Đốt rác thay than, nhà máy xi măng tiết kiệm trăm tỷ đồng
Thay vì dùng than, việc biến rác thành nguyên liệu thay thế vừa giúp các nhà máy xi măng tiết kiệm cả trăm tỷ đồng mỗi năm, vừa góp phần giảm phát thải ra môi trường.
Biến rác thải thành nhiên liệu thay thế
Lần đầu tiên chứng kiến Nhà máy Xi măng VICEM Sông Thao sử dụng rác thải công nghiệp như vải vụn, mảnh nhựa, ni-lon, cao su vụn, vỏ cây, trấu, dầu thải... làm nhiên liệu đốt, thay thế một phần than trong sản xuất xi măng (đồng xử lý rác thải trong sản xuất xi măng), anh Đoàn Văn Bắc, sinh viên năm thứ 3 Khoa Vật liệu xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội không khỏi bất ngờ.

Màn hình giám sát quy trình đồng xử lý rác thải tại Nhà máy Xi măng VICEM Sông Thao.
Như vải vụn, bình thường không thế tận dụng, tái chế và tốn tiền để xử lý. Nhưng nay, tại Nhà máy Xi măng VICEM Sông Thao, vải vụn lại là nhiên liệu đốt, tiết kiệm được một phần chi phí than đốt trong quy trình sản xuất.
Theo các chuyên gia, nhiệt độ trong lò nung xi măng rất cao, có thể tới 1.450 - 1.800 độ C. Do vậy, đốt rác thải trong lò nung xi măng sẽ không phát sinh dioxin và furan như trong lò đốt phát điện hoặc trong các lò đốt thiêu hủy rác.
Đặc biệt, lò nung xi măng là hệ thống khép kín, khí thải được thu hồi và xử lý; tro đốt rác được tích hợp hoàn toàn vào quá trình sản xuất clinker. Rác được xử lý theo phương pháp này vừa không tốn diện tích chôn lấp, vừa giảm lượng chất thải tồn dư, lại không gây phát sinh ô nhiễm thứ cấp, giảm phát thải CO2...
"Việc dùng rác thải làm nhiên liệu là ví dụ điển hình của mô hình kinh tế tuần hoàn, biến chất thải thành tài nguyên, giảm phát thải… Đây cũng chính nguyên lý phát triển bền vững ngành vật liệu xây dựng mà trước đó chúng tôi chỉ được nghe trong tiết đào tạo lý thuyết trên giảng đường", anh Bắc chia sẻ.
Lợi ích kép
PGS.TS Lương Đức Long, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, cả nước hiện có khoảng 15 nhà máy đang thực hiện đồng xử lý rác thải thường xuyên với mức thay thế rác thải cho than nung khoảng 30 - 40%.

VICEM Bút Sơn là một trong những doanh nghiệp xi măng có tỷ lệ đồng xử lý rác thải trong sản xuất xi măng cao hàng đầu, xấp xỉ 40%.
Trong đó, Công ty Xi măng Holcim, nay là Công ty Xi măng INSEE Việt Nam là đơn vị đi tiên phong áp dụng công nghệ đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng Ecocycle.
Bà Dương Thị Kiều, Giám đốc ngành hàng INSEE Ecocycle cho biết, INSEE Việt Nam đã bắt đầu ứng dụng công nghệ đồng xử lý rác thải đối với chất thải không nguy hại và chất thải không nguy hại từ năm 2007.
Trong 18 năm qua, INSEE Việt Nam đã giúp hơn 1,8 triệu tấn chất thải (thay vì bị đem đi chôn lấp, gây ảnh hưởng đến môi trường đất, nước) được đồng xử lý tại nhà máy INSEE Hòn Chông và tận dụng nhiệt năng từ hoạt động này để sản xuất clinker, gián tiếp giảm phát thải hơn 1,7 triệu tấn CO2.
Là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đã nghiên cứu, thử nghiệm đồng xử lý từ năm 2019.
Hiện VICEM đang thực hiện đồng xử lý rác thải, công nghệ bán tự động tại 6 nhà máy của 4 đơn vị thành viên là VICEM Bút Sơn, VICEM Hà Tiên, VICEM Sông Thao, VICEM Hoàng Mai.
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2025, tổng khối lượng rác thải sử dụng làm nhiên liệu thay thế của VICEM là 185.639 tấn (quy khô), tương ứng tỷ lệ thay thế nhiệt năng khi đốt rác thải bình quân là 28,18%.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó tổng giám đốc VICEM Bút Sơn, việc nhà máy xi măng đồng xử lý chất thải giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho công ty.
Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc VICEM Sông Thao cho biết, năm 2024, VICEM Sông Thao xử lý khoảng 31.254 tấn rác, tỷ lệ thay thế nhiệt lên tới 24,2%, hiệu quả kinh tế đạt 30,9 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2025 xử lý 16.241 tấn rác, hiệu quả kinh tế đạt 15,6 tỷ đồng.
Cần chính sách ưu đãi phù hợp
Theo PGS.TS Lương Đức Long, hiện nay, chúng ta chưa hình thành chuỗi thu gom, xử lý sơ bộ chất thải trước khi cung cấp cho nhà máy xi măng.

Hiện nay, tỷ lệ sử dụng rác thải làm nhiên liệu thay thế trong sản xuất clinker tại VICEM Hà Tiên 1 đạt trên 30%.
Nguồn chất thải, nhất là chất thải sinh hoạt chưa được định hướng cho đồng xử lý rác thải làm nhiên liệu thay thế trong lò nung xi măng, nên không đảm bảo việc cung cấp thường xuyên, ổn định cho nhà máy xi măng.
Một trở ngại nữa được bà Dương Thị Kiều nêu ra là đồng xử lý đòi hỏi hệ thống công nghệ tiên tiến cùng với quy trình kiểm soát nghiêm ngặt. Việc này đòi hỏi nguồn vốn lớn không chỉ trong giai đoạn đầu tư ban đầu mà còn cả trong suốt quá trình vận hành, bảo trì định kỳ…
PGS.TS Lương Đức Long kiến nghị, Nhà nước có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cụ thể cho các nhà máy xi măng thực hiện công nghệ này. Đồng thời, chỉ những nguồn rác thải không thể thực hiện bằng phương pháp này vì ở quá xa nhà máy xi măng mới dùng cho đốt phát điện hoặc đốt tiêu hủy rác.
Bên cạnh đó, hỗ trợ một phần kinh phí xử lý chất thải, ưu đãi về vốn vay, thuế đối với các nhà máy xi măng thực hiện đồng xử lý.
Ông Nguyễn Mạnh Tường cũng đề xuất, các công trình sử dụng ngân sách Nhà nước nên ưu tiên sử dụng sản phẩm xi măng áp dụng công nghệ đồng xử lý; có cơ chế dán nhãn xanh và cách tính giảm phát thải carbon cho các sản phẩm xi măng này.
Trong khi đó, bà Dương Thị Kiều kiến nghị, quá trình chuyển đổi xanh, Nhà nước nên cân nhắc công nghệ đồng xử lý là một trong những giải pháp ưu tiên.
Sẽ có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng.
Theo dự thảo, chất thải phải được kiểm soát chặt chẽ trước khi được nạp vào lò nung xi măng; phải đảm bảo ổn định về mặt chất lượng, khối lượng và nhiệt trị, cũng như đồng nhất về kích thước, thành phần hóa học.
Chất thải rắn công nghiệp thông thường được sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế, không bắt buộc áp dụng tỷ lệ tối đa.
Chất thải nguy hại phải đáp ứng hoặc phải được tiền xử lý để đáp ứng yêu cầu về thành phần và tính chất được quy định tại quy chuẩn. Tỷ lệ chất thải nguy hại tối đa đưa vào đồng xử lý trong lò nung xi măng không được vượt quá 20% tổng khối lượng nguyên liệu thô dùng cho quá trình sản xuất…