Dow Jones đứt mạch 4 phiên tăng liền; Giá dầu lao dốc khi lo ngại về nhu cầu tăng
Chỉ số Dow Jones sụt giảm vào thứ Năm (16/11), khi các nhà đầu tư tạm nghỉ sau đợt phục hồi trong tháng này. Giá dầu thô Mỹ giảm 5% do tồn kho tăng trong khi sản xuất công nghiệp giảm.
Nhà đầu tư tạm nghỉ xả hơi sau đợt phục hồi mạnh
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow giảm 45,74 điểm, tương đương 0,13%, xuống 34.945,47 và chấm dứt chuỗi tăng điểm kéo dài 4 phiên liên tiếp. S&P 500 tiến 0,12% lên 4.508,24. Chỉ số Nasdaq Composite nhích lên 0,07%, đóng cửa ở mức 14.113,67.
Cổ phiếu Cisco Systems bốc hơi gần 10% sau khi nhà sản xuất phần cứng mạng đưa ra dự báo yếu kém cho quý hiện tại và cả năm tài chính. Cổ phiếu Walmart hạ 8% sau khi nhà bán lẻ lớn nhất thế giới đưa ra dự báo thấp hơn kỳ vọng trong năm. Cả hai cổ phiếu này đều là những cổ phiếu giảm điểm lớn nhất thuộc chỉ số Dow.
Cổ phiếu của Chevron cũng rớt 1,6% khi giá dầu thô Mỹ lao dốc khoảng 5%.
Ngay cả khi đợt phục hồi tháng 11 tạm ngưng, chứng khoán Mỹ vẫn đang trên đà hướng tới những tuần thắng lợi, với ba chỉ số đều tăng khoảng 2% trong tuần qua. Hai báo cáo về lạm phát đã góp phần nâng đỡ cổ phiếu vào đầu tuần này.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 10, thước đo giá bán buôn của các nhà sản xuất, giảm 0,5%, đánh dấu mức sụt giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 4/2020. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đi ngang trong tháng 10, một dấu hiệu tích cực khác cho các nhà đầu tư hy vọng Fed có thể hài lòng với xu hướng hạ nhiệt của lạm phát.
Tom Hainlin, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại U.S. Bank Wealth Management, cho biết: “Dữ liệu kinh tế cho đến nay đang xác nhận rằng hiện tại chúng ta đang trong giai đoạn giảm tốc nhẹ, hướng tới lạm phát thấp hơn mà không có chứng cứ nào cho thấy sự suy giảm nghiêm trọng. Nó giống như kịch bản Goldilocks về lạm phát giảm tốc, nhưng không quá nhanh.”
Các chỉ số trung bình chính đang trên đà đạt được mức tăng đáng kể trong tháng này. S&P 500 bật hơn 7%, trong khi chỉ số Dow tăng 5,7%. Nasdaq cộng 9,8%.
Giá dầu thô Mỹ giảm 5% do nguồn cung tăng
Khép phiên, hợp đồng tháng 12 của dầu WTI mất 3,76 USD, tương đương 4,9%, xuống mức 72,90 USD/thùng, trong khi hợp đồng dầu Brent tháng 1 sụt 3,76 USD, tương đương 4,63%, xuống mức 77,42 USD/thùng. Dầu thô Mỹ và dầu thô Brent chuẩn toàn cầu chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 7.
Theo dữ liệu do Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) công bố hôm thứ Tư, tồn kho dầu thô của Mỹ đã tăng 3,6 triệu thùng vào tuần trước trong khi sản lượng giữ ổn định ở mức kỷ lục 13,2 triệu thùng/ngày.
Và sản xuất công nghiệp của Hoa Kỳ đã giảm 0,6% trong tháng 10 do cuộc đình công của United Auto Workers ảnh hưởng đến sản lượng ô tô, theo dữ liệu do Fed công bố hôm thứ Năm.
Phil Flynn, chuyên gia dầu mỏ của Price Futures Group, cho biết sản xuất công nghiệp chậm lại kết hợp với nguồn cung tăng là nguyên nhân chính khiến nhu cầu suy giảm. Ông nói thêm, giá hiện đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ vì nhà đầu cơ giá xuống đang kiểm soát thị trường.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, sản lượng lọc dầu thô giảm 2,8% trong tháng 10 xuống tương đương 15,1 triệu thùng/ngày từ mức cao kỷ lục trong tháng 9, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia, cho thấy nhu cầu đang chững lại ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Mặt khác, OPEC đã đổ lỗi cho các nhà đầu cơ về việc giá giảm gần đây, bác bỏ tâm lý tiêu cực là cường điệu.
OPEC cho biết nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc vẫn ổn định, tăng 11,4 triệu thùng/ngày trong tháng 10. Tổ chức này cũng chỉ ra sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Mỹ trong quý 3 và lưu ý rằng Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự kiến nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,4% trong năm nay.