Dự án Khu xen cư hồ Toàn Thành (Thanh Hóa): Thu hồi đất nhưng… không bồi thường đất
Sự bất hợp lý trong đền bù khi thu hồi đất để thực hiện Dự án Khu xen cư hồ Toàn Thành (phường Ba Đình, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã kéo dài nhiều năm.
Một vụ khiếu kiện kéo dài
Theo Quy hoạch dự án Khu xen cư hồ Toàn Thành, có 47 hộ dân phố Đinh Công Tráng thuộc diện thu hồi đất. Trong đó, ông Trịnh Quốc Văn và vợ là Nguyễn Thị Bạch Đằng ở số nhà 62 có diện tích đất bị thu hồi là 179,9m2. Theo quyết định thu hồi, gia đình ông Văn chỉ được bồi thường hoa màu, tài sản trên đất, không được bồi thường về đất.
Khiếu nại phát sinh từ đây, kéo dài và đã đến cấp Trung ương. Mới đây nhất, ngày 20/6/2019, Văn phòng Chính phủ có Văn bản 5124/VPCP-V.I gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng ý kiến nghị của Bộ này tại Văn bản số 2490/BTNMT-TTr ngày 30/5/2019 về báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát hiện trạng và quá trình sử dụng đất thực tế của gia đình ông Văn trước ngày 30/6/2019.
Trong vụ việc, có một số vấn đề quan trọng: Đất nhà ông Văn sử dụng từ 1983 đến nay, không tranh chấp, có phải là đất đai hợp pháp không? Thứ hai, trình tự, thủ tục xây dựng dự án, thu hồi đất, đền bù, ra quyết định cưỡng chế của UBND TP Thanh Hóa có đúng thẩm quyền và trình tự theo quy định chưa?
Bố mẹ ông Văn là ông Trịnh Hữu Kiều và bà Đào Thị Nguyệt sinh sống ở khu phố Đinh Công Tráng từ năm 1970. Phía sau ngôi nhà của họ là ruộng rau muống tự nhiên, ao hồ. Trước khi chính quyền phường Ba Đình giao cho Hợp tác xã Toàn Thành quản lý, bố mẹ ông Trịnh Hữu Kiều đã cơi nới, san lấp trồng rau, chăn nuôi. Năm 1988 – 1996 là thời gian mở xưởng sản xuất gạch hoa Tây Hồ. Sau đó, mảnh đất 179,9m2 gắn liền với ngôi nhà 62 Đinh Công Tráng được vợ chồng ông Văn thừa kế, sử dụng làm nơi ở và kinh doanh buôn bán.
Theo quy định, phần diện tích đất 179,9m2 này có được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) không? Khoản 2 Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn
định từ trước ngày 1/7/2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp sổ đỏ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”. Khoản 4 Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai 2013 cũng nói rõ điều này.
Nhiều thế hệ cán bộ lão thành và chính quyền phường Ba Đình trước đây xác nhận cho gia đình ông Văn, nhưng đều bị từ chối cấp “sổ đỏ”.
Khuất tất trong trình tự
Một chuyên gia pháp luật cho biết, theo Điều 16 và các điều từ 61 đến 65 Luật Đất đai năm 2013 thì Nhà nước có quyền thu hồi đất để sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng; phát triển kinh tế – xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Vấn đề trước hết cần quan tâm là Dự án Khu xen cư hồ Toàn Thành đã được thực hiện đúng các quy định về quy hoạch, quy trình, thủ tục đầu tư các dự án nhà ở, phát triển đô thị như: Hình thức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án; trình tự, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư/chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án nhà ở; lựa chọn nhà đầu tư và yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư để giao thực hiện dự án đối với các dự án này chưa?
Trước đó, ngày 15/8/2005, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 2204/QĐ-UBND về việc thu hồi đất tại phường Ba Đình để UBND TP Thanh Hóa tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng và đấu giá đất. Quyết định này căn cứ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của TP Thanh Hóa đến 2020. Trước đó, ngày 29/11/2004 UBND tỉnh Thanh Hóa có Văn bản số 155/UBTH phê duyệt mặt bằng quy hoạch. Đây là hai văn bản “cao nhất” đối với Dự án Khu xen cư hồ Toàn Thành.
Thế nhưng UBND tỉnh tại Báo cáo gửi Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (số 46/BC-UBND ngày 12/4/2018 về kết quả rà soát lại quá trình sử dụng đất theo đơn khiếu nại của hộ ông Văn) và Quyết định số 4111/QĐ-UBND ngày 30/10/2017 về quyết định giải quyết khiếu nại của ông Văn, lại viện dẫn Điều 38 Luật Đất đai năm 2003 (vốn đã hết hiệu lực từ ngày 1/7/2017) để cho rằng “thu hồi đất là đúng”. Trong khi các quyết định giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các quyết định làm căn cứ thực hiện Dự án hay chưa thì không thấy nói đến.
Theo vợ chồng ông Văn, suốt quá trình bố mẹ họ và nay là họ sử dụng 179,9m2 đất sau khu nhà 62 Đinh Công Tráng đến năm 2005 (khi UBND tỉnh có Quyết định 2204/QĐ-UBND) chưa thấy lần nào chính quyền từ phường, thị xã Thanh Hóa (nay là TP) và UBND tỉnh công bố bản đồ quy hoạch sử dụng đất và dự án khu vực này.
Thanh Hóa đã làm gì trước khi tổ chức đấu giá và ký Hợp đồng kinh tế bàn giao đất tại mặt bằng 155/XD-UBTP cho Công ty Đầu tư và xây dựng TP Thanh Hóa (nhà thầu)? Ông Văn cho rằng chưa “lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng” và các quy định của Luật Xây dựng.
Chuyên gia trên nhận xét: “Việc ban hành Quyết định số 2204/QĐ-UBND giống như “đánh úp” những người dân trong phạm vi ảnh hưởng của Dự án trong đó có gia đình ông Văn. Nếu như Thanh Hóa đối thoại với dân trước khi thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, có quyết thu hồi đất để thực hiện quy hoạch sẽ đúng trình tự hơn là “đối thoại” trước khi cưỡng chế. Bởi “cưỡng chế” khi dân còn khiếu nại, bao giờ cũng là “hạ sách”.