Đột phá về thể chế để khơi thông mọi nguồn lực cho đất nước phát triển mạnh mẽ

Ngày 4/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11/2024 để thảo luận, cho ý kiến về 6 đề nghị xây dựng luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; và dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11/2024. (Ảnh: Trần Hải)

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11/2024. (Ảnh: Trần Hải)

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các Thành viên Chính phủ và các đại biểu, hoàn thiện các đề nghị, dự án luật, pháp lệnh theo quy định; Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, phát hiện những vấn đề vướng mắc, bất cập trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ “điểm nghẽn”;

Thủ tướng đề nghị các Phó Thủ tướng Chính phủ theo lĩnh vực phụ trách quan tâm, tiếp thu tối đa các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự án luật; giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết phiên họp để thống nhất triển khai.

Các thành viên Chính phủ tham dự phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)

Các thành viên Chính phủ tham dự phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)

Về nhiệm vụ trọng tâm công tác thể chế thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tổng kết thực tiễn để đánh giá chính sách; triển khai cụ thể hóa, thể chế hóa các đường lối của Đảng; phát hiện và tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc qua thực tiễn để góp phần khơi thông nguồn lực phát triển đất nước. Theo Thủ tướng, thể chế, cơ chế, chính sách là động lực, nguồn lực cho sự phát triển, do đó, cần thay đổi tư duy làm luật, vừa quản lý được, vừa mở ra thông thoáng, huy động nguồn lực cho phát triển đất nước, nhất là giai đoạn tới chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức 2 con số.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Thanh Giang)

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Thanh Giang)

Rà soát, kiên quyết bỏ các cơ chế xin-cho, dễ tạo ra tiêu cực; chống tham nhũng, tiêu cực trong quá trình xây dựng các luật, pháp lệnh; rà soát lại, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp; diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu, sắc sảo, rõ nghĩa, rõ ý, rõ quyền hạn, rõ trách nhiệm, dễ kiểm tra, dễ giám sát; tăng cường phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)

Chính phủ và các bộ, ngành chỉ tập trung quản lý nhà nước, xây dựng chính sách, luật pháp, xây dựng các công cụ giám sát thực thi pháp luật. Cắt giảm tối đa chi phí thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, giảm tiếp xúc, đỡ đi lại giao dịch trực tiếp, giảm tiêu cực, tham nhũng vặt; tiếp tục lấy ý kiến của các đối tượng bị tác động, các nhà khoa học, chuyên gia, kinh nghiệm quốc tế; làm tốt công tác truyền thông chính sách trước các vấn đề khó.

Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)

Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)

Thủ tướng yêu cầu phải phối hợp, đề xuất các cơ quan trong hệ thống chính trị để sửa đổi các luật liên quan để thực hiện thuận lợi hơn; đề nghị khẩn trương triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 và một số Luật được Quốc hội được thông qua tại kỳ họp thứ 7; Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo kịp thời soạn thảo trình ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục rà soát các luật đã ban hành có vướng mắc, lạc hậu so thực tiễn hoặc có cái mà thực tiễn đã có mà luật chưa quy định để hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)

Các bộ, ngành và chính quyền địa phương quán triệt các yêu cầu đổi mới trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật; các Bộ trưởng, Trưởng ngành không những cần dành thời gian xây dựng pháp luật của ngành mình mà còn góp ý cho ngành khác trong hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan trực thuộc Chính phủ; ưu tiên nguồn lực con người, cơ sở vật chất, sự lãnh đạo, chỉ đạo cho công tác này; quá trình thực thi cần phát hiện các điểm nghẽn, vướng mắc, “vướng mắc ở đâu, tháo gỡ ở đó”, “vướng ở cấp nào, cấp đó chủ động giải quyết, vượt thẩm quyền thì phải báo cáo”.

Các Thành viên Chính phủ tham dự phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)

Các Thành viên Chính phủ tham dự phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)

Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các cơ quan liên quan, địa phương trong triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua; cần phân công chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội sắp tới; khắc phục tình trạng hoãn, rút, chậm, chất lượng các dự án luật không bảo đảm. Tới đây, chúng ta phải tập trung sửa đổi Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đây là điểm nghẽn, ách tắc, do đó cần rà soát lại thực tiễn và sửa nhanh luật này với tinh thần đơn giản, sát thực tế, tránh rườm rà không cần thiết.

THANH GIANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dot-pha-ve-the-che-de-khoi-thong-moi-nguon-luc-cho-dat-nuoc-phat-trien-manh-me-post848497.html