Dự án Bến Lức - Long Thành sắp được gỡ vướng
Từ năm 2019 đến nay, do có nhiều ý kiến khác nhau nên vốn đối ứng cho dự án Bến Lức - Long Thành không được phân bổ, khiến dự án bị ngưng trệ, phải lùi thời gian hoàn thành.
Dự án Bến Lức - Long Thành có tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là hơn 30.000 tỉ đồng, phần lớn là vốn vay nước ngoài. Vốn đối ứng trong nước khoảng 5.255 tỉ đồng, trong đó từ năm 2011 đến 2018, ngân sách nhà nước đã bố trí cho dự án hơn 3.880 tỉ đồng, số tiền còn lại là 1.375 tỉ đồng nhưng sau khi được hoàn thuế số tiền ngân sách cần bổ sung còn lại là 758 tỉ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2018 trở đi, dự án bị “cắt” vốn đối ứng khiến công trường bị ngưng trệ.
Tắc vốn đối ứng trong nhiều năm trời
Trước năm 2018, Thủ tướng có chỉ đạo “vốn đối ứng cho các dự án ODA được cân đối, bố trí đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước”. Theo đó, Bộ GTVT với vai trò là cơ quan chủ quản của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã nhận vốn từ ngân sách nhà nước và cấp phát lại cho VEC để triển khai dự án Bến Lức - Long Thành. Tuy nhiên, từ năm 2019, qua công tác kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cho rằng việc Bộ GTVT bố trí vốn đối ứng trong nước cho dự án mà không xin ý kiến Thủ tướng là chưa phù hợp với quy định về nghiệp vụ quản lý nợ công. Theo đó, VEC phải tự thu xếp vốn đối ứng.
Lấy ý kiến các thành viên
Chính phủ
Sau khi nhận được ý kiến của Bộ KH&ĐT, Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ để họp và ban hành nghị quyết, nhằm giải quyết vướng mắc nhiều năm của dự án này.
Cạnh đó, Nghị định 94/2018 của Chính phủ về nghiệp vụ quản lý nợ công (có hiệu lực từ tháng 7-2018) quy định: “Các dự án vay nước ngoài của Chính phủ, chủ dự án bố trí vốn chủ sở hữu hoặc vốn hợp pháp khác của dự án”. Như vậy, VEC phải tự bố trí vốn đối ứng cho dự án.
Ngoài ra, VEC hiện đang trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, không phải Bộ GTVT như trước đây nên việc giao vốn cho Bộ GTVT để cấp phát lại cho VEC là không phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước về phân bổ và giao dự toán ngân sách.
Để gỡ vướng cho nguồn vốn đối ứng dự án, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ KH&ĐT đề xuất Chính phủ phương án bố trí vốn đối ứng cho dự án Bến Lức - Long Thành. Trong đó, lưu ý khả năng cân đối từ ngân sách nhà nước và tính khả thi của phương án đề xuất, đảm bảo đúng quy định.
Cần một nghị quyết Chính phủ để gỡ khó
Qua tổng hợp ý kiến của các cơ quan, Bộ KH&ĐT cho biết Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và VEC đều có nhận định chung phương án VEC tự cân đối số vốn đối ứng còn lại của dự án khoảng 758 tỉ đồng là khả thi.
Vì VEC hiện đang có số tiền dư hơn 9.700 tỉ đồng. Song song đó, lũy kế dòng tiền sau thuế hòa chung năm dự án đường bộ cao tốc VEC đang quản lý và khai thác qua các năm dự báo luôn dương. Cụ thể, năm 2023 là 7.920 tỉ đồng, năm 2024 là 7.472 tỉ đồng, năm 2025 khoảng 7.360 tỉ đồng.
Theo đó, VEC khẳng định: “Doanh nghiệp đảm bảo đầy đủ nghĩa vụ trả nợ đã cam kết, đảm bảo đủ nguồn lực để tự cân đối được số vốn đối ứng còn lại từ năm 2019 đến khi hoàn thành dự án Bến Lức - Long Thành”.
Để làm rõ con số VEC báo cáo, Bộ GTVT còn đưa ra nhiều kịch bản về dòng tiền của VEC. Qua đó nhận định kịch bản tăng trưởng xấu nhất của doanh nghiệp này nếu xảy ra thì doanh thu vẫn nằm ở mức dương. Cụ thể, mức tăng thấp nhất năm 2029 vẫn ở mức dương 6.241 tỉ đồng. Nên VEC hoàn toàn có khả năng tự bố trí vốn để thực hiện dự án Bến Lức - Long Thành.
Trên cơ sở góp ý này, Bộ KH&ĐT nhận định việc VEC tự bố trí nguồn vốn sẽ phù hợp với các quy định pháp luật. Quan trọng hơn là dự án có thể triển khai được ngay. Đây cũng là cơ sở để VEC tiếp tục thi công dự án trong điều kiện việc giải quyết tổng thể các khó khăn, vướng mắc của các dự án do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư là vấn đề về lâu dài, cần có thời gian để có thể giải quyết căn cơ, đảm bảo khả năng trả nợ và tiếp tục hoạt động của VEC.
“Đặc biệt, VEC có những cam kết đảm bảo nguồn lực để tự cân đối được số vốn đối ứng còn lại từ năm 2019 đến khi dự án hoàn thành. Do đó, đề nghị Chính phủ xem xét, quyết định phương án vốn đối ứng cho dự án theo hướng VEC tự cân đối, bố trí số vốn đối ứng còn lại để tiếp tục triển khai hoàn thành dự án…” - Bộ KH&ĐT nêu quan điểm.
Theo đó, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành một nghị quyết, ngoài giao VEC bố trí vốn thì yêu cầu doanh nghiệp này chịu trách nhiệm về tính chính xác của các số liệu đã báo cáo ở trên.•
Đề xuất lùi thời gian hoàn thành sang năm 2025
Đối với 758 tỉ đồng vốn đối ứng còn lại, VEC dự kiến sử dụng 400 tỉ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật; số tiền còn lại là chi phí thuế và một số chi phí dự phòng khác.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,8 m, với tổng mức đầu tư sau khi cập nhật là 30.073 tỉ đồng. Được khởi công từ năm 2014 và dự kiến hoàn thành năm 2023 nhưng nay VEC đề xuất lùi thời gian sang năm 2025.
Nguồn PLO: https://plo.vn/du-an-ben-luc-long-thanh-sap-duoc-go-vuong-post712082.html