Dự án Cầu vượt sông Đáy: Nhịp cầu nối những bờ vui
Trong không khí phấn khởi của đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh về những kết quả đạt đuợc qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, những ngày này, người dân Yên Khánh cũng đón thêm một niềm vui lớn khi cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và Nam Định đã được triển khai thi công.
Cây cầu nối những niềm vui
Anh Phạm Văn Thành, xóm 3, xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh đang làm việc tại một công ty trong lĩnh vực kinh doanh thép trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Mặc dù môi trường làm việc năng động, có nhiều cơ hội để bản thân phát triển thế nhưng không ít lần anh Thành nghĩ đến việc xin nghỉ để tìm một công việc khác. Khó khăn duy nhất anh gặp phải là vấn đề giao thông đi lại.
Anh Thành chia sẻ: Tôi sinh sống tại Yên Khánh. Hàng ngày đi làm đều phải qua phà Tam Tòa (xã Khánh Trung). Chi phí mỗi lượt phà đối với xe ô tô là 30 nghìn đồng, cả đi về là 60 nghìn đồng, cộng thêm ăn trưa, xăng xe đi lại, ước tính chi phí khoảng 200-300 nghìn đồng/ngày. Chưa kể những ngày phải di chuyển nhiều, qua nhiều lần phà thì rất tốn kém. Khi biết thông tin cầu vượt sông Đáy nối giữa hai tỉnh Ninh Bình và Nam Định đã được triển khai thi công, tôi vô cùng phấn khởi. Vậy là chúng tôi sắp có cây cầu mới để đi mà không phải qua phà hàng ngày nữa. Điều này giúp tôi yên tâm để làm tốt công việc hiện tại.
Không chỉ với anh Thành mà cây cầu vượt sông Đáy là niềm ao ước từ lâu của nhiều người dân huyện Yên Khánh, nhất là các xã Khánh Cường, Khánh Trung, Khánh Công. Vì vậy, khi nghe thông tin cây cầu được chính thức thi công xây dựng, bà con ở đây rất vui mừng, phấn khởi. Bà Đỗ Thị Lan, thôn 19, xã Khánh Trung cho hay: "Tôi thường xuyên di chuyển bằng phà mỗi lần sang Nam Định. Song đi phà bất tiện vì phải chờ lâu, phà hoạt động đến khoảng 9 giờ tối nên khi nào có việc gấp lại phải hoãn đến sáng hôm sau. Chưa kể di chuyển bằng phà tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn sông nước. Chúng tôi mong cây cầu sớm được hoàn thiện, đưa vào sử dụng để phục vụ đời sống dân sinh".
Theo ông Phạm Ngọc Duân, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Trung, hoạt động giao thương hàng hóa, đi lại giữa người dân huyện Yên Khánh với các địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Định và ngược lại rất sôi động. Hiện trên địa bàn huyện có nhiều bến đò đang hoạt động như đò Mười (xã Khánh Thành), đò Bà Quăn (xã Khánh Cường), đò Xanh (xã Khánh Thiện), đò Khánh Tiên… Chỉ tính riêng tại bến đò Tam Tòa, xã Khánh Trung, trung bình mỗi ngày có hàng nghìn lượt người và phương tiện lưu thông. Chủ yếu là công nhân các xã của huyện Nghĩa Hưng sang các công ty trên địa bàn huyện Yên Khánh làm việc và ngược lại. Cây cầu được xây dựng sẽ giúp người dân đi lại dễ dàng hơn, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, đồng thời thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tập trung cao độ cho dự án
Dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng được thực hiện theo Quyết định số 17/2022 ngày 28/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho UBND tỉnh Nam Định làm cơ quan chủ quản.
Dự án có tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành công trình là tháng 12/2024. Dự án có tổng chiều dài tuyến 2 km đi qua xã Khánh Cường, Khánh Trung thuộc địa phận huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình) và xã Nghĩa Châu, Nghĩa Trung, Nghĩa Thái thuộc địa phận huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định). Phần cầu vượt sông có chiều dài 1,36 km, mặt cắt ngang là 19,5 m. Phần đường dẫn có chiều dài khoảng 0,64 km, bề rộng nền đường 19 m. Quy mô gồm 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ.
Lãnh đạo huyện Yên Khánh cho biết, nhận thức được ý nghĩa quan trọng của dự án, thời gian qua, huyện đã tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao. Trong đó UBND huyện Yên Khánh đã tổ chức nhận bàn giao hệ thống cọc mốc giải phóng mặt bằng dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định. Thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành về thẩm định giá, kê khai và tổ chức kiểm đếm đất đai, tài sản, cây cối, hoa màu để lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ về lợi ích của dự án. Qua đó tạo sự ủng hộ, đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ dự án. Hiện còn một số ít hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, huyện sẽ vận động người dân sớm bàn giao trên tinh thần tự nguyện.
Trong lễ triển khai thi công dự án mới đây, lãnh đạo tỉnh Nam Định cũng khẳng định: Để dự án sớm hoàn thành, phục vụ đi lại của nhân dân, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh, tỉnh Nam Định tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư thực hiện đồng bộ công tác giải phóng mặt bằng và các thủ tục có liên quan trong quá trình thực hiện dự án. Yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công dự án triển khai tốt công tác quản lý dự án, giám sát công trình, tuân thủ đúng các trình tự, thủ tục về đầu tư xây dựng cơ bản; tập trung huy động mọi nguồn lực, vật tư, thiết bị, có biện pháp tổ chức thi công phù hợp, đảm bảo chất lượng, tiến độ và an toàn.
Dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy kết nối các tuyến giao thông quan trọng của hai tỉnh Ninh Bình và Nam Định, từng bước hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc từ Ninh Bình đến Hải Phòng, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng khu vực đồng bằng sông Hồng. Cây cầu này khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần giảm tải cho hệ thống giao thông hiện có, rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển cho người tham gia giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Ninh Bình và Nam Định.