Đột phá thể chế, đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân, giải phóng sức sản xuất
Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 9 đã thông qua Nghị quyết số 198/2025/QH15, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc thể chế hóa các chủ trương đột phá của Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị, nhằm phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Với những cơ chế, chính sách đặc biệt, Nghị quyết không chỉ tháo gỡ các rào cản về pháp lý, tài chính, mà còn tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân vươn tầm khu vực và toàn cầu.

Ảnh minh họa
Cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ rào cản, nâng cao minh bạch
Nghị quyết 198/2025/QH15 đặt nền móng cho một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch thông qua các quy định mang tính đột phá về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Đại biểu Nguyễn Việt Hà, đoàn Tuyên Quang đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan liên quan trong việc cụ thể hóa các chủ trương của Nghị quyết 68-NQ/TW, đặc biệt là các quy định về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép và xử lý vi phạm, vốn được doanh nghiệp tư nhân kỳ vọng sẽ giải phóng sức sản xuất và khơi thông nguồn lực.
Nghị quyết quy định mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chỉ chịu thanh tra hoặc kiểm tra không quá một lần mỗi năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Các hoạt động thanh tra và kiểm tra không được trùng lặp nội dung trong cùng một năm, và mọi kế hoạch, kết luận thanh tra, kiểm tra phải được công khai theo quy định pháp luật. Những quy định này nhằm giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đại biểu Nguyễn Việt Hà cho rằng, rằng việc xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra sẽ góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định lâu dài, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư và phát triển.
Nghị quyết cũng thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, ưu tiên các hình thức từ xa dựa trên dữ liệu điện tử, đồng thời miễn kiểm tra thực tế cho các doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật. Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, thay thế cấp phép bằng công bố điều kiện kinh doanh, trừ một số lĩnh vực bắt buộc, là bước tiến quan trọng để giảm chi phí tuân thủ và tăng tính linh hoạt cho doanh nghiệp. Theo đại biểu Nguyễn Việt Hà, các quy định này sẽ cởi trói nhiều vướng mắc lâu nay, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát huy tiềm năng và thế mạnh.
Xử lý vi phạm: Ưu tiên khắc phục, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp
Một điểm sáng của Nghị quyết là các nguyên tắc xử lý vi phạm và giải quyết vụ việc, ưu tiên các biện pháp dân sự, kinh tế và hành chính trước khi xem xét xử lý hình sự. Đại biểu Nguyễn Việt Hà nhận định rằng, việc phân định rõ trách nhiệm giữa pháp nhân và cá nhân, giữa các loại trách nhiệm hình sự, hành chính, dân sự, cùng với nguyên tắc không hồi tố quy định bất lợi, sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.
Nghị quyết quy định, đối với các vi phạm dân sự, kinh tế, doanh nghiệp được chủ động khắc phục hậu quả trước, và chỉ trong trường hợp vi phạm đến mức xử lý hình sự, các biện pháp khắc phục kinh tế sẽ là căn cứ quan trọng để cơ quan tố tụng xem xét. Việc bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội, phân biệt tài sản hợp pháp với tài sản từ hành vi vi phạm, và hạn chế tác động của các biện pháp như niêm phong, kê biên đến hoạt động sản xuất kinh doanh là những quy định mang tính nhân văn, phù hợp với thông lệ quốc tế. Các quy định này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro pháp lý mà còn tạo niềm tin để họ tập trung vào sản xuất kinh doanh, góp phần giải phóng sức sản xuất như mục tiêu của Nghị quyết 68-NQ/TW.
Hỗ trợ tài chính, tín dụng
Nghị quyết 198/2025/QH15 đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đại biểu Nguyễn Việt Hà đánh giá cao các quy định về hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG), cùng với việc mở rộng chức năng của Quỹ Phát triển DNNVV để hỗ trợ vốn vay, tài trợ ban đầu và đầu tư vào các quỹ địa phương, quỹ tư nhân.
Tuy nhiên, bà đề xuất bổ sung các nội dung từ Nghị quyết 68-NQ/TW để hoàn thiện chính sách tín dụng, bao gồm khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay dựa trên phương thức sản xuất kinh doanh, dòng tiền, chuỗi giá trị, và xem xét tài sản bảo đảm như động sản, tài sản vô hình hay tài sản hình thành trong tương lai. Việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa hệ thống ngân hàng, thuế và các cơ quan liên quan về tình hình tài chính, tín nhiệm của doanh nghiệp cũng cần được thể chế hóa để minh bạch hoạt động, giảm thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ. Các bổ sung này sẽ tạo cơ sở pháp lý an toàn, giúp tổ chức tín dụng đơn giản hóa quy trình thẩm định, ban hành chương trình ưu đãi lãi suất, từ đó đẩy mạnh cung ứng vốn cho kinh tế tư nhân.