Dự án BeiDou của Trung Quốc đe dọa vị thế của NASA
Hệ thống định vị vệ tinh của Trung Quốc tiếp tục mở rộng sự hiện diện trên khắp thế giới, đặc biệt là ở châu Phi.
Hệ thống định vị vệ tinh của Trung Quốc được dự báo sẽ mang lại cho các nước châu Phi những điều kiện hợp tác thuận lợi để tiếp cận công nghệ hiện đại.
Trung tâm quản lý và bảo trì hệ thống BeiDou (Bắc Đẩu) đầu tiên bên ngoài Trung Quốc đã được ra mắt tại Tunisia, đây trở thành một bước quan trọng trong việc thực hiện Sáng kiến Vành đai và Con đường tại khu vực Ả Rập và Châu Phi.
Beidou là một hệ thống dẫn đường và liên lạc được Trung Quốc độc lập tạo ra vào năm 1994 và hoàn thiện vào năm 2020, bao gồm 35 vệ tinh được đặt ở các quỹ đạo khác nhau, có khả năng cung cấp độ chính xác tọa độ từ 2 đến 5 mét.
Ngoài ra hệ thống Beidou còn có một số chức năng bổ sung, chẳng hạn như truyền tin nhắn ngắn, tìm kiếm và cứu hộ, đồng bộ hóa thời gian và một vài ứng dụng khác.
Trung Quốc đang tích cực quảng bá hệ thống Beidou của mình trên thế giới, ký kết thỏa thuận với nhiều quốc gia và khu vực khác nhau về việc sử dụng cũng như phát triển tổ hợp này.
Theo dữ liệu chính thức, đến cuối năm 2020, hơn 120 quốc gia và khu vực, bao gồm Đông Nam Á, Nam Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Châu Âu, đã sử dụng BeiDou.
Trung Quốc cũng đang hợp tác với nhiều nước khác để phát triển phần cứng và phần mềm tương thích cho hệ thống BeiDou.
Châu Phi là một trong những khu vực ưu tiên phổ biến hệ thống BeiDou, nơi Trung Quốc có nhiều dự án đầu tư cùng với cơ sở hạ tầng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Hệ thống BeiDou giúp Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng tại Lục địa Đen bằng cách cung cấp cho chính quyền địa phương và doanh nghiệp thông tin liên lạc và điều hướng có độ chính xác cao.
Bên cạnh đó, hệ thống BeiDou cũng hỗ trợ các dự án của Trung Quốc xây dựng đường bộ, đường sắt, bến cảng, sân bay và cơ sở hạ tầng khác ở châu Phi.
Việc trung tâm điều khiển hệ thống định vị vệ tinh Beidou được mở ở Tunisia là bước đi mới trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm đẩy NASA và Lầu Năm Góc ra khỏi châu Phi.
Rõ ràng hệ thống BeiDou đang gây lo ngại cho Hoa Kỳ - quốc gia cũng đang tìm cách tăng cường sự hiện diện và quan hệ đối tác ở Châu Phi.
Hệ thống BeiDou có thể mang lại cho Trung Quốc lợi thế trong việc thu thập thông tin tình báo, kiểm soát không phận cũng như chỉ huy và kiểm soát hoạt động quân sự ở châu Phi.
Bên cạnh đó, BeiDou cũng có thể làm suy yếu niềm tin vào hệ thống GPS của Hoa Kỳ, tổ hợp này có thể dễ bị can thiệp hoặc ngừng hoạt động trong trường hợp xảy ra xung đột.
Trung Quốc đặt mục tiêu đưa BeiDou của mình trở thành hệ thống dẫn đầu toàn cầu về điều hướng và liên lạc, tăng cường ảnh hưởng và khả năng cạnh tranh ở các khu vực khác nhau trên thế giới.
Mỹ đang phải đối mặt với vấn đề bảo vệ lợi ích của mình và đồng minh ở châu Phi, nơi hệ thống BeiDou của Trung Quốc có thể trở thành công cụ gây áp lực chính trị và quân sự.
Theo Reporter