Đột phá về không gian đô thị
Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch Thủ đô) vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua và đang hoàn thiện các bước cuối để trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Một trong những nội dung cốt lõi, quan trọng của quy hoạch là phương án phát triển không gian đô thị, tạo đột phá phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới.
Phát triển chưa đồng bộ
Trong hệ thống đô thị Việt Nam, Thủ đô Hà Nội được xác định là đô thị đặc biệt, gồm: 12 quận; 1 thị xã; 16 thị trấn huyện lỵ; 5 thị trấn thuộc huyện. Diện tích tự nhiên đô thị là 521,42km2, chiếm 15,5% diện tích tự nhiên Hà Nội; dân số đô thị trên 4,2 triệu người.
KTS Lê Hoàng Phương - Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (đơn vị liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô) cho hay, qua đánh giá hiện trạng trong những năm qua, tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội đã tăng từ 42,5% năm 2010 lên 49,1% năm 2022.
Cơ sở hạ tầng đô thị được cải thiện theo hướng hiện đại, khang trang; giúp người dân có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ tiện nghi. Nhiều khu đô thị mới hiện đại đã đẩy mạnh đầu tư hạ tầng tiện ích (thương mại, dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi - giải trí), vừa tạo nhiều việc làm, góp phần sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, vừa nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; phân bố mật độ cao ở quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Long Biên...
Nhiều di sản văn hóa, di tích văn hóa lịch sử, quy hoạch kiến trúc được bảo tồn, nâng cấp, nhiều không gian văn hóa đã được quan tâm đầu tư, giữ gìn bảo vệ. Đặc biệt dự án phố đi bộ xung quanh Hồ Gươm được đưa vào hoạt động đã tạo nên những điểm nhấn cho không gian văn hóa đô thị Hà Nội.
Vấn đề cải tạo và nâng cấp đô thị đã được quan tâm, nhiều dự án được triển khai trong thời gian qua; đặc biệt là công tác cải thiện điều kiện nhà ở cho các hộ dân. Diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng lên đáng kể (diện tích bình quân nhà ở năm 2020 đạt 26,1m2/người).
Nhiều khu đô thị, dự án nhà ở thiết kế hiện đại, tiện nghi kết hợp với hạ tầng xã hội đồng bộ đã thay đổi thói quen, tạo lập môi trường sống mới cho người dân Thủ đô.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cũng nêu thực trạng đô thị Hà Nội đang còn nhiều tồn tại, hạn chế cụ thể như: tỷ lệ đô thị hóa chưa đạt được mục tiêu đề ra, còn thấp hơn so với nhiều tỉnh, TP trong cả nước; quy mô dân số đã vượt mức dự báo.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát dân số tại khu vực đô thị trung tâm và giãn dân nội đô không khả thi; kế hoạch giãn dân, bảo tồn, tôn tạo khu vực phố cổ, tu bổ, tôn tạo các khu phố có kiến trúc Pháp chưa đạt được kết quả.
Chương trình cải tạo chung cư cũ xuống cấp chưa thực hiện được, các khu nhà ở cũ tự xây không theo quy hoạch đang gây ra nhiều bất cập về anh ninh, an toàn cháy nổ, cứu hộ cứu nạn, không bảo đảm môi trường sống và mỹ quan đô thị.
Cùng với đó, mô hình phát triển các đô thị vệ tinh chưa hình thành; các hành lang xanh theo quy hoạch đang bị xâm phạm; phát triển đô thị “theo vết dầu loang”, nhiều khu vực quy hoạch phát triển đô thị mới chỉ dừng lại ở quy hoạch dự án để đất đất hoang hoặc xây dang dở, bỏ hoang không sử dụng.
Công tác di dời theo định hướng Quy hoạch chung và Quyết định số 130/QĐ-TTg, năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ chưa bảo đảm tiến độ. Ảnh hưởng đến quỹ đất bàn giao cho TP sau khi di dời để bổ sung hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật còn thiếu cho khu vực.
Các khu đô thị mới phát triển nhanh song còn dàn trải, chưa cân đối giữa phát triển mới với tái thiết. Phát triển hạ tầng kinh tế (các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, trung tâm thương mại, chợ, khu du lịch...) và hạ tầng xã hội chưa theo kịp định hướng quy hoạch, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa đồng bộ, chưa theo kịp nhu cầu phát triển đô thị hiện đại. Tiến độ đầu tư kết cấu giao thông còn chậm. Tỷ lệ đất dành cho giao thông, tỷ lệ vận tải hành khách bằng phương tiện công cộng chưa đạt kế hoạch…
Phát triển đô thị đặc sắc, hài hòa
Từ những tồn tại, hạn chế trong phát triển đô thị thời gian qua, KTS Lê Hoàng Phương cho biết, Quy hoạch Thủ đô đã nghiên cứu, đưa ra các giải pháp quy hoạch nhằm phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; có mức sống, chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa.
Đặc biệt, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh; quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại khu vực trung tâm; rà soát và triển khai đồng bộ các chương trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị.
Ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn. Đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về văn hóa, lịch sử, di sản, du lịch, đô thị gắn với những địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch kết hợp hài hòa với phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường cảnh quan, tạo sự bền vững.
Phương án quy hoạch cũng nhấn mạnh, sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội. Nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình TP trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục đường Nhật Tân - Nội Bài; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng.
Về không gian xây dựng đô thị Hà Nội, sẽ phát triển mạng lưới đa trung tâm theo mô hình đa cực. Hình thành các trung tâm chức năng cấp vùng, quốc gia và quốc tế để tạo nên động lực cho các khu vực phát triển đô thị mở rộng. Các trung tâm cấp quốc gia nằm phía Nam sông Hồng, trung tâm chức năng quốc tế nằm phía Bắc sông Hồng.
Trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia ở khu vực Ba Đình; trung tâm TP Hà Nội tiếp tục giữ tại khu vực Hồ Gươm. Phát triển các trung tâm khoa học công nghệ, dịch vụ quốc tế, tài chính quốc tế, đổi mới sáng tạo… để tạo động lực phát triển mới cho Thủ đô và góp phần thúc đẩy phát triển lan tỏa vùng cũng như quốc gia.
Các định hướng phát triển đô thị Hà Nội trong Quy hoạch Thủ đô đã được đưa ra trên cơ sở nhận diện được những tồn tại trong thực hiện Quy hoạch chung đã duyệt từ năm 2011. Để thực hiện các định hướng mới trong quy hoạch lần này, Luật Thủ đô sửa đổi đã có những chính sách đặc thù cho việc thực hiện. Song để trở thành hiện thực các chính cần sớm được cụ thể hóa trong các văn bản dưới luật và quyết liệt trong tổ chức thực hiện của chính quyền và Nhân dân Thủ đô.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS Đào Ngọc Nghiêm
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dot-pha-ve-khong-gian-do-thi.html