Đột quỵ ở tuổi 35 sau bữa nhậu hết mình với bạn bè
Khi mẹ gọi dậy, anh Nhựt đã bất động, miệng không nói được, mắt, mồm kéo lệch. Khi vào bệnh viện cấp cứu, nam bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ.
“Đang ở độ tuổi sung sức nhất, tôi như chiếc xe đạp tuột dốc không phanh khi bị đột quỵ. Chưa có gia đình, tôi luôn sợ hãi mình trở thành gánh nặng cho ba mẹ”, đó là chia sẻ của anh Thạch Nhựt (35 tuổi, nhiếp ảnh gia tại Trà Vinh) vừa trải qua cơn đột quỵ.
Cơn đột quỵ sau bữa nhậu
Ngày 29/1, anh Nhựt được người nhà đưa từ Trà Vinh lên thành phố Cần Thơ cấp cứu vì dấu hiệu thất ngôn, yếu liệt nửa người. Cả gia đình đều hoảng hốt vì anh vốn khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh tật.
Tỉnh lại sau ca cấp cứu, anh Nhựt được người thân thông báo bị nhồi máu não. Lúc đó, anh hoảng loạn vô cùng.
Người đàn ông trẻ này luôn nhận mình khỏe mạnh và cái từ "đột quỵ" dường như chỉ nghe trên tivi, báo đài. Mỗi tháng, anh dành 2-3 bữa ăn nhậu cùng bạn bè, lần nào cũng phải hết mình, say xỉn.

Anh Nhựt nỗ lực phục hồi lại sức lực sau khi hoảng loạn vô cùng vì đột quỵ. Ảnh: Cẩm Lài.
Trước khi cơn đột quỵ xảy ra, anh Nhựt đã đi uống rượu với các bạn.
“Lúc đi ngủ, tôi không trở người được. Tôi thấy mình như đang ngất, lịm dần và nghĩ rằng do uống rượu bia nên mệt. Tôi cứ thấp thỏm, lơ mơ như vậy đến tận trưa hôm sau. Khi mẹ gọi dậy, toàn cơ thể tôi đã bất động, không nói được, mắt, miệng kéo lệch”, anh Nhựt nhớ lại.
Khi phát hiện con trai bất thường, ba mẹ anh Nhựt đã gọi xe cấp cứu đưa nam bệnh nhân vào bệnh viện.
Tỉnh dậy sau cơn đột quỵ, anh Nhựt luôn tự hỏi: “Tại sao mình lại lại bị bệnh này". Bạn bè, người thân ai cũng hỏi thăm, bàn tán "vì sao còn trẻ đã bị đột quỵ".
“Tôi như một chiếc xe không phanh tuột khỏi con dốc, cầm bát cơm còn rớt lên rớt xuống, ngồi không vững như đứa trẻ lật lên, lật xuống”, anh Nhựt nói.
Sau khi trải qua cửa tử, có thời gian chiêm nghiệm, nam bệnh nhân 35 tuổi cho rằng, có lẽ anh đã quá chủ quan với sức khỏe, nghĩ mình còn trẻ. Khi xuất viện, anh lo sợ những di chứng sẽ đeo bám suốt cuộc đời.
Mỗi ngày, anh Nhựt nằm im trên giường, mọi sự chăm sóc đều nhờ mẹ. Nghĩ về cuộc đời, người đàn ông trẻ cảm thấy nuối tiếc.

Người đàn ông trẻ tập đi sau cơn đột quỵ. Ảnh: Cẩm Lài.
“Tôi chưa có gia đình riêng, luôn suy nghĩ mình sẽ là gánh nặng cho người thân. Tôi nghĩ rằng mình phải thay đổi, chắc chưa muộn nên bắt đầu tìm hiểu về bình phục sau đột quỵ”, anh chia sẻ.
Cuộc đời như một kỳ tích
Anh Nhựt quyết tâm đi tập vật lý trị liệu. Tại đây, anh gặp rất nhiều bệnh nhân như mình, thậm chí có người nặng hơn đều cố tập luyện để phục hồi sau cơn đột quỵ. Tiếp xúc với người đồng bệnh, anh nhận ra rằng, được sống là may mắn.
Từ một người không đi lại, ngồi không vững, anh Nhựt cố lết những bước chân đầu tiên.
“Ở tuổi lên 2, tôi có những bước đi đầu tiên trong đời, chắc ba mẹ đã vui mừng biết bao và lần này cũng vậy, họ cũng rất mừng rỡ. Tập đi ở tuổi 35, tôi như một chiến binh vượt qua thử thách cửa tử bệnh tật”, người đàn ông trẻ chia sẻ.
Bốn tháng qua, anh Nhựt cảm thấy vòng quay cuộc đời như một kỳ tích đi từ con số 0 của bệnh tật dần bình phục. Hiện sức khỏe của anh đã đạt 80%.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường (Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TPHCM) cho biết, bệnh nhân Nhựt nhập viện ngày 29/1 trong tình trạng yếu liệt nửa người bên phải, nói đớ. Các bác sĩ chỉ định chụp MRI não phát hiện có nhồi máu não nên đã tiến hành can thiệp ngay. Tuy nhiên, thời gian từ khi xuất hiện cơn đột quỵ tới khi đến bệnh viện quá giờ vàng nên vẫn để lại di chứng nặng nề, yếu liệt nửa người, nói khó.
Bác sĩ Cường cho biết, thực tế có khá nhiều người bị đột quỵ rồi tử vong dưới 40 tuổi. Khoa học đã chứng minh, tuổi càng lớn, nguy cơ đột quỵ càng cao. Tuy nhiên, tình trạng uống rượu bia, hút thuốc lá phổ biến ở người trẻ và lối sống thụ động dẫn tới số ca mắc bệnh này nhiều lên.
Nhiều bệnh nhân trên 20 tuổi, chưa từng đo huyết áp cho tới khi bị đột quỵ mới biết huyết áp trên 200 mmHg.
Để ngăn ngừa đột quỵ chỉ có 2 cách là khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc các bệnh đi kèm và thay đổi lối sống từ ăn uống, tập luyện tới bỏ thuốc lá, rượu bia.