Đột quỵ khi đang tập thể thao, chuyên gia hướng dẫn xử trí nhanh

Đột quỵ khi đang tập thể thao do nhiều nguyên nhân, nhận biết sớm dấu hiệu đột quỵ là yếu tố then chốt để cấp cứu đạt hiệu quả cao nhất.

Gần đây liên tiếp xảy ra các trường hợp biến cố tim mạch, có dấu hiệu đột quỵ khi đang tập thể thao. Nhiều ca do không được xử trí nhanh, đúng cách đã dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Vỡ tim, đột quỵ khi đang tập thể thao

Mới đây, tại Hà Nội vừa xảy ra sự việc một người đàn ông đang tập gym tại một phòng tập ở quận Hoàng Mai thì có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, sau đó bất tỉnh. Khi lực lượng y tế đến nơi, người này đã tử vong.

Theo thông tin chia sẻ trên mạng xã hội, người đàn ông đang tập bình thường bỗng ngất xỉu, có dấu hiệu đột quỵ. Nhân viên phòng tập lập tức ra đỡ người này, sơ cứu tại chỗ liên tục, lễ tân cũng gọi ngay cho cấp cứu... Mặc dù vậy nạn nhân không qua khỏi.

 Đột quỵ khi đang tập thể thao không còn là trường hợp hiếm. (Ảnh minh họa)

Đột quỵ khi đang tập thể thao không còn là trường hợp hiếm. (Ảnh minh họa)

Cách đây không lâu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cũng tiếp nhận cấp cứu, bệnh nhân 59 tuổi (ngụ TP.HCM) đang tập nâng tạ tại phòng gym thì đột ngột lên cơn khó thở, tím tái, ngã gục, ngất, vã mồ hôi...

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, tím tái, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp không đo được. Bác sĩ hội chẩn khẩn và chuyển bệnh nhân vào khoa Phẫu thuật tim với chẩn đoán chèn ép tim cấp tràn máu màng ngoài tim, nghi sau nhồi máu cơ tim.

Sức khỏe bệnh nhân ngày càng nguy kịch, các bác sĩ vừa hồi sức tích cực ngay trong phòng mổ vừa tiến hành mở ngực cấp cứu bệnh nhân. Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 3,5 giờ đồng hồ. Sức khỏe bệnh nhân dần ổn định sau 7 ngày hồi sức tích cực.

Bệnh nhân cũng được chụp mạch vành để xác định chính xác vị trí động mạch vành bị tắc nghẽn. Từ đó, BS đưa ra phương pháp điều trị thích hợp cho thời gian tiếp theo.

Nguy cơ đột quỵ khi tập các môn va chạm mạnh

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh (Bệnh viện Quân y 175), cho biết đột quỵ khi đang tập thể thao xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến nhất là chấn thương đầu và cổ khi tập các môn va chạm mạnh như bóng đá, bóng bầu dục hoặc võ thuật.

Những chấn thương này có thể gây ra tổn thương các động mạch vùng cổ, làm gián đoạn dòng máu lên não, dẫn đến đột quỵ.

Cạnh đó, mất cân bằng điện giải do mất nước trong quá trình tập luyện quá sức, nếu không được bù nước đầy đủ cũng có thể là yếu tố góp phần gây đột quỵ.

Ngoài ra, việc sử dụng chất kích thích hoặc thuốc tăng cường hiệu suất (như steroid) có thể làm hại hệ tim mạch, gia tăng nguy cơ đông máu, dẫn đến đột quỵ.

Cuối cùng, những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch cũng có nguy cơ đột quỵ cao hơn khi tham gia các hoạt động thể thao cường độ cao.

 ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh (Bệnh viện Quân y 175) đang tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh: NVCC

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh (Bệnh viện Quân y 175) đang tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh: NVCC

Về các biến cố tim mạch, bác sĩ Lê Thanh Tùng, Trưởng đơn vị Can thiệp tim mạch (Bệnh viện huyện Bình Chánh, TP.HCM), lý giải đột tử do bệnh tim mạch khi chơi thể thao thường đi kèm với nguyên nhân về hội chứng vành cấp, rối loạn nhịp tim, nhồi máu não diện rộng, xuất huyết não, vỡ phình động mạch chủ…

Với những vận động viên trẻ, nguy cơ này xảy đến thường do các nguyên nhân bệnh tim cấu trúc bẩm sinh hoặc bất thường về gene. Đối với những vận động viên trên 35 tuổi, hơn 80% đột tử do tim có liên quan đến bệnh lý xơ vữa động mạch. Ngoài ra, hoạt động gắng sức mạnh, quá mức sẽ làm gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột tử do tim...

“Chúng ta cần hiểu rõ, chơi thể thao hợp lý vốn không gây ra bệnh tim mạch. Tuy nhiên, chơi thể thao không phù hợp trong một số hoàn cảnh có thể khởi kích biến cố của bệnh tim mạch, thậm chí đột tử do tim đã có bệnh lý tiềm ẩn hoặc bệnh lý đã được phát hiện” - bác sĩ Tùng lý giải.

Quy tắc FAST hoặc BE-FAST nhận biết sớm đột quỵ

B – Balance (thăng bằng): Người bệnh có thể bị mất thăng bằng hoặc gặp khó khăn trong việc phối hợp vận động. Nếu thấy dấu hiệu này, cần lưu ý ngay.

E – Eyes (mắt): Nếu người bệnh đột ngột gặp vấn đề về thị lực, chẳng hạn như mờ mắt hoặc mất thị lực ở một hoặc cả hai mắt, đó là dấu hiệu cảnh báo quan trọng.

F – Face (khuôn mặt): Quan sát khuôn mặt của người bệnh xem có bị xệ một bên hoặc lệch khi cười hay không.

A – Arm (tay): Yêu cầu người bệnh giơ cả hai tay lên. Nếu một tay yếu hoặc không thể nhấc lên, đó có thể là triệu chứng của đột quỵ.

S – Speech (lời nói): Kiểm tra khả năng nói của người bệnh. Nếu họ nói lắp bắp hoặc không nói được rõ ràng, đó là dấu hiệu cần chú ý.

T – Time (thời gian): Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong số trên, cần gọi cấp cứu ngay lập tức. Thời gian xử lý càng nhanh, khả năng hồi phục càng cao.

Thời gian là yếu tố then chốt

Theo bác sĩ Nghĩa, nhận biết sớm và đúng các dấu hiệu của đột quỵ là yếu tố then chốt để cấp cứu đạt hiệu quả cao nhất. Thời gian là yếu tố quan trọng nhất trong điều trị đột quỵ, việc nhận biết sớm có thể cứu sống được mạng người.

Hiện nay, nhiều tổ chức y tế đã khuyến cáo sử dụng quy tắc BE-FAST thay vì FAST trong nhận biết dấu hiệu đột quỵ. Bởi BE-FAST mở rộng phạm vi nhận biết các triệu chứng sớm của đột quỵ, đặc biệt là ở những vùng như thân não hoặc tiểu não. Việc áp dụng BE-FAST trong thể thao sẽ giúp phát hiện đột quỵ sớm hơn, từ đó giảm thiểu thời gian chờ đợi cấp cứu và tăng cơ hội hồi phục cho người bệnh.

 Việc áp dụng quy tắc BE-FAST trong thể thao sẽ giúp phát hiện đột quỵ sớm hơn. Ảnh: BVCC

Việc áp dụng quy tắc BE-FAST trong thể thao sẽ giúp phát hiện đột quỵ sớm hơn. Ảnh: BVCC

"Ngoài ra cần nhanh chóng khởi động các số cấp cứu, đặc biệt là 115. Trong khi chờ xe cấp cứu, cần đặt người bệnh ở vị trí thoải mái nhất, đảm bảo lưu thông đường thở, nới lỏng quần áo, nhận diện xem bệnh nhân có đáp ứng nào không (còn thở hay không).

Nếu không có một đáp ứng nào hoặc bệnh nhân ngưng thở, cần lập tức ép tim ngoài lồng ngực" - bác sĩ Nghĩa hướng dẫn.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Xuân Diệu, khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, để phòng ngừa đột quỵ khi đang tập thể thao, người tập nên lắng nghe cơ thể. Cạnh đó, cần tập luyện vừa sức, nghỉ ngơi hợp lý, không cố quá để vượt qua giới hạn của cơ thể. Trong quá trình tập, cần bù nước đầy đủ để duy trì cân bằng điện giải.

Lưu ý tiếp theo là luôn bảo vệ đầu và cổ bằng các thiết bị bảo hộ khi tập các môn có nguy cơ va chạm cao. Việc này giúp tránh các chấn thương nghiêm trọng. Đối với người có tiền sử gia đình về bệnh tim mạch, cần đi khám định kỳ để phát hiện và xử lý sớm các nguy cơ tiềm ẩn.

Tránh sử dụng chất kích thích hoặc thuốc tăng cường hiệu suất, bởi việc sử dụng steroid hoặc các chất kích thích để nâng cao thành tích thể thao có thể gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe tim mạch và tăng nguy cơ đột quỵ.

"Trong quá trình tập luyện, nếu cảm thấy đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng hoặc gặp vấn đề về thị lực... cần ngừng tập ngay và tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người xung quanh và lực lượng y tế" - bác sĩ Diệu khuyến cáo.

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/dot-quy-khi-dang-tap-the-thao-chuyen-gia-huong-dan-xu-tri-nhanh-post815995.html