Người dân tộc thiểu số còn khó tiếp cận công nghệ số

Mặc dù chuyển đổi số đã và đang đem đến những thay đổi đáng kể trong cuộc sống, nhưng nhóm đối tượng người dân tộc thiểu số vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ số.

Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) vừa phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên Vùng cao (CEGORN) cùng một số đơn vị khác thực hiện báo cáo về khả năng tiếp cận công nghệ số của một số nhóm đối tượng yếu thế, trong đó có người dân tộc thiểu số (DTTS).

Kết quả nghiên cứu cho thấy, người DTTS đã cơ bản tiếp cận được dịch vụ Internet (qua các gói 3G/4G/5G của các nhà mạng hoặc mạng wifi tại gia đình và nơi công cộng), và các thiết bị điện tử cần thiết để truy cập mạng (phổ biến nhất là điện thoại thông minh). Điều này đem lại nhiều thuận lợi, giúp người dân có cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao năng lực để phát triển kinh tế, tăng cường hiệu quả công việc, mở rộng và duy trì các mối quan hệ.

Mặc dù chuyển đổi số đã và đang đem đến những thay đổi đáng kể trong cuộc sống, nhưng nhóm đối tượng người DTTS vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ số.

Người DTTS vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ số. Ảnh: Lê Anh Dũng

Người DTTS vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ số. Ảnh: Lê Anh Dũng

Chính quyền đã nỗ lực đào tạo, nâng cao năng lực số cho người dân, tuy nhiên, rào cản ngôn ngữ vẫn là trở ngại lớn đối với người DTTS trong việc tiếp cận thông tin chính thống trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng Internet.

Việc tiếp cận thông tin chính sách, các trang thông tin điện tử có liên quan trực tiếp tới chuyển đổi số, trang nền tảng học trực tuyến miễn phí... hay các tài nguyên giáo dục về chuyển đổi số khác chưa được tuyên truyền đến từng đối tượng người DTTS với sự hỗ trợ phù hợp theo nhu cầu đặc thù.

Vì thế, cộng đồng người DTTS gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện số hóa và đóng góp ý kiến chính sách.

“Chuyển đổi số suy cho cùng là để phục vụ người dân, lấy người dân làm trọng tâm. Do vậy, nếu người dân không hiểu, không tham gia thì chuyển đổi số khó có thể thành công. Thu hẹp khoảng cách số và tăng cường ứng dụng công nghệ để hỗ trợ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương là cần thiết để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số”, các chuyên gia lưu ý.

Dự kiến ngày 29/11 tới, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) sẽ tổ chức Tọa đàm “Công nghệ số vì những điều tốt đẹp”, tạo cơ hội để các bên liên quan chia sẻ kết quả từ các hoạt động thực tiễn và nghiên cứu đã được triển khai, hướng tới việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ số một cách bao trùm và bền vững cho các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có người DTTS.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguoi-dan-toc-thieu-so-con-kho-tiep-can-cong-nghe-so-2346164.html