Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương: Từ Đà Lạt đến TP.HCM chỉ còn 3 giờ
Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian đi từ TP Đà Lạt đến TP.HCM chỉ còn 3 giờ thay vì 6 giờ như hiện nay.
Ngày 20/11/2022, Chính phủ trao quyết định đầu tư cao tốc Dầu Giây- Liên Khương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã gửi cho Báo Giao thông bài viết về cao tốc này.
Dự án Đường bộ cao tốc Dầu Giây - Liên Khương nằm trong quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là Dự án đường bộ cao tốc có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đối với tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên.
Liên kết vùng Nam Tây Nguyên và Trung Bộ
Đường Trường Sơn Đông là trục giao thông xuyên suốt 7 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, bắt đầu từ tỉnh Quảng Nam đi qua Kon Tum, Gia Lai, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk và Lâm Đồng kết thúc tại Đà Lạt với chiều dài khoảng 700 km, nằm song với đường Trường Sơn Tây và Quốc lộ 1A.
Đường Trường Sơn Đông sẽ là trục giao thông liên kết vùng rất quan trọng, rút ngắn thời gian đi từ Đà Lạt với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, dự kiến sẽ hoàn thành trước năm 2023; đồng thời nâng cấp tuyến đường tỉnh ĐT725 đã được đầu tư kết hợp mở mới một số đoạn (khoảng 6 km) có tổng chiều dài 140 km từ TP Đà Lạt đến huyện Đạ Tẻh thành tuyến quốc lộ Trường Sơn Đông theo định hướng quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1848/QĐ-TTg ngày 27/12/2018.
“
Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có chiều dài 200,3 km với điểm đầu tại Km0 trên QL1A, trùng với Km54+794,07 Dự án Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) và điểm cuối dự án tại Km199+717,53, trùng với Km208+250 trên đường cao tốc Liên Khương - Prenn (tỉnh Lâm Đồng).
Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đoạn qua tỉnh Lâm Đồng dài khoảng 140 km đi qua các huyện, thành phố: Đạ Huoai, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh và Đức Trọng.
”
Các cao tốc theo quy hoạch đến năm 2030, gồm: Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021; khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ bổ sung một số trục tuyến cao tốc liên thông như cao tốc Đà Lạt - Nha Trang; Đà Lạt - Phan Thiết; Liên Khương - Buôn Ma Thuột.
Như vậy với tầm nhìn dài hạn, Dự án Đường bộ cao tốc Dầu Giây - Liên Khương kết nối với các dự án trên, tạo động lực liên kết vùng chặt chẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh tầm cao mới.
Tạo làn sóng thu hút đầu tư vào Lâm Đồng
Dự án Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương sẽ tạo một làn sóng mới thu hút đầu tư trong và ngoài nước đến Lâm Đồng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực du lịch và phát triển đô thị; thu hút một lượng du khách trong và ngoài nước, đặc biệt du khách quốc tế đến các địa phương có thế mạnh du lịch ở Lâm Đồng; là cơ hội cho họ vừa nghỉ dưỡng, tham quan thắng cảnh vừa nghiên cứu thực tế, hình thành ý tưởng sáng tạo đầu tư nhiều lĩnh vực khác vào Lâm Đồng.
Qua đó, sẽ rút ngắn thời gian đường bộ đi từ TP Đà Lạt đến TP.HCM, thay vì 6 giờ hiện nay chỉ còn 3 giờ; Bảo Lộc - TP.HCM thay vì 4 giờ chỉ còn 2 giờ; là môi trường tốt thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến tỉnh Lâm Đồng.
Đồng thời, góp phần vận chuyển nông sản Lâm Đồng tiêu thụ nhanh, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, giảm chi phí logistics; tác động thay đổi cơ cấu kinh tế; ngành Du lịch, Dịch vụ sẽ tăng đột biến trong tương lai; đặc biệt các loại hình dịch vụ cao cấp có xu hướng phát triển mà trước đây chưa khai thác như: công nghiệp văn hóa, công nghiệp điện ảnh, công nghiệp âm nhạc, công nghiệp thời trang và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cao cấp...
Dự án cũng góp phần phát huy tối đa phát triển liên kết vùng giữa tỉnh Lâm Đồng với các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ; sẽ rút ngắn một số hạng mục đầu tư và các dự án theo các nội dung theo Quyết định số 704/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Các tổ chức và cá nhân tỉnh Lâm Đồng sẽ có điều kiện tiếp thu nhanh các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong nước và trên thế giới; tạo môi trường thuận lợi để các tổ chức quốc tế và các tập đoàn đa quốc gia quan tâm, chọn làm văn phòng đại diện tại Việt Nam và khu vực tại tỉnh Lâm Đồng; sẽ là nơi các tổ chức trong nước và quốc tế chọn tổ chức hội nghị, hội thảo quốc gia và quốc tế; làm gia tăng loại hình du lịch hội nghị, hội thảo có nhiều tiềm năng mà khi nay chưa được khai thác tương xứng...
Nhằm phát huy tối đa hiệu quả Dự án Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục mở rộng các tuyến đường nội thị và đèo Prenn, TP Đà Lạt nhằm thu hút lượng du khách tăng đột biến đến Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng trong tương lai.
Qua phân tích nêu trên cho thấy Dự án Đường bộ cao tốc Dầu Giây - Liên Khương là dự án trọng điểm có quy mô lớn, có nhiều tác động theo hướng tích cực, sẽ tạo động lực cho các nhà đầu tư nhiều dự án chiến lược, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng đột phá trong tương lai.
Ngày 20/11/2022, Hội nghị công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ được tổ chức tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Quy mô kinh tế của Vùng Tây Nguyên trong những năm qua tăng nhanh, năm 2020 gấp hơn 14 lần năm 2002. Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong Vùng, và giữa Vùng với cả nước. Một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong Vùng và cả nước.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của vùng còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại; GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội.
Những hạn chế, bất cập này nếu được khắc phục kết hợp với những tiềm năng, lợi thế và nguồn lực còn chưa được khai được hiệu quả, bên cạnh các cơ hội mới sẽ là “dư địa”, cơ hội để Tây Nguyên phát triển mạnh trong thời gian tới.