Dự án 1 luật sửa 7 luật tháo gỡ những gì?

Dự án 1 luật sửa 7 luật sẽ nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

1 luật sửa 7 luật theo trình tự rút gọn

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 29/10, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia, gọi chung là dự án 1 luật sửa 7 luật.

Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình dự án 1 luật sửa 7 luật.

Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình dự án 1 luật sửa 7 luật.

Trình bày tờ trình, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ngày 18/10 vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Điển hình, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết dự thảo luật đã đề xuất sửa đổi, bổ sung để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công đối với một số quy định.

Các đại biểu Quốc hội lắng nghe Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình.

Các đại biểu Quốc hội lắng nghe Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình.

Cụ thể là bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công, thẩm quyền quyết định mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công; xử lý vật tư, vật liệu thu hồi từ thanh lý phá dỡ, hủy bỏ tài sản công mà còn sử dụng được; lập, phê duyệt Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng; Phương thức đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng trực tiếp tổ chức khai thác tài sản…

Bên cạnh đó, dự thảo luật còn cập nhật hình thức "chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý" đối với tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Dự thảo luật cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về việc áp dụng pháp luật giữa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công với các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thể chế

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Quốc hội nhất trí sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật.

Qua đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kỳ vọng có thể thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa các nguồn lực Nhà nước, ngoài Nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh.

Về nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 39 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công về bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công tại cơ quan nhà nước, theo ông Mạnh, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật vì theo báo cáo của Cơ quan chủ trì soạn thảo, tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị rất đa dạng, phong phú về chủng loại, giá trị. Tần suất sử dụng tài sản ở mỗi cơ quan, đơn vị cũng như điều kiện thời tiết, môi trường ở mỗi vùng là khác nhau, ảnh hưởng tới khả năng duy trì công năng, thời gian sử dụng của tài sản.

Một số ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành về thẩm quyền quy định chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa đối với tài sản công.

Về thẩm quyền phê duyệt việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết,

Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành và cho rằng, việc sửa đổi này sẽ tạo cơ sở pháp lý để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Một số ý kiến đề nghị không thay đổi thẩm quyền phê duyệt Đề án vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết các tài sản do nhà nước giao và do ngân sách Nhà nước đầu tư như nội dung dự thảo nêu.

Trang Trần

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/du-an-1-luat-sua-7-luat-thao-go-nhung-gi-192241029105409453.htm