Việt Nam nhiều tiến bộ trong công tác tiêm chủng

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam thông tin, số liệu ước tính về tỷ lệ tiêm chủng bao phủ quốc gia (WUENIC) ở Việt Nam do hai tổ chức trên thu thập và công bố cho thấy Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong công tác bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh phòng ngừa được bằng vaccine.

Năm 2024, Việt Nam đạt tỷ lệ tiêm chủng mũi đầu vaccine bạch hầu, uốn ván và ho gà 99%, (năm 2023 là 80%). Tỷ lệ bao phủ vaccine tại Việt Nam không chỉ phục hồi lên mức cao như trước thời điểm đại dịch COVID-19 mà còn cao hơn tỷ lệ tiêm chủng năm 2019.

Theo đó, số trẻ em chưa được tiêm bất kỳ liều vaccine nào, hay còn gọi là nhóm trẻ “0 liều vaccine”, đã giảm từ 274.000 vào năm 2023 xuống còn 13.000 vào năm 2024, tương đương với giảm hơn 95%. Mức giảm đáng kể này cho thấy đã có thêm nhiều trẻ em Việt Nam được bảo vệ khỏi các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine.

Vào năm 2024, Việt Nam có tỷ lệ bao phủ vaccine cao hơn mức trung bình toàn cầu nhờ có sự chỉ đạo mạnh mẽ từ Chính phủ, cung ứng vaccine kịp thời, và nỗ lực to lớn từ phía nhân viên y tế, cha mẹ và cộng đồng.

Theo Tiến sĩ Jennifer Horton, Phó Đại diện WHO tại Việt Nam, những ước tính này là bằng chứng cho thấy nỗ lực của ngành Y tế Việt Nam trong đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng sau đại dịch và trong đợt bùng phát dịch sởi năm 2024-2025. Có gần 1,3 triệu trẻ em đã được tiêm chủng trong chiến dịch tiêm phòng sởi năm 2024-2025.

Bác sĩ Nguyễn Huy Du, Quyền Trưởng Chương trình Vì sự sống còn, phát triển trẻ em, UNICEF Việt Nam cho rằng: “Thành tựu này phản ánh mạnh mẽ cam kết kiên định của Việt Nam đối với sức khỏe trẻ em và sức mạnh của hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu".

Mặt khác, Việt Nam cũng ghi nhận tỷ lệ trẻ em được tiêm ba liều vaccine bạch hầu, uốn ván và ho gà tăng 32%, đạt 97% vào năm 2024, tăng so với mức 65% của năm trước. Thêm vào đó, tỷ lệ tiêm mũi vaccine sởi đầu tiên cũng tăng đáng kể, từ 82% vào năm 2023 lên 98% vào năm 2024, giúp bảo vệ nhiều trẻ em hơn khỏi một trong các căn bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan nhanh nhất.

Mặc dù vậy, theo WHO và UNICEF, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Còn 40.000 trẻ em chưa được tiêm mũi thứ 3 vaccine bạch hầu, uốn ván, ho gà và 27.000 trẻ em chưa được tiêm chủng mũi 1 vaccine sởi.

WHO và UNICEF khuyến nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục nỗ lực tăng tốc tiêm các mũi vaccine bù cho trẻ em, đặc biệt là ở các cộng đồng khó tiếp cận; nhấn mạnh, chỉ một khoảng trống nhỏ trong bao phủ vaccine cũng có thể dẫn tới các đợt bùng phát dịch bệnh nguy hiểm và gây thêm áp lực cho hệ thống y tế.

Ngọc Nga

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/viet-nam-nhieu-tien-bo-trong-cong-tac-tiem-chung.html