Dự án đường Vành đai 3 TPHCM qua Bình Dương gặp khó
Dự án đường Vành đai 3 TPHCM đoạn qua tỉnh Bình Dương đang triển khai xây dựng song khó khăn hiện nay là cát nền. Do đó, tỉnh Bình Dương đề nghị các tỉnh, thành phố phía Nam hỗ trợ nguồn cát để kịp tiến độ.
Ngày 19/3, thông tin từ Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương cho biết, dự án đường Vành đai 3 TPHCM đoạn qua tỉnh Bình Dương đang thi công, nhưng gặp khó về nguồn vật liệu, chủ yếu là cát nền.
Tổng chiều dài tuyến đường Vành đai 3 TPHCM qua Bình Dương khoảng 26,6 km, trong đó, Nút giao Tân Vạn dài 2,4 km; Đoạn Bình Chuẩn - sông Sài Gòn dài 8,9 km; Đoạn trùng đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 15,3 km.
Về tiến độ, gói thầu XL2 thi công đạt khối lượng 15% so với khối lượng hợp đồng. Đang triển khai thi công cọc khoan nhồi đạt lũy kế 96/114 cọc, cọc đóng hầm kín nhánh C, D đạt 197/197 cọc.
Gói thầu XL4 thi công đạt khoảng 20% so với khối lượng hợp đồng. Đang triển khai thi công cọc khoan nhồi lũy kế được 128/218 cọc đạt 60% tổng số cọc.
Gói thầu Đoạn Bình Chuẩn đến sông Sài Gòn (XL3) sau khi có kết quả trúng thầu, các đơn vị đã tổ chức động thổ vào đầu năm 2024.
Đối với Gói thầu XL1, hiện nay đang lựa chọn nhà thầu xây lắp, bảo hiểm, tư vấn giám sát, dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn các nhà thầu trong tháng 3/2024.
Đối với Dự án thành phần 6: Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương, đến nay công tác thu hồi đất diện tích sử dụng đất khoảng 129ha, diện tích sẵn có không phải thu hồi đất là 50,36ha, diện tích cần thu hồi là 78,64ha; đã thu hồi 63,05/78,64ha (đạt tỷ lệ 80,1%), tính theo diện tích xây dựng hiện có 113,7/129ha (đạt tỷ lệ 88%),
Về tái định cư, dự án có khoảng 459 trường hợp đủ điều kiện tái định cư và được bố trí tại 9 khu tái định cư có sẵn tại các thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An.
Hiện nay, các loại vật liệu xây dựng khác, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương đã thống nhất cùng Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cung ứng khối lượng cụ thể như sau: Đất đắp nền đường 70% tương ứng 1,175 triệu m3; Cát xây dựng, Bình Dương 30% tương ứng 500.000 m3; Đá xây dựng các loại 40% tương ứng 1,76 triệu m3.
Qua rà soát về trữ lượng còn lại, công suất khai thác của các mỏ khai thác vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh cho thấy tỉnh Bình Dương hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu cho đường Vành đai 3 theo khối lượng đã thống nhất cùng TPHCM.
Về vật liệu cát đắp nền đường, Bình Dương đề nghị UBND TPHCM sớm thống nhất nguồn cát đắp và điều phối cho các tỉnh ngay trong tháng 3 và quý II/2024. Do tỉnh Bình Dương không có nguồn cát san lấp nên đề nghị các tỉnh khác hỗ trợ.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang có Dự án Nạo vét luồng đường thủy nội địa Quốc gia trên sông Đồng Nai (đoạn từ Km45+250 đến Km 69+950), Bình Dương dự kiến kết hợp thu hồi khối lượng sản phẩm để làm vật liệu san lấp, tôn tạo mặt bằng cho các công trình tạo nguồn kinh phí bù cho chi phí thực hiện nạo vét luồng. Dự kiến khối lượng cát tận thu khoảng 600.000m3.