Dự án 8 bước đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số ở Vĩnh Linh

Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, cùng với quyết tâm hành động của đội ngũ cán bộ, sự hưởng ứng tích cực của hội viên, phụ nữ (HVPN) và người dân, Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em' đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) ở huyện Vĩnh Linh. Sau hơn 3 năm triển khai, nhiều chỉ tiêu và nội dung của dự án đã hoàn thành, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các xã vùng cao, góp phần vào sự phát triển KT-XH chung của toàn huyện.

Hội thi về phòng, chống bạo lực gia đình do Hội LHPN huyện Vĩnh Linh tổ chức thu hút sự tham gia và theo dõi của đông đảo người dân -Ảnh: T.C.L

Hội thi về phòng, chống bạo lực gia đình do Hội LHPN huyện Vĩnh Linh tổ chức thu hút sự tham gia và theo dõi của đông đảo người dân -Ảnh: T.C.L

Địa bàn triển khai Dự án 8 ở huyện Vĩnh Linh là 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà với 12/15 thôn nằm trong vùng đồng bào DTTS&MN. Ngay từ khi bắt đầu, Hội LHPN huyện đã phối hợp với hội LHPN các xã chỉ đạo cán bộ, HVPN và các thành phần liên quan tham gia thực hiện nghiêm túc các nội dung quy định đã đề ra của dự án.

Hằng năm, Hội LHPN huyện bám sát các kế hoạch, hướng dẫn cụ thể của Hội LHPN tỉnh, quyết định phân bổ kinh phí của UBND huyện để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ của dự án. Sau 3 năm triển khai, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, đến nay, 5/12 thôn trong vùng dự án đã về đích NTM.

Trong những năm gần đây, nhiều chương trình MTQG vùng đồng bào DTTS&MN cũng như các chương trình, dự án của các tổ chức trong và ngoài nước đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống người dân. Tuy nhiên, nhiều vấn đề xã hội như: tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình, định kiến giới, phân biệt giới... vẫn còn tồn tại, cản trở sự phát triển của phụ nữ và trẻ em (PN&TE) nơi đây.

Xuất phát từ thực tế đó, ngay từ đầu, các cấp hội xác định tập trung vào các nội dung chủ chốt: tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, xóa bỏ những hủ tục; xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG) và giải quyết những vấn đề cấp thiết cho PN&TE; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của PN&TE trong các hoạt động phát triển KT-XH của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị, cũng như trang bị kiến thức về BĐG, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng trưởng bản chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.

Đến nay, các hoạt động trong chương trình Dự án 8 từng bước đi vào cuộc sống của người dân, tạo được những thay đổi đáng kể trong nhận thức cũng như hành động của đồng bào DTTS nơi đây, đặc biệt là PN&TE.

Việc tham gia các mô hình can thiệp cộng đồng như “Tổ truyền thông cộng đồng”, “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” hay các buổi sinh hoạt, truyền thông cộng đồng trở thành thói quen, trách nhiệm và cả sự háo hức của người dân địa phương. Bởi lẽ, mỗi hoạt động là mỗi sợi dây gắn kết cá nhân với tập thể, là cơ hội để mỗi người dân nâng cao hiểu biết, ý thức, trách nhiệm đối với cộng đồng nơi mình đang sinh sống.

Tại xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, những buổi sinh hoạt cộng đồng định kỳ hằng tháng tại các thôn, bản với các nội dung triển khai thực hiện Dự án 8 diễn ra rất sôi động. Điều đáng nói, những người tham gia các buổi sinh hoạt này không chỉ có phụ nữ, mà còn có cả nam giới, với nhiều nội dung đan xen, đa dạng về cách thức tuyên truyền. Việc sinh hoạt định kỳ như thế cũng diễn ra ở xã Vĩnh Hà, Vĩnh Khê. Các hoạt động của Dự án 8 đã trở thành phong trào trong đời sống cộng đồng. Cứ theo định kỳ là người dân tự giác đến sinh hoạt, không phân biệt nam hay nữ, tuổi tác.

Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Ô Hồ Thị Thu cho biết: “Thông qua các hoạt động cộng đồng do các cấp hội LHPN tổ chức, người dân biết đến các mô hình can thiệp cộng đồng của chúng tôi nhiều hơn và tích cực tham gia vào các hoạt động tại cơ sở. Các chiến dịch truyền thông không chỉ là hình thức sinh hoạt mang tính văn hóa, tính cộng đồng mà những kiến thức, thông tin người dân tiếp cận được còn thấm vào từng suy nghĩ, dần thay đổi nhận thức và hành động của họ.

Cho đến nay, người dân nhận thức được những hiệu quả, những lợi ích đem lại từ các hoạt động của dự án, khiến họ càng quan tâm, đồng hành và chung tay xây dựng các nội dung hoạt động ngày càng phong phú. Không những thế, việc tham gia CLB còn thúc đẩy nhận thức, ý thức, trách nhiệm của mỗi thành viên trong Ban Chủ nhiệm, những trăn trở để truyền đạt thông tin kịp thời, chính xác có hiệu quả đến người dân của mỗi tuyên truyền viên”.

Sau hơn 3 năm đi vào triển khai, đến nay, Hội LHPN huyện phối hợp với chính quyền địa phương và hội LHPN các xã thành lập và duy trì vận hành 12 CLB “Tổ truyền thông cộng đồng”; 3 mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” tại xã với 12 địa chỉ tại 12 thôn; 3 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại 3 trường.

Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn cho người dân về thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ hủ tục, thúc đẩy BĐG như: Cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng, sáng kiến truyền thông về phòng, chống tảo hôn năm 2024; giao lưu các tổ truyền thông cộng đồng, địa chỉ tin cậy cộng đồng; chiến dịch truyền thông về nâng cao kiến thức, kỹ năng an toàn trước thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; giao lưu chia sẻ kinh nghiệm phát huy vai trò của phụ nữ cao tuổi, nữ thanh niên vùng đồng bào DTTS&MN trong xóa bỏ định kiến giới; hội nghị đối thoại chính sách thực hiện BĐG và hỗ trợ phụ nữ với phát triển kinh tế; hội nghị truyền thông “Nói không với bạo lực học đường” năm 2024 tại Trường PTDTBT Tiểu học Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà...

Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thị Tuyết cho biết: “Những hoạt động Dự án 8 được triển khai trên địa bàn huyện nhận được sự hưởng ứng tham gia tích cực của người dân. Nhờ được tập huấn ứng dụng CNTT, nhiều chị em đã biết cách chia sẻ các hoạt động mà mình tham gia lên các nền tảng mạng xã hội, thu hút được sự quan tâm của nhiều người hơn, góp phần lan tỏa những mục tiêu tích cực mà dự án mang lại. Thời gian tới, các cấp hội LHPN tiếp tục triển khai các hoạt động của Dự án 8, mang lại lợi ích cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương”.

Trần Cát Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/du-an-8-buoc-dau-thay-doi-nep-nghi-cach-lam-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-vinh-linh-192949.htm