Dow đứt mạch 13 phiên tăng liên tiếp; Dầu Brent vượt 84 USD/thùng
Dầu thô Brent lần đầu tiên đạt mức 84 USD/thùng kể từ tháng 4, được hỗ trợ bởi nguồn cung khan hiếm sau khi cắt giảm sản lượng của OPEC+ và xu hướng lạc quan về triển vọng nhu cầu toàn cầu.
Dow mất hơn 200 điểm
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow trượt 237,40 điểm, tương đương 0,67%, xuống 35.282,72, bị kéo xuống bởi đà giảm của cổ phiếu Honeywell. Lợi tức trái phiếu kho bạc 10 năm tăng vọt trở lại trên 4% cũng không giúp ích gì cho tâm lý thị trường. Nếu Dow tăng ngày thứ 14 vào thứ Năm, chỉ số này đã có chuỗi tăng kỷ lục kể từ năm 1897.
S&P 500 sụt 0,64% xuống 4.537,41. Có thời điểm trong phiên, chỉ số này lần đầu tiên vượt mức quan trọng 4.600 điểm kể từ tháng 3/2022. Trong khi đó, Nasdaq Composite hạ 0,55% xuống 14.050,11 khi các nhà đầu tư chốt lời ở một số cổ phiếu công nghệ chủ chốt như Microsoft và Apple.
Chuỗi leo dốc của chỉ số Dow được thúc đẩy bởi các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế sẽ tránh được suy thoái, dữ liệu lạm phát giảm và lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi ổn định. Phố Wall đã có thêm bằng chứng trên tất cả các khía cạnh đó vào thứ Năm.
Cổ phiếu của Meta Platforms đã tăng 4,4% nhờ kết quả lợi nhuận tốt hơn mong đợi và triển vọng mạnh mẽ. Số liệu kinh doanh của công ty đã được thúc đẩy nhờ sự phục hồi của doanh thu quảng cáo. Và dữ liệu GDP mới nhất công bố hôm thứ Năm cho thấy tăng trưởng GDP của Mỹ tăng 2,4% trong quý thứ 2, tốt hơn mức tăng 2% mà các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones dự báo.
Báo cáo GDP cũng cho thấy áp lực về giá đang giảm bớt, với chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 2,6% trong quý 2. Con số này thấp hơn mức tăng 3,2% mà các nhà kinh tế dự đoán và so với mức tăng 4,1% trong quý trước.
Chỉ số Dow tiếp tục tăng cao trong tuần này ngay cả khi Fed tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm hồi thứ Tư. Nhà đầu tư có thể dễ dàng bỏ qua đợt tăng lãi suất này khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết sau quyết định rằng ngân hàng trung ương có thể tăng lãi suất một lần nữa hoặc giữ lãi suất ổn định ở mức này tùy thuộc vào dữ liệu kinh tế.
Nhưng đà leo dốc cuối cùng đã chấm dứt vào thứ Năm. Cổ phiếu Honeywell, thành viên của Dow, đã “bốc hơi” hơn 5% sau khi báo cáo doanh thu hàng quý thấp hơn mong đợi của Phố Wall.
Dầu ổn định trên đỉnh do nguồn cung thắt chặt
Giá dầu thô đã tăng 4 tuần liên tiếp do nguồn cung dự kiến sẽ bị thắt chặt khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh của họ, được gọi chung là OPEC+, cắt giảm sản lượng, cũng như một số sự gián đoạn không tự nguyện trong sản xuất.
Khép phiên, dầu thô Brent tăng 1,32 USD, tương đương 1,6%, lên 84,35 USD/thùng. Trong khi dầu thô WTI của Hoa Kỳ cộng 1,31 USD, tương đương 1,7%, lên 80,09 USD.
Các nhà phân tích của UBS cho biết trong một báo cáo: “Chúng tôi nhận thấy thị trường dầu mỏ đang thiếu nguồn cung. Chúng tôi giữ quan điểm tích cực và trông đợi dầu Brent sẽ tăng lên 85–90 đô la trong những tháng tới.”
Tuy nhiên, giá dầu vẫn giảm vào thứ Tư sau khi dữ liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ giảm ít hơn dự kiến và Fed tăng lãi suất thêm 1/4 điểm phần trăm, đồng thời gợi ý về một đợt tăng giá khác.
Khẩu vị rủi ro trên các thị trường tài chính đang được thúc đẩy bởi kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương như Fed sắp kết thúc chiến dịch thắt chặt chính sách, điều này sẽ thúc đẩy triển vọng tăng trưởng toàn cầu và nhu cầu năng lượng.
Dữ liệu của chính phủ công bố hôm thứ Năm cho thấy rằng tăng trưởng nền kinh tế Hoa Kỳ đạt 2,4% trong quý trước, cao hơn so với dự kiến, do khả năng phục hồi của thị trường lao động hỗ trợ chi tiêu của người tiêu dùng, trong khi các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào thiết bị, có khả năng ngăn chặn suy thoái kinh tế.
Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tăng lãi suất lần thứ 9 liên tiếp vào thứ Năm.