Dự án đường cao tốc Bắc-Nam đã xác định được liên danh nhà đầu tư
Sau khi sơ tuyển trong nước, dự án đường cao tốc Bắc-Nam đã xác định được danh tính liên danh các nhà đầu tư đủ điều kiện nhận hồ sơ mời thầu và chuẩn bị bước vào vòng đấu thầu.
Theo đó, có 18 liên danh nhà đầu tư đã được Bộ Giao thông vận tải xác nhận đủ điều kiện nhận hồ sơ mời thầu tại 7 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc-Nam phía đông. Đây đa phần là những đơn vị có năng lực và từng trải qua thi công nhiều dự án của ngành giao thông.
Cụ thể, 7 trên tổng số 8 dự án thành phần có tối thiểu 2 nhà đầu tư với tổng cộng 18 liên danh nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển gồm Mai Sơn-Quốc lộ 45, Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo và Phan Thiết-Dầu Giây. Riêng dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết không có nhà đầu tư qua sơ tuyển.
Về phía các doanh nghiệp tham gia sơ tuyển, Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 là doanh nghiệp nằm trong các liên danh nhà đầu tư trúng tuyển nhiều nhất, khi có mặt ở hầu hết 7 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam.
Cụ thể tại dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45, CIENCO4 liên danh với Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công và Công ty cổ phần Hyundai Thành Công; dự án Quốc lộ 45-Nghi Sơn (CIENCO4-Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình-Công ty cổ phần phát triển xây dựng và Thương mại Thuận An-Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Thành Đô-Công ty cổ phần Xây dựng giao thông 18); dự án Nha Trang-Cam Lâm (CIENCO4-Công ty cổ phần phát triển xây dựng và thương mại Thuận An-Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Thành Đô),…
Đứng thứ hai là Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) khi nằm trong thành viên của các liên danh nhà đầu tư trúng sơ tuyển tại 5 dự án (Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo, Phan Thiết-Dầu Giây). Tiếp theo là Tập đoàn Đèo Cả (3 dự án), Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (2 dự án).
Với số lượng 5 nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư trúng sơ tuyển, dự án cao tốc Nha Trang-Cam Lâm đứng đầu danh sách đoạn tuyến cao tốc có nhiều nhà đầu tư tham gia thầu nhất.
Theo quy định của Luật Đấu thầu, dự án cao tốc Bắc-Nam sẽ tiếp tục triển khai bước đấu thầu. Bộ Giao thông vận tải đưa ra kế hoạch sẽ phát hành hồ sơ mời thầu cho các nhà đầu tư trong tháng 5/2020, thời gian tối thiểu theo quy định để triển khai giai đoạn đấu thầu khoảng sáu tháng.
Đối với dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết), phía Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo quy định tại Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Bắc-Nam đang được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thúc đẩy thực hiện, coi đây là nhiệm vụ cấp bách; cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện nhiệm vụ này.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp với các địa phương, chủ quản lý sử dụng công trình hạ tầng cần di dời xử lý, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo tiến độ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao trong quý II/2020.
Tính đến nay, tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án chậm so so với yêu cầu; mới chi trả tiền đền bù, đủ điều kiện bàn giao mặt bằng cho 457,42 km/654 km chiều dài tuyến (đạt khoảng 70%).
Dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông có tổng chiều dài 654 km, đi qua địa phận 13 tỉnh gồm Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long.
Dự án có tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng (gồm 55.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách), trong đó có 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP. Tổng kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 12.401 tỷ đồng, diện tích thu hồi khoảng 4.835ha, tái định cư khoảng 3.690 hộ dân và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng.