẽ nghiên cứu để đề nghị cấp có thẩm quyền các nội dung cần tiếp tục phân cấp, phân quyền cho thành phố. Ngoài ra, TPHCM sẽ xem xét, nghiên cứu đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp tới cấp phương.

An Nhiên

Lãng phí cơ hội phát triển là lãng phí lớn nhất

Sự “vươn mình” của một số địa phương trong những thập kỷ qua dường như đều gắn với tinh thần dám quyết, dám làm, thậm chí làm khác quy trình, quy định, ông có thấy điều đó?

Đúng thế! Chúng ta có thể kể ra những câu chuyện phát triển mạnh mẽ của các tỉnh một thời như: Sông Bé, sau này tách tỉnh ra thành Bình Dương, Đồng Nai, hay Đà Nẵng, Quảng Ninh… Chính những quyết định làm khác quy trình, quy định mới giúp các địa phương này “vươn mình” mạnh mẽ, chứ cứ thực hiện đúng quy trình, quy định thì làm sao phát triển như thế được.

Vậy nên, khi đánh giá cán bộ thì phải dựa vào kết quả, về sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đánh giá cán bộ không nên chỉ cứ căn cứ vào việc tuân thủ quy trình, chưa kể quy trình đó có khi đã lạc hậu, thậm chí là điểm nghẽn của sự phát triển. Đánh giá cán bộ trước hết là phải nhìn vào kết quả và hiệu quả của công việc. Tôi có thể bỏ bớt các quy trình đi nếu tôi thấy quyết định đó là đúng và mang lại những lợi ích lớn hơn.

Địa phương biết rõ doanh nghiệp, nhà thầu làm ăn uy tín, nếu chỉ định cho doanh nghiệp đó thực hiện thì chắc chắn sẽ hiệu quả. Vậy trong trường hợp đó có cần phải đấu thầu nữa không, làm lãng phí thời gian, thủ tục? Chưa kể, nếu có đấu thầu thì cũng chỉ doanh nghiệp đó trúng thôi, thế đấu thầu làm gì cho mất thời gian? Tôi nghĩ, đánh giá cán bộ qua kết quả thực hiện công việc mới quan trọng, chứ không phải đánh giá theo quy trình.

Khi nói đến tính hiệu quả, tôi nhớ, một cựu lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải từng nói: Doanh nghiệp tư nhân làm sân bay Vân Đồn có 2 năm, còn Nhà nước 2 năm chưa xong thủ tục, chưa nói gì đến việc đấu thầu, thi công. Ông bình luận thế nào về việc này?

Đây là một thực tế! Tại sao mình không áp dụng cơ chế tư nhân - đấy chính là cơ chế thị trường, tức là họ đặt hiệu quả lên hàng đầu. Quy trình của doanh nghiệp tư nhân là một cơ quan xuyên suốt, còn quy trình, thủ tục của nhà nước là 5- 7 bước, hết cơ quan này, đến cơ quan khác, cứ trình lên, trình xuống, thế thì cạnh tranh cái gì nữa? Đó là lãng phí - lãng phí cơ hội phát triển mới là lãng phí lớn nhất.

Ví dụ, dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên ở TPHCM, thời gian thực hiện mất mười mấy năm, đội vốn không biết bao lần. Cái này lãng phí lớn lắm. Từng đấy năm, nếu áp dụng một phần như cơ chế tư nhân, có khi TPHCM được mấy tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên rồi.

Bỏ căn bệnh “nghiện” quản lý

Nói về phân cấp, phân quyền thì cả lý luận và thực tiễn đều đã có, và cũng được chứng minh bằng hiệu quả cân đong, đo đếm được, vậy vì sao thực hiện vẫn khó thế, thưa ông?

Cái chính là một số cơ quan nhà nước vẫn còn tư duy kiểm soát và quản lý. Vì tư duy không quản được thì cấm nên mới sinh ra nhiều quy trình, quy định. Cái gì mà không viết ra được quy định, quy trình thì cấm để không phải làm. Quy trình lòng vòng vì ai cũng muốn kéo việc đó về mình. Vì quản lý luôn gắn với quyền và lợi nên ai cũng muốn kéo về mình. Đấu thầu phải trải qua nhiều quy trình, quy định mà chưa chắc đã chọn được nhà thầu tốt, chưa kể còn “quân xanh, quân đỏ”.

Liệu đó có phải là “căn bệnh” nghiện quản lý?

Tất cả đều vì quyền lợi cả thôi. Nếu không có quyền lợi thì chẳng ai muốn ôm việc quản lý vào mình cho nặng trách nhiệm.

Trước đây, từng có phản ánh về tình trạng 1 chiếc xúc xích nhưng có đến 7 bộ quản lý. Đến giờ, những câu chuyện như thế đã được giải quyết triệt để chưa, thưa ông?

Đến giờ tôi thấy vẫn còn đấy! Xu hướng kiểm soát, đặt ra những điều kiện kinh doanh, giấy phép con vẫn còn. Một số cơ quan quản lý vẫn còn tư duy, doanh nghiệp làm nhưng tôi phải quản. Khi anh có nhu cầu quản thì phải đặt ra giấy phép để quản. Từ đó đẻ ra quyền lợi nên ai cũng thích quản lý.

Vậy nên, dứt khoát phải bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, xóa bỏ cơ chế xin - cho, thưa ông?

Nếu không phải làm theo quy trình, quy định thì sẽ có hàng triệu cách làm khác nhau, và cách nào đạt được kết quả cao nhất thì đó chính là quy trình đúng.

Bây giờ, Trung ương phân cấp cho địa phương từng đấy tiền, địa phương làm như thế nào thì tự địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Xây dựng một công trình, thực hiện một dự án, vấn đề quan trọng là kết quả chứ đâu phải chỉ là quy trình, quy định, chưa kể có khi quy trình đã lạc hậu, không còn phù hợp.

Chỉ định thầu, hay thực hiện đấu thầu thì cứ để địa phương quyết, miễn là hiệu quả nhất, nhanh nhất, đạt kết quả cao nhất.

Ông kỳ vọng gì về những đột phá thể chế, trong đó có vấn đề phân cấp, phân quyền mà Đảng đã nêu ra?

Tôi luôn có niềm tin về thể chế. Do đó, thực hiện phân cấp, phân quyền quyết triệt để theo hướng: Địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm mà Trung ương nêu ra sẽ mở ra không gian to lớn để đội ngũ lãnh đạo các cấp phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, không còn cảnh vừa làm, vừa lo.

Cán bộ, công chức, người đứng đầu đơn vị khi cảm nhận được giá trị bản thân thì dù ở vị trí nào cũng đều đam mê, cống hiến. Như thế sẽ tạo ra động lực, lôi kéo được những người tài năng vào bộ máy và đẩy lùi những người trì trệ. Suy cho cùng, năng lực tài năng của cán bộ là thể hiện qua kết quả.

Tôi tin rằng, nếu chúng ta thực hiện tốt việc cải cách thể chế thì tăng trưởng hoàn toàn có thể đạt 2 con số và chu kỳ tăng trưởng có thể kéo dài nhiều năm.

Xin cảm ơn ông!

Văn Kiên (thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/loai-bo-co-che-xin-cho-va-can-benh-nghien-quan-ly-post1703197.tpo