Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được đề xuất cơ chế đặc thù
UBND tỉnh Cao Bằng cũng kiến nghị Chính phủ hàng loạt cơ chế đặc thù trong quá trình chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Cao Bằng vừa gửi Bộ Giao thông Vận tải về tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng), thời điểm hiện tại, việc khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và lập khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được hoàn thành.
Hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đã được hoàn thành trong tháng 8/2022, hiện, đang triển khai cắm cọc giải phóng mặt bằng ngoài thực địa được 22 km. Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, dự án cũng đã được giao kế hoạch vốn hơn 27 tỷ đồng.
Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được đề xuất cơ chế đặc thù. Ảnh VGP.
“Tiến độ triển khai dự án hiện còn rất chậm so với quyết định số 1212/QĐ-TTg ngày 10/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Nguyên nhân chủ quan do năng lực các nhà thầu tư vấn còn hạn chế, chưa lường trước được hết các tình huống có thể xảy ra trong quá trình triển khai nên phải giải trình, bổ sung hồ sơ nhiều lần trong quá trình thẩm định.
Về khách quan, tiến độ dự án bị ảnh hưởng do thay đổi của các quy định pháp luật có liên quan như: Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư công,…”, UBND tỉnh Cao Bằng nhận định.
Để đảm bảo hoàn thành dự án vào năm 2025, UBND tỉnh Cao Bằng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích rừng cho dự án.
UBND tỉnh Cao Bằng cũng kiến nghị Chính phủ hàng loạt cơ chế đặc thù trong quá trình chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án.
Cụ thể, xem xét chấp thuận cho UBND tỉnh Cao Bằng được phê duyệt các khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã có trong quy hoạch khoáng sản liên quan, đủ tiêu chuẩn và chỉ phục vụ thi công dự án đường cao tốc là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Không phải thực hiện các thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công dự án. Nhà đầu tư, nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường, chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản, nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.
Cho phép Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng và người có thẩm quyền tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Đồng thời triển khai một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng ngay sau khi chủ trương đầu tư điều chỉnh của dự án được phê duyệt, triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện công việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư.
Theo phương án điều chỉnh được UBND tỉnh Cao Bằng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), tổng chiều dài hơn 121,06 km.
Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư khoảng 93,55 km (từ Km0+00-Km93+350) với mặt cắt ngang 17 m đối với các đoạn thông thường (chiếm khoảng 24%) và châm chước kích thước mặt cắt ngang nền đường 13,5 m đối với các đoạn khó khăn (chiếm khoảng 76%) để kiểm soát tổng mức đầu tư và vẫn đáp ứng nhu cầu giao thông giai đoạn 2025 - 2030.
Ở giai đoạn hoàn thiện (giai đoạn 2) đầu tư tiếp gần 28 km còn lại (Km93+350-Km121+060) với quy mô bề rộng nền đường 17m và hoàn thiện quy mô mặt cắt ngang nền đường 17 m đối với các đoạn tuyến châm trước trong giai đoạn 1. Vị trí dừng xe được bố trí trung bình 500 m/vị trí.
Tổng mức đầu tư điều chỉnh khoảng 22.691 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 1 là 13.174 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 9.516 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 1, vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 6.594 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước tham gia khoảng 6.580 tỷ đồng (gồm vốn hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án và chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho toàn dự án).
Cơ cấu vốn ngân sách nhà nước sẽ gồm 2.500 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương và 4.080 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương.
Thời gian thực hiện giai đoạn 1 dự án dự kiến từ năm 2020 - 2025. Thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn khoảng 23 năm (2026 - 2049). Giai đoạn 2 được đầu tư sau năm 2025.
Để đảm bảo đủ 2.500 tỷ đồng phần vốn ngân sách Trung ương tham gia thực hiện dự án theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt, UBND tỉnh Cao Bằng cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tạo điều kiện bố trí lại số vốn ngân sách trung ương 538 tỷ đồng (điều chỉnh giảm năm 2022) vào các năm 2023 - 2025.
Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8. Hiện tỉnh Cao Bằng và Tập đoàn Đèo Cả phối hợp nghiên cứu báo cáo khả thi, thi tuyển kiến trúc một số công trình trên tuyến, sau đó tỉnh Cao Bằng sẽ phê duyệt dự án, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Theo chủ trương đầu tư, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dài 115 km, trong đó 52 km đi qua hai huyện Văn Lãng, Tràng Định của Lạng Sơn và 63 km đi qua TP Cao Bằng, các huyện Thạch An, Quảng Hòa, Trùng Khánh (huyện Trà Lĩnh cũ), Hòa An của tỉnh Cao Bằng. Điểm đầu tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam thuộc tỉnh Lạng Sơn; điểm cuối tại nút giao đường vào khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng.
Dự án quy mô 4 làn xe, được thiết kế với tốc độ 80 km/h, tổng vốn đầu tư 20.930 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP). Nguồn vốn sẽ được huy động từ ngân sách trung ương, địa phương, nhà đầu tư và vốn vay tín dụng. Giai đoạn 1 đến năm 2024 sẽ đầu tư khoảng 93 km từ cửa khẩu Tân Thanh đến xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng; giai đoạn 2 sau năm 2025 đầu tư tiếp khoảng 22 km từ huyện Quảng Hòa đến cửa khẩu Trà Lĩnh.