Đợt trục xuất lớn nhất lịch sử nước Mỹ cận kề, lao động nhập cư phấp phỏng trước giờ G

Dù tuyên bố của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ thực hiện đợt trục xuất lớn nhất lịch sử Mỹ vẫn chưa trở thành hiện thực, nhưng 'bóng ma' về những thay đổi dưới thời của ông đã bủa vây khắp nước Mỹ.

Ngành nhà hàng, khách sạn là một trong những ngành có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi chính sách hạn chế nhập cư. (Nguồn: Getty Images)

Ngành nhà hàng, khách sạn là một trong những ngành có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi chính sách hạn chế nhập cư. (Nguồn: Getty Images)

Đối với ông Sam Sanchez - chủ một nhà hàng và là một người nhập cư gốc Mexico, những tác động đã "rõ như ban ngày" sau chuyến thăm đến Little Village - khu phố được mệnh danh là "Mexico của vùng Trung Tây" ở Chicago tuần này.

"Nhiều chủ nhà hàng ở đây nói với tôi rằng doanh số của họ đã giảm 50%. Các nhân viên bắt đầu lo lắng và tự hỏi, 'Tôi có nên đi làm không? Tôi liệu có cơ hội hay không? Mối lo ngại lớn nhất là các nhà hàng sẽ đóng cửa mà không có nhân viên, và đây chỉ là một ngành công nghiệp mà hàng triệu người làm việc đang không đủ giấy tờ cư trú", ông Sanchez cho hay.

Theo Trung tâm Di cư toàn cầu tại Đại học California-Davis, ước tính có khoảng 10,5 triệu người nhập cư không có giấy tờ cư trú tại Mỹ. Trong số đó, chỉ khoảng 8,5 triệu người có việc làm.

Các chủ doanh nghiệp, Hiệp hội công nghiệp và các nhà kinh tế đều đưa ra cảnh báo, việc trục xuất hàng loạt người nhập cư không có giấy tờ, cùng với các biện pháp biên giới chặt chẽ hơn và việc thu hồi các biện pháp bảo vệ thời Tổng thống Biden, có thể gây ra tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động và nền kinh tế Mỹ.

Các ngành công nghiệp quan trọng như nông nghiệp, giải trí và khách sạn, xây dựng và chăm sóc sức khỏe có thể là những ngành chịu tác động lớn nhất.

"Việc thu hẹp (nguồn cung) lao động trong giai đoạn mà các ngành này đang cần nhiều lao động hơn và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động rõ ràng sẽ khiến mọi thứ chậm lại. Quy mô ngành sẽ bị thu hẹp, các vị trí cần tuyển dụng không được lấp đầy, một số công ty buộc phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Kéo theo đó là một loạt hiệu ứng lan tỏa khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm theo", ông Giovanni Peri, nhà kinh tế, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Di cư toàn cầu tại Đại học California-Davis phân tích.

Theo ông Ron Estrada, Giám đốc điều hành của tổ chức vận động Farmworker Justice, việc trục xuất hàng loạt người nhập cư không có giấy tờ có thể sẽ khiến một nửa số lao động nông trại bị giảm sút, gây ra tình trạng lãng phí thực phẩm hàng loạt và rủi ro cho an ninh lương thực của quốc gia.

“Họ là tuyến đầu trong hệ thống thực phẩm của chúng ta”, ông Estrada dẫn chứng, đồng thời cho biết, nhiều người đã làm việc trên các cánh đồng nước Mỹ trong nhiều năm, ước tính 85% nông dân nhập cư đã đến Washington từ hơn 10 năm trước.

Hệ thống nhập cư hiện tại không cho phép cấp thẻ xanh cho các lao động đang làm việc ở nông trại. Mặc dù thị thực nông trại tạm thời còn được gọi là H-2A có tồn tại, nhưng hiện vẫn chưa có cách nào để hợp pháp hóa nguồn lao động nước ngoài làm công việc này.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc trục xuất có thể làm trầm trọng thêm tình trạng "khát" lao động đang diễn ra trong ngành hàng thực phẩm và nông nghiệp, dẫn đến tình trạng giá cả tăng vọt. Chưa kể, trên thực tế có rất ít người lao động bản địa muốn đảm nhiệm những vị trí công việc này.

“Rất ít người lao động Mỹ sẵn sàng làm và điều này diễn ra ở hầu hết mọi tiểu bang", ông Estrada nói.

Trong khi các doanh nghiệp và hiệp hội, tổ chức đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về khả năng thiếu hụt lao động nghiêm trọng song hành cùng những thách thức về kinh tế, các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng cần quay lại thời điểm vài năm trước để thấy tình trạng thiếu hụt lao động đã cản trở sự phục hồi kinh tế như thế nào.

“Chúng tôi đã trải qua điều đó. Đại dịch san phẳng các ngành công nghiệp và nhà hàng, khách sạn là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hàng triệu việc làm biến mất chỉ sau một đêm", ông Sanchez nhớ lại.

Sau khi gói hỗ trợ thất nghiệp được tung ra, mở rộng cho những người lao động bị ảnh hưởng, nhu cầu về lao động đã vượt xa nguồn cung vì nhiều lý do, bao gồm các mối quan ngại về sức khỏe, sự an toàn, nhu cầu chăm sóc và mục tiêu chuyển đổi nghề nghiệp. Phải mất nhiều năm sau, ngành nhà hàng-khách sạn ở Mỹ mới có đủ nguồn nhân lực như trước đại dịch.

Đám đông ủng hộ chính sách hạn chế nhập cư của ông Donald Trump tại một hội nghị của đảng Cộng hòa, ngày 17/7 tại thành phố Milwaukee, bang Winconsin. (Nguồn: Getty)

Đám đông ủng hộ chính sách hạn chế nhập cư của ông Donald Trump tại một hội nghị của đảng Cộng hòa, ngày 17/7 tại thành phố Milwaukee, bang Winconsin. (Nguồn: Getty)

Khi nền kinh tế mở cửa trở lại, các nhà hàng chỉ có thể hoạt động "hai ngày, ba ngày một tuần, vì không có lực lượng lao động". Và lực lượng lao động có mặt và sẵn sàng làm việc "chủ yếu là những người không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Những người nhập cư đã làm việc ở đây trong 30, 40 năm qua và họ đều tham gia đóng thuế", ông Sanchez cho hay.

Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng JPMorgan Michael Feroli dự báo, nếu các dòng nhập cư trở lại mức trước năm 2020, sẽ có 100.000 vị trí việc làm bị thiếu hụt mỗi tháng.

Julia Pollak, phụ trách về kinh tế và chính sách của trang web việc làm Ziprecruiter lưu ý các nghiên cứu cho thấy việc trục xuất người lao động nhập cư thậm chí có thể làm giảm việc làm và thu nhập của những người lao động bản xứ. Cũng theo chuyên gia này, trong thời gian tới, quá trình thực thi ở các tiểu bang có thể khác nhau.

(theo CNN)

Châu Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dot-truc-xuat-lon-nhat-lich-su-nuoc-my-can-ke-lao-dong-nhap-cu-phap-phong-truoc-gio-g-294752.html