'Dự án 2029', hành trình tái định hướng của đảng Dân chủ Mỹ
Sau thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, Đảng Dân chủ Mỹ đang nỗ lực cải tổ để khôi phục niềm tin của cử tri và xây dựng một chương trình nghị sự mạnh mẽ cho ứng cử viên tổng thống tiếp theo vào năm 2028.
Khơi dậy các cuộc tranh luận về chiến lược
Khi nhìn lại thất bại của cựu Phó Tổng thống Kamala Harris vào mùa thu năm ngoái, điều khiến Andrei Cherny, cựu chuyên gia viết diễn văn cho đảng Dân chủ và lãnh đạo đảng cấp tiểu bang, băn khoăn là ông không biết bà Harris sẽ làm gì nếu bà giành chiến thắng.

Ông Andrei Cherny, người khởi xướng “Dự án 2029” của đảng Dân chủ Mỹ.
Theo quan điểm của ông Cherny, Tổng thống Donald Trump vận động theo ý tưởng của riêng mình, trong khi bà Harris chỉ đơn thuần vận động chống lại ông Trump. “Chân lý lâu đời nhất trong chính trị là không thể đánh bại thứ gì đó chỉ bằng sự trống rỗng”, ông Cherny nói với tờ New York Times.
Tuần trước, Andrei Cherny - người đồng sáng lập một tạp chí chính sách tự do đã tồn tại gần 2 thập kỷ, đã tập hợp một nhóm các nhà tư tưởng Dân chủ để tái hiện những gì các đồng minh của ông Trump đã làm khi ông rời nhiệm sở hồi năm 2021: soạn thảo một chương trình nghị sự có sẵn cho ứng cử viên tổng thống tiếp theo của đảng Dân chủ.
Họ đặt tên dự án này là “Dự án 2029”. Cái tên này là một phép chơi chữ không hề tế nhị với “Dự án 2025”, chương trình nghị sự cánh hữu được biên soạn độc lập mà ông Trump dành phần lớn chiến dịch tranh cử năm ngoái để né tránh, nhưng lại nhanh chóng bắt tay vào thực hiện trong vài tháng đầu nhiệm kỳ mới.
Việc đảng Dân chủ từng phê phán kịch liệt “Dự án 2025” và biến nó thành điểm công phá chống lại ông Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2024 đã không ngăn cản được Andrei Cherny và các đảng viên Dân chủ khác vay mượn cái tên này. Họ có kế hoạch công bố chương trình nghị sự trong 2 năm tới, theo từng quý, thông qua ấn phẩm của ông Cherny, “Democracy: A Journal of Ideas” và tập hợp các ứng cử viên tổng thống hàng đầu của đảng Dân chủ ủng hộ những ý tưởng đó trong mùa bầu cử sơ bộ năm 2028.
Dự án này đã đánh trúng trọng tâm của cuộc tranh luận gay gắt giữa các nhà lập pháp, chiến lược gia và nhà hoạch định chính sách của đảng Dân chủ: Liệu vấn đề lớn nhất của đảng này là bản thân các ý tưởng hay là sự yếu kém trong việc truyền đạt chúng?
Việc hạ nghị sĩ Zohran Mamdani, một nhà xã hội dân chủ, giành chiến thắng trong cuộc đua tới vị trí ứng cử viên Thị trưởng New York của đảng Dân chủ càng làm cuộc tranh luận thêm căng thẳng. Có nhiều câu hỏi đang được đặt ra sôi nổi. Liệu ông Mamdani giành được sự ủng hộ nhờ tính táo bạo trong các khẩu hiệu như “đóng băng tiền thuê nhà”, “miễn phí xe buýt” và “miễn phí chăm sóc trẻ em”, hay do sự rõ ràng và dễ hiểu của những khẩu hiệu đó? Và, có phải ông Mamdani thắng nhờ tập trung vào vấn đề chi phí sinh hoạt, hay nhờ sự cuốn hút và kỹ năng mạng xã hội vượt trội của mình?
Thay đổi hình thức hay làm mới các ý tưởng?
Nhiều chiến lược gia cho rằng, vấn đề của đảng Dân chủ nằm ở hình thức hơn là bản chất, với lập luận rằng đảng cần phải làm tốt hơn trong việc trình bày và truyền đạt kế hoạch của mình tới cử tri, thay vì đưa ra toàn bộ các đề xuất mới. “Chúng tôi không thiếu chính sách”, Celinda Lake, một nhà thăm dò dư luận nổi tiếng của đảng Dân chủ, nói với New York Times. “Nhưng, chúng tôi thiếu một câu chuyện hiệu quả để truyền đạt những chính sách đó”.

Thất bại của bà Kamala Harris và ông Joe Biden trong cuộc bầu cử năm 2024 là áp lực khiến đảng Dân chủ phải cải tổ.
Tuy nhiên, những người khác tin rằng đảng đã mất đi vị thế trên toàn quốc vì các ý tưởng của họ đã cũ, không truyền cảm hứng và không đáp ứng được yêu cầu của cử tri ngày nay. Bà Neera Tanden - người từng phục vụ tại Nhà Trắng dưới thời các các cựu Tổng thống Clinton, Obama, Biden và hiện đang lãnh đạo Trung tâm Tiến bộ Mỹ - cho biết đảng Dân chủ trong nhiều năm qua đã không đánh giá đúng vai trò mà các chính sách của ông Trump đã đóng góp vào thành công của ông.
“Những người theo chủ nghĩa tự do đánh giá thấp sức mạnh của các ý tưởng của ông Trump”, bà Tanden nói. “Chúng ta bị cuốn vào tính cách của ông ấy. Nhưng, khi ông ấy đưa ra một khẩu hiệu như ‘không đánh thuế tiền tip’, đó là một dấu hiệu rõ ràng rằng ông ấy đứng về phía tầng lớp lao động. Chúng ta cần những ý tưởng tốt hơn để đối phó với những điều đó”.
Bà Tanden là thành viên của ban cố vấn khá lớn cho “Dự án 2029”, bao gồm Jake Sullivan - Cố vấn an ninh quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden; Anne-Marie Slaughter - Giám đốc điều hành của New America; nhà kinh tế học Justin Wolfers; Felicia Wong - người cho đến gần đây là Chủ tịch Viện Roosevelt theo đường lối tiến bộ và Jim Kessler - người sáng lập nhóm trung dung “Third Way”, một nhánh của đảng Dân chủ muốn tránh xa chủ nghĩa dân túy cực tả và cũng không nghiêng hẳn sang cánh hữu.
Ông Cherny gọi nhóm này là “Biệt đội báo thù của chính sách công”, hay “Liên minh công lý”, tùy theo quan điểm của mỗi người. Nhóm này có kế hoạch tổ chức các hội nghị công khai để giải quyết những khác biệt về các chủ đề bao gồm kinh tế, an ninh quốc gia, cải cách chính phủ và giáo dục.
Tuy nhiên, một số đồng minh tiềm năng tỏ ra nghi ngờ rằng một nhóm các nhà hoạch định chính sách có tư tưởng đa dạng và khác biệt như vậy có thể tạo ra bất kỳ chương trình nghị sự nào mạch lạc, chứ chưa nói đến một chương trình nghị sự có thể giành chiến thắng về mặt chính trị.
“Việc xây dựng chính sách bằng cách tập hợp đủ loại yêu cầu từ các nhóm lợi ích chính là lý do khiến chúng ta rối như hiện nay”, nhà phân tích chính trị Adam Jentleson, người đang nỗ lực thành lập một viện nghiên cứu mới mang tên Searchlight, cho biết trong một phỏng vấn của Báo New York Times. “Bạn không thể đưa ra những chính sách đảng Dân chủ thực sự cần mà không làm mất lòng một nhóm lợi ích nào đó. Nếu bạn sợ điều đó, bạn không đủ bản lĩnh để dẫn dắt đảng đi đúng hướng”.
Liều thuốc nào cho cuộc khủng hoảng niềm tin?
Khi đảng Dân chủ nhìn lại những thất bại bầu cử gần đây, sự rạn nứt về tư tưởng giữa phe cấp tiến và phe trung dung đã trở nên rõ ràng. Hậu quả của cuộc bầu cử năm 2024, đánh dấu bằng việc Tổng thống Biden rút lui khỏi cuộc đua, đã khiến đảng này phải vật lộn với một cuộc khủng hoảng niềm tin.

Đảng Dân chủ từng phê phán kịch liệt “Dự án 2025” và biến nó thành điểm công phá chống lại ông Donald Trump.
Nhà phân tích chính trị Martha Johnson, phó giáo sư về hành chính công tại Đại học Northeastern (bang Massachusetts) cho rằng đảng Dân chủ cần nhanh chóng thống nhất thông điệp và chiến lược của mình, đặc biệt là khi họ đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng vào năm 2026.
Theo bà Johnson, sự chia rẽ về tư tưởng trong nội bộ đảng Dân chủ không phải là một hiện tượng mới, mà nó đã âm ỉ trong nhiều năm, nhưng chưa bao giờ tình hình lại căng thẳng như hiện nay. Những người theo chủ nghĩa cấp tiến ủng hộ các cải cách táo bạo, toàn diện, trong khi những người theo chủ nghĩa trung dung thúc đẩy một cách tiếp cận ôn hòa và thực dụng hơn để thu hút một lượng cử tri rộng lớn hơn.
Cuộc giằng co này đặt ra một thách thức đáng kể cho đảng, đặc biệt là trong bối cảnh các mô hình bỏ phiếu đang thay đổi được quan sát thấy trong cuộc bầu cử năm 2024. Đáng chú ý, sự ủng hộ của nam giới thuộc tầng lớp lao động, một nhóm nhân khẩu học mà đảng Dân chủ thường dựa vào, đã giảm đáng kể. Sự thay đổi này đã thúc đẩy những lời kêu gọi điều chỉnh lại cương lĩnh của đảng, tránh xa những đề xuất quá táo bạo đang được phe cấp tiến ủng hộ.
Trong bối cảnh đó, bà Johnson cho rằng đảng Dân chủ nên ưu tiên các vấn đề kinh tế và các chương trình liên bang cụ thể phù hợp với cử tri đại chúng. Chiến lược này có thể chống lại xu hướng thiên hữu trong chính trường Mỹ, nơi bất mãn kinh tế đã thúc đẩy sự ủng hộ dành cho các ứng cử viên đảng Cộng hòa.
Trong khi đó, ông Nick Beauchamp, phó giáo sư chính trị học tại Đại học Northeastern thì nhấn mạnh tiềm năng của Liên minh Dân chủ Mới, một nhóm gồm khoảng 100 nghị sĩ ôn hòa có thể đóng vai trò then chốt trong việc định hình tương lai của đảng Dân chủ. Khả năng thu hút cử tri đa dạng của họ rất quan trọng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới (diễn ra ngày 3/11/2026).
Giữa bối cảnh chia rẽ ấy, “Dự án 2029” được kỳ vọng sẽ là cây cầu kết nối các nhóm đối lập trong đảng Dân chủ, tập hợp sức mạnh của đảng này nhằm tìm lại sự ủng hộ của cử tri ngay trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp diễn ra. Dù một số giọng điệu cấp tiến lo ngại rằng dự án này thiếu khối lượng ý tưởng táo bạo thật sự, không đủ hấp dẫn nhóm chọn cử trẻ, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, song sự ủng hộ của phe trung dung có thể tạo ra động lực cho “Dự án 2029”.
Phe trung dung nhìn thấy “Dự án 2029” như một cơ hội chiến lược nhằm tạo ra chương trình nghị sự thực tâm, cân bằng giữa đổi mới và tính khả thi, qua đó góp phần gắn bộ khung chính sách với cử tri trung lưu và lao động. Việc nghị sĩ Jim Kessle, một lãnh đạo phe trung dung tham gia hội đồng tư vấn của “Dự án 2029” cho thấy phe này đang đồng hành với dự án.
Bây giờ là lúc ban cố vấn hùng hậu của “Dự án 2029” phải sớm vạch ra chiến lược hợp lý cho đảng Dân chủ, trước mắt để giành thắng lợi trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 năm sau. Nếu không có được thắng lợi cần thiết làm bàn đạp, cơ hội để đảng Dân chủ giành lại Nhà Trắng trong cuộc bầu cử năm 2028 sẽ rất mong manh.