Đột phá trong nghiên cứu khả năng miễn dịch của cây lương thực
Các nhà khoa học của trung tâm nghiên cứu phân tử thực vật, thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, đã xác định được một loại protein ở cây lúa giúp xác định cây cần được tăng cường miễn dịch hay thúc đẩy tăng trưởng.
Phát hiện trên có thể cho phép các nhà khoa học cải thiện khả năng chống lại bệnh tật của cây trồng, đồng thời hấp thụ chất dinh dưỡng, từ đó có thể giúp giảm sử dụng phân bón nitrogen - loại phân bón gây ô nhiễm môi trường và đe dọa an toàn thực phẩm.
Trong bài công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Nature ngày 15/5, nhà nghiên cứu hàng đầu của nhóm, ông Wang Ertao cho biết: “Có thể giảm sử dụng phân bón nitrogen và phosphorus mà không làm giảm năng suất. Điều này sẽ có giá trị lớn trong việc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường trên toàn cầu”.
Theo ông Wang, nghiên cứu này có nhiều tiềm năng hơn để áp dụng cho ngô và lúa mì, vì vậy nhóm các nhà khoa học trên đang nghiên cứu với hai loại cây trồng này.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã xác định được một loại protein quan trọng quy định hoạt động của một thụ thể đóng vai trò then chốt trong tạo phản ứng miễn dịch và cộng sinh của cây lúa. Thụ thể nhận biết tín hiệu phân tử từ cả vi khuẩn cộng sinh và vi khuẩn gây bệnh. Khi phát hiện các chất từ nấm gây bệnh, thụ thể này sẽ nhanh chóng kích hoạt phản ứng miễn dịch của cây, phản ứng này có thể cản trở sự phát triển của cây và do đó ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng.
Một học giả của CAS và là nhà nghiên cứu tại trung tâm, ông He Zuhua nhận định: “Kết quả nghiên cứu từ một trong những phòng thí nghiệm tốt nhất thế giới về khoa học thực vật phân tử là một bước đột phá lớn trong nghiên cứu về cơ chế miễn dịch của cây lúa. Nghiên cứu này giúp hiểu sâu hơn về cách thực vật sử dụng khéo léo “con dao hai lưỡi” của hệ thống miễn dịch để điều phối sự cân bằng giữa khả năng kháng bệnh, cũng như sự cộng sinh và tăng trưởng, đồng thời sẽ góp phần phát triển nông nghiệp xanh".