Dự án Công viên Chu Văn An: 'Lá phổi xanh' thành nơi tập kết rác
Được khởi công cách đây 10 năm nhưng hiện dự án Công viên Chu Văn An (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) vẫn chỉ là bãi đất hoang, cỏ dại mọc um tùm. Từng được kỳ vọng sẽ là 'lá phổi xanh' phía Tây Nam Thủ đô, song hiện tại dự án này trở thành nơi tập kết rác thải, đủ loại phế liệu xây dựng trong khi người dân thì 'khát' chỗ vui chơi.

Tiếc đất bị bỏ hoang, gia đình ông Phạm Văn Bộ (ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) canh tác “ké” trên đất dự án Công viên Chu Văn An
Viễn cảnh công viên hiện đại còn xa vời
9h sáng ngày 25/3/2025, cột khói cao hàng chục mét bất ngờ bốc lên từ giữa khuôn viên dự án Công viên Chu Văn An, chỉ ít phút sau khói đã mịt mù cả một vùng. Nhiều người đi đường hốt hoảng, lo lắng vì tưởng rằng đã xảy ra một vụ hỏa hoạn. "Nhiều người khi đi qua đây giật mình khi thấy có khói bốc lên còn chúng tôi sống ở xã Thanh Liệt thì đã quen với cảnh này. Không biết từ đâu, cây cối bị chặt bỏ được chở về, đổ ở công viên. Người dân thấy rác thì châm lửa đốt khiến công viên không ít lần mù mịt khói như vậy", bà Nguyễn Thị Thìn (75 tuổi) chia sẻ.
Trước đây, gia đình bà Thìn có 2 sào ruộng nhưng khi dự án Công viên Chu Văn An được triển khai, Nhà nước đã thu hồi để phục vụ dự án. Cũng như nhiều hộ dân ở xã Thanh Liệt, bà Thìn vui vẻ nhường đất với hi vọng sẽ có một công viên hiện đại ngay trên cánh đồng đã gắn với bà con Thanh Liệt nhiều đời nay. Công viên Chu Văn An nằm ngay trước nhà bà Thìn, viễn cảnh chiều chiều cùng các cháu ra công viên vui chơi giải trí khiến bà Thìn vui lắm. Thế nhưng công viên được khởi công từ năm 2015 đến nay mới chỉ làm xong phần tường bao xác định ranh giới và một số hạng mục đường bộ, còn lại đa phần diện tích công viên vẫn bị bỏ trống, trở thành nơi tập kết rác thải, phế liệu xây dựng. Chờ đợi nhiều năm mà dự án Công viên Chu Văn An vẫn "dậm chân tại chỗ", tiếc đất, bà Thìn cùng nhiều hộ dân khác mỗi người ra khoanh một mảnh nhỏ để trồng rau.

Hồ điều hòa trong công viên được người dân tận dụng để thả cá
Cũng như bà Thìn, ông Phạm Văn Bộ (60 tuổi), một người dân xã Thanh Liệt, không giấu được nỗi buồn khi nhắc đến dự án Công viên Chu Văn An. "Công viên được quy hoạch nằm ở vị trí đắc địa, bao quanh là các khu đô thị cao tầng. Nếu được hoàn thành, không chỉ người dân xã Thanh Liệt mà các phường như Đại Kim, Hoàng Liệt, Tân Triều… đều có thể đến đây vui chơi. Người dân đã hy vọng, chờ đợi để rồi thất vọng. Dự án dang dở, hàng chục hecta đất thành bãi hoang. Chúng tôi thấy phí quá nên vào đây quây mỗi nhà một ít đất để trồng rau. Không chỉ người dân Thanh Liệt, nhiều người từ địa phương khác đến thuê nhà quanh công viên cũng ra đây canh tác để có rau ăn. Như này cũng tốt hơn là để cỏ dại mọc", ông Bộ nói.
Theo một số người dân đang canh tác trên phần đất công viên, do không có người quản lý nên thời gian gần đây tình trạng đổ trộm rác ngày càng nhiều. Đặc biệt, ở giữa công viên, cây và cành cây khô được chất thành đống trên bãi đất rộng hàng trăm mét. Đã nhiều lần tại đây xuất hiện đám cháy lớn. Một lãnh đạo Công an xã Thanh Liệt cho biết, chính quyền địa phương liên tục phải ra dập lửa. Có lần vì cháy lớn, lo sợ sẽ lan ra, gây hậu quả nghiêm trọng nên cán bộ địa phương đã phải gọi lực lượng cứu hỏa. "Rất nhiều cây cối được tập kết về đây, thậm chí cây gãy đổ từ đợt bão tháng 9/2024 chuyển về đến nay vẫn chưa xử lý, nguy cơ gây cháy rất lớn. Nhiều khi chỉ cần ai đó vô tình ném tàn thuốc lá vào đám củi khô cũng có thể gây ra cháy. Chúng tôi rất lo lắng nhưng chưa thể xử lý do Dự án công viên Chu Văn An đang dang dở, chưa bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý. Rác thải, phế thải đổ tràn lan, thậm chí trong công viên còn hình thành bãi tập lái ô tô nhưng chúng tôi không thể xử lý dù công viên nằm trên địa bàn xã", lãnh đạo Công an xã Thanh Liệt cho hay.

Một hộ dân đang canh tác “ké” trên đất dự án Công viên Chu Văn An
Dự án chậm tiến độ vì thiếu vốn
Dự án Công viên Chu Văn An được phê duyệt quy hoạch bởi Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội và UBND huyện Thanh Trì vào ngày 20/8/2009. Dự án có tổng diện tích trên 90ha, bao gồm 2 phân khu. Khu vực 1 là khu tưởng niệm, bao gồm các công trình tưởng niệm, bảo tàng, nơi hội thảo và các di tích liên quan. Khu vực 2 là nơi phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí của nhân dân và khách du lịch. Tại đây có hệ thống hồ điều hòa, các khu chức năng, công viên kết hợp với các công trình kiến trúc cảnh quan… Năm 2016, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội và UBND huyện Thanh Trì công bố điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, tỷ lệ 1/500. Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An giáp khu chức năng đô thị Nam đường Vành đai 3. Theo tiến độ được sửa đổi bổ sung, Công viên Chu Văn An sẽ hoàn thành vào quý I năm 2020. Thế nhưng đến nay, dự án này vẫn ngổn ngang, một hạng mục đã thi công dở nay bị xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài diện tích đất được người dân trưng dụng trồng rau, hồ điều hòa cũng được tận dụng thành nơi thả cá.



Rác thải được tập kết trong khuôn viên dự án Công viên Chu Văn An
Ông Trình Quốc Thắng, Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt, cho biết, có 2 nguyên nhân chính khiến dự án Công viên Chu Văn An chậm tiến độ. Đầu tiên là do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, xuất phát từ việc vẫn còn hàng nghìn ngôi mộ chưa được di dời tại nghĩa trang Mả Cả. UBND huyện Thanh Trì đã giao UBND xã Thanh Liệt vận động, tuyên truyền bà con nhân dân di chuyển các ngôi mộ, bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư triển khai xây dựng nốt các hạng mục của dự án. UBND xã Thanh Liệt cũng đã thông báo tạm dừng an táng và vận động nhân dân di chuyển mộ về khu vực đã được quy hoạch nhưng đến thời điểm này, có rất ít ngôi mộ được di chuyển.
"Nghĩa trang Mả Cả có từ lâu đời. Có hàng nghìn ngôi mộ ở đây. Việc vận động người dân di dời vào khu nghĩa trang đã quy hoạch gặp rất nhiều khó khăn. Mấy năm nay, chúng tôi liên tục vận động mà cũng chỉ di chuyển được hơn 300 ngôi. Hiện còn hàng nghìn ngôi mộ chưa được di dời. Nếu di chuyển hết các ngôi mộ ở Mả Cả thì nghĩa trang đã quy hoạch cũng không thể chứa hết, vì số mộ quá nhiều", ông Thắng cho hay. Vị Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt cho rằng, để di dời hết các mộ ở nghĩa trang Mả Cả là không khả thi. "Vẫn biết nếu chuyển nghĩa trang này đi, công viên sẽ đẹp hơn nhưng năm nào chúng tôi cũng vận động, giao cho đảng viên, cán bộ các đoàn thể đi tuyên truyền, vận động nhưng cũng chỉ có cán bộ gương mẫu thực hiện di chuyển mộ của gia đình, họ tộc mình", Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt chia sẻ.
Ngoài vướng mắc liên quan đến mặt bằng, ông Trình Quốc Thắng cho biết, vấn đề lớn nhất hiện nay là vốn đầu tư để thực hiện xây dựng Công viên Chu Văn An. "Nếu hoàn thành cả 2 giai đoạn, Công viên Chu Văn An sẽ rộng gần 100ha. Hiện chủ trương đã có, đất đã có nhưng tiền chưa có để triển khai tiếp. Giai đoạn 2 phải cần ít nhất 600 tỷ đồng. Chúng tôi và người dân đều rất mong dự án sớm được hoàn thành", ông Thắng nói.