Đột phá phát triển hạ tầng chiến lược

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định ba đột phá chiến lược, gồm hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trong đó, đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại được xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế-xã hội đất nước nhanh và bền vững. Định hướng đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Do vậy, trong những năm tới, đột phá chiến lược về hạ tầng tiếp tục được coi là yếu tố đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới.

Thiết bị 5G do Viettel sản xuất ứng dụng các công nghệ mới nhất, đạt các tiêu chuẩn của thế giới.

Thiết bị 5G do Viettel sản xuất ứng dụng các công nghệ mới nhất, đạt các tiêu chuẩn của thế giới.

Bài 1: Tạo nền móng cho chuyển đổi số

Theo Khung phát triển hạ tầng số được ban hành, hạ tầng số Việt Nam có 4 lớp, gồm: Hạ tầng viễn thông và internet; hạ tầng dữ liệu; hạ tầng vật lý số; hạ tầng tiện ích số và công nghệ số. Khung phát triển này là bước đi quan trọng, phân định rõ thành phần, yêu cầu phát triển hạ tầng số, phản ánh sự tiến hóa, mở rộng từ hạ tầng viễn thông truyền thống đến các hạ tầng mới theo cách tiếp cận riêng của nước ta.

Hạ tầng số có vai trò chiến lược, nền tảng, do đó luôn đi trước, cần đầu tư trước với tầm nhìn xa. Hạ tầng số không ngừng được đầu tư mở rộng, sẽ trở thành nền móng vững chắc bảo đảm cho sự bứt phá lâu dài các lĩnh vực số.

Làm chủ công nghệ hạ tầng

“Nhiều chuyên gia, nhà quản lý ở các quốc gia có công nghệ viễn thông hàng đầu thế giới như Phần Lan, Thụy Điển, khi được nghe giới thiệu về sự phát triển như vũ bão của hạ tầng viễn thông và internet Việt Nam những năm gần đây đều cảm thấy hết sức kinh ngạc và bày tỏ thán phục”, Phó Cục trưởng Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) Hồ Đức Thắng không giấu được vẻ tự hào khi chia sẻ về hạ tầng số của Việt Nam.

Hiện nay, sóng di động 4G của Việt Nam đã phủ tới 99,11% dân số tại tất cả các vùng miền của Tổ quốc. Hạ tầng cáp quang với hơn 1 triệu ki-lô-mét đã được kết nối 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam có thêm khoảng 687.000 hộ gia đình sử dụng internet cáp quang băng rộng, nâng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng internet cáp quang băng rộng đạt 82,2%.

Không chỉ phủ diện rộng, chất lượng mạng băng rộng di động và cố định cũng được cải thiện rõ nét. Số liệu từ hệ thống i-Speed (một sản phẩm “Make in Vietnam”) do Bộ Thông tin và Truyền thông phát triển cho thấy, tốc độ download mạng băng rộng di động hiện đạt khoảng 42,11 Mbps, tăng 0,53 Mbps (1,27%) so với đầu năm 2024; tốc độ download mạng băng rộng cố định đạt 100,96 Mbps, tăng tương ứng 13,68 Mbps (15,67%).

Nhìn lại 10 năm trước (2014), nước ta có khoảng 20 triệu người dùng smartphone, tương đương 22% dân số. Hiện nay, tỷ lệ người dân sử dụng smartphone đã đạt 84%, cao hơn bình quân của thế giới (63%), đưa Việt Nam vào tốp 10 quốc gia có số lượng người dùng smartphone cao nhất thế giới. Ngày 15/10 vừa qua, ngành viễn thông Việt Nam tiếp tục mở ra trang phát triển mới với sự kiện Viettel khai trương mạng 5G, thế hệ viễn thông di động hiện đại nhất hiện nay. Ngay tại thời điểm khai trương, 5G Viettel đã phủ sóng toàn bộ thủ phủ các địa phương trên toàn quốc với tất cả thiết bị vô tuyến, mạng truyền dẫn cũng như mạng lõi 5G được sử dụng đều do chính Viettel tự sản xuất.

Nếu hệ thống viễn thông là “nền móng” của hạ tầng số thì hạ tầng số chính là nền tảng của chuyển đổi số, bảo đảm cho sự phát triển kinh tế số-xã hội số quốc gia. Nếu vẫn bị lệ thuộc hạ tầng viễn thông nước ngoài, nước ta sẽ không bao giờ làm chủ được công nghệ, quan trọng nhất là khó bảo đảm an toàn mạng lưới cũng như an ninh, bảo mật thông tin. “Chính vì vậy, Viettel đã quyết tâm thực hiện chiến lược “Make in Vietnam”, tự nghiên cứu, sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông và hạ tầng số”, Thượng tá Nguyễn Vũ Hà, Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (VHT) chia sẻ.

Những ngày đầu, hàng loạt khó khăn, bất lợi cản trở khát vọng làm chủ công nghệ hạ tầng viễn thông của Viettel, tưởng chừng không thể vượt qua. Nguồn nhân lực có trình độ, nền tảng tri thức, trang thiết bị nghiên cứu chuyên ngành,… của Tập đoàn gần như ở con số không. Tuy nhiên, Viettel có lợi thế là doanh nghiệp vừa phát triển nghiên cứu, vừa vận hành khai thác, kinh doanh, đồng nghĩa có một hệ thống song song để thử nghiệm các nghiên cứu. Từ xuất phát điểm đó, Viettel bắt đầu xây dựng bộ máy chuyên trách nghiên cứu về công nghệ thiết bị viễn thông.

Tập đoàn chủ trương tách hệ thống hạ tầng viễn thông thành các cấu phần nhỏ để nghiên cứu từng bước, trước hết bắt đầu từ phần mềm, đến phần cứng và cuối cùng là sản xuất chipset rồi nhờ đó dần làm chủ cả hệ thống lớn của viễn thông. Riêng với 5G, đầu năm 2024, Viettel ra mắt chip 5G DFE, thành phần phức tạp nhất trong hệ sinh thái 5G, điều khiển hoạt động khối thu/chuyển tín hiệu và giao tiếp tốc độ cao với các khối xử lý 5G khác.

Tăng nguồn lực nhà nước

Tháng 6 vừa qua, Tập đoàn Viettel được Bộ Thông tin và Truyền thông trao Chứng nhận hợp quy thiết bị trạm gốc 5G 8T8R và 32T32R. Đây là trạm gốc 5G có vị trí quan trọng trong cấu trúc hạ tầng mạng viễn thông, do VHT làm chủ toàn bộ phần cứng và phần mềm, toàn trình từ nghiên cứu, thiết kế đến sản xuất. Hiện nay, Viettel đã có khả năng cung cấp đầy đủ bộ giải pháp cho mạng 5G từ mạng lõi, mạng truyền dẫn và mạng truy nhập vô tuyến là trạm gốc 5G. Từ đó, VHT đã triển khai hơn 300 trạm gNodeB 8T8R và triển khai 10 trạm gNodeB 32T32R tại Hà Nam, Hà Nội, Đà Nẵng, Ninh Thuận đang hoạt động ổn định, thông suốt.

“Một hệ thống mạng 5G cần nguồn vốn đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng. Vì vậy, khi làm chủ được công nghệ hạ tầng, trước hết đã hạn chế được nguồn ngoại tệ chảy ngược ra nước ngoài. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn xác định đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên, đủ để khẳng định tính đúng đắn của sứ mệnh làm chủ công nghệ hạ tầng viễn thông. Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, hướng tới mục tiêu làm chủ toàn bộ công nghệ hạ tầng số quốc gia, theo kịp xu thế phát triển không ngừng của thời đại”, Thượng tá Nguyễn Vũ Hà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Đến nay, công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam đã bước sang năm thứ 5. Trong bài viết nhân kỷ niệm Quốc khánh vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, tạo ra bước đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất”. Mục tiêu lớn nhất của chuyển đổi số là số hóa thế giới thực, không gian sáng tạo của con người vì thế sẽ tăng ít nhất gấp hai lần, nhưng điều kiện cần là phải có hạ tầng và công cụ để thực hiện, hoặc hỗ trợ thực hiện các việc đó.

Do đó, hạ tầng số là hạ tầng chiến lược, phải được đầu tư trước một bước để phục vụ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xã hội số; nằm trong tốp 50 quốc gia đi đầu trên thế giới vào năm 2030 và tốp 30 vào năm 2045, có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Lĩnh vực viễn thông đang bước vào công cuộc đổi mới lần 2 khi hạ tầng viễn thông chuyển thành hạ tầng số. Những năm gần đây, viễn thông và hạ tầng viễn thông của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, dần theo kịp các nước phát triển trên thế giới, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của kinh tế số-xã hội số.

Tuy nhiên, hạ tầng viễn thông và internet cũng chỉ là 1 trong 4 thành phần trong Khung hạ tầng số quốc gia. Các hạ tầng khác, bao gồm hạ tầng dữ liệu, hạ tầng vật lý số, hạ tầng tiện ích số và công nghệ số, kể cả hạ tầng viễn thông vẫn cần tiếp tục đầu tư đi trước để tạo nền móng cho chuyển đổi số. Nhưng thực tế, đang có rất ít dự án hạ tầng số lớn có vốn đầu tư công, hay nói cách khác, Nhà nước chưa một lần trực tiếp mạnh tay đầu tư cho hạ tầng số, ngoài dự án Trung tâm dữ liệu quốc gia đang được đẩy nhanh, phấn đấu hoàn thành vào năm 2025 hoặc một vài dự án nhỏ lẻ ở các địa phương.

“Nhiều người đang ngộ nhận cứ giao cho doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng số là đủ”, Phó Cục trưởng Hồ Đức Thắng nhận xét. Viễn thông vốn là nhu cầu thiết yếu cho nên đầu tư cho viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông dễ thu hồi vốn. Nhưng không phải hạ tầng số nào cứ đầu tư là có lợi nhuận. Những trường hợp không có hiệu quả kinh tế trực tiếp và tức thì, nhưng mang lại lợi ích cho sự phát triển lâu dài của đất nước, Nhà nước vẫn cần trực tiếp đầu tư.

Đây là cơ sở quan trọng để Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách thúc đẩy phát triển, các quy định quản lý hạ tầng số. Đây cũng là căn cứ để doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ số xác định không gian phát triển mới, xây dựng định hướng phát triển giai đoạn 2024-2030. Và từ thời điểm này, khi các khái niệm cũng như định hướng phát triển hạ tầng số đã được xác định rõ, Nhà nước cần thật sự chú trọng đầu tư nhiều hơn vào hạ tầng số.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng so sánh một cách hình ảnh: Có thể coi Chính phủ là hộ tiêu dùng lớn nhất của một quốc gia, nếu Chính phủ tăng chi tiêu cho chuyển đổi số, từ đó sẽ kích thích chuyển đổi số của toàn bộ quốc gia. Hiện nay, Chính phủ đang chi khoảng 1% ngân sách cho chuyển đổi số, đây là tỷ lệ dưới mức trung bình của thế giới. Nếu Chính phủ tăng chi cho chuyển đổi số lên 2-3% ngân sách, sẽ là cú huých lớn cho chuyển đổi số cũng như hạ tầng số.

(Còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dot-pha-phat-trien-ha-tang-chien-luoc-post846921.html