'Drama' Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp: Ngoại trưởng 2 nước 'cãi tay đôi' ngay giữa họp báo chung
Ngày15/4, trong một cuộc họp báo chung tại sau hội đàm tại Ankara, Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã cáo buộc gay gắt lẫn nhau.
Cuộc họp báo mở đầu bằng những phát biểu hòa giải từ ông Cavusoglu, trong đó ông ca ngợi cuộc đối thoại giữa hai nhà ngoại giao "rất tích cực".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Hy Lạp cũng đánh giá các cuộc đàm phán tại Ankara là "sâu rộng, cởi mở và chân thành", đồng thời hoan nghênh việc khởi động lại các cuộc đàm phán thăm dò và tham vấn chính trị với Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Dendias cũng cho hay, cuộc họp đã cung cấp "chương trình nghị sự tích cực về các vấn đề kinh tế để thúc đẩy quan hệ" hai nước hơn nữa.
Mặc dù vậy, người đứng đầu ngành ngoại giao Hy Lạp đã sử dụng phát biểu mở đầu của mình để nêu ra một loạt các phàn nàn lâu nay về Thổ Nhĩ Kỳ - từ việc tìm kiếm khí đốt tự nhiên trong các vùng biển tranh chấp đến cách đối xử với người Chính thống giáo Hy Lạp và tranh chấp liên tục của các bên về người di cư.
Ông Dendias bày tỏ sự ủng hộ đối với nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cho biết, bất kỳ hành vi vi phạm chủ quyền của Hy Lạp sẽ bị trừng phạt.
Những tuyên bố ngay trong họp báo chung này của Ngoại trưởng Hy Lạp đã khiến người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ có phản ứng tức giận và mô tả điều này là "không thể chấp nhận được".
Nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố: "Nếu bạn buộc tội đất nước và người dân của tôi trước báo giới, tôi có tư cách để đáp trả điều đó".
Trong khi đó, ông Dendias nói rằng, ông rất ngạc nhiên khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ trông đợi ông "sẽ hành động như thể không có gì xảy ra ở Aegean và Đông Địa Trung Hải".
Trước đó, cũng trong cuộc họp báo, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này muốn cải thiện quan hệ với Hy Lạp mà không cần điều kiện tiên quyết và bày tỏ sự tin tưởng rằng các vấn đề giữa các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể được giải quyết thông qua đối thoại.
Ngoại trưởng Hy Lạp đã có chuyến thăm đầu tiên tới Ankara kể từ khi căng thẳng kéo dài giữa 2 nước bùng phát vào năm ngoái do mâu thuẫn về phạm vi thềm lục địa của các bên ở Địa Trung Hải, tài nguyên năng lượng, CH Cyprus và tình trạng của một số đảo ở Aegean.
(theo Reuters)