Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia
Quốc hội khóa XV đã đưa dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân vào chương trình nghị sự, thể hiện quyết tâm xây dựng một hành lang pháp lý vững chắc để bảo vệ quyền lợi của công dân trong không gian mạng.

Quốc hội khóa XV đã đưa dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân vào chương trình nghị sự. (Ảnh: QH/Vietnam+)
Ngày 5/5, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Tạo hành lang pháp lý chặt chẽ
Theo Phó Thủ tướng, việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ cũng như nâng cao năng lực bảo vệ cho các tổ chức, cá nhân trong nước tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực, từ đó đẩy mạnh sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân bao gồm 7 chương và 68 điều, quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Các nội dung chính làm rõ các khái niệm quan trọng (như dữ liệu cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân, dữ liệu cá nhân cơ bản, dữ liệu cá nhân nhạy cảm, dữ liệu phi cá nhân, khử nhận dạng dữ liệu cá nhân) và xác định chính xác các hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân, vai trò của các bên liên quan.
Dự thảo đưa ra 7 nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân, bao gồm hợp pháp, minh bạch, đúng mục đích, hạn chế, chính xác, an ninh, giới hạn thời gian lưu trữ và trách nhiệm giải trình. Nội dung quy định 11 quyền và 3 nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu, đảm bảo quyền tự quyết của cá nhân đối với dữ liệu cá nhân của mình. Cụ thể, dự thảo đưa ra các quy định về điều kiện bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với các tổ chức kinh doanh dịch vụ xử lý dữ liệu cá nhân, tổ chức chứng nhận đủ điều kiện năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân, dịch vụ xếp hạng tín nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân và dịch vụ tổ chức bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Bên cạnh đó, dự thảo yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp phải đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân và chuyển dữ liệu ra nước ngoài, như một cam kết trước pháp luật về hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân. Dự thảo áp dụng mô hình “hậu kiểm” thay vì “tiền kiểm,” cho phép tổ chức, doanh nghiệp tự chủ trong công tác xử lý dữ liệu cá nhân, đồng thời chịu sự kiểm tra, đánh giá của Bộ Công an.
Ngoài ra, dự thảo hoàn thiện quy định về biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân cơ bản, dữ liệu cá nhân nhạy cảm, điều kiện đảm bảo hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân, cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân, Cổng thông tin quốc gia về bảo vệ dữ liệu cá nhân và kinh phí đảm bảo hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Cùng với đó, dự thảo cũng quy định về quản lý Nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan. Cụ thể, Chính phủ thống nhất thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Bộ Công an là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về dữ liệu cá nhân, trừ phạm vi của Bộ Quốc phòng. Mặt khác, dự thảo cũng quy định trách nhiệm của bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, bên Xử lý dữ liệu, bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu, bên thứ ba đăng ký, tuyên bố về xử lý dữ liệu cá nhân.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới, đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ủy ban nhất trí về sự cần thiết ban hành luật, nhấn mạnh vai trò quan trọng của dữ liệu cá nhân đối với chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của quốc gia.
Theo ông Lê Tấn Tới, dữ liệu cá nhân không chỉ liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu là cá nhân, mà còn là nguồn tài nguyên chính để thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Do đó, việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân, phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Tương thích với các điều ước quốc tế
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng việc xây dựng, ban hành Luật này phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Dự thảo Luật tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm tính khả thi và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia.
Tuy nhiên, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để xử lý thỏa đáng vấn đề thiếu thống nhất về tên gọi, nội hàm của các từ ngữ tương tự, như thông tin cá nhân, thông tin riêng, thông tin số… Ủy ban cũng cho rằng cần rà soát các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các vấn đề thực tiễn phát sinh để quy định đảm bảo tính thống nhất, tính khả thi, tính tương thích với các điều ước quốc tế.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đánh giá cao sự quán triệt và thực hiện các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng dự thảo Luật này. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa dự thảo Luật bảo đảm ngắn gọn, quy định những nội dung đúng thẩm quyền của Quốc hội, bám sát thực tiễn. Nội dung cần quy định rõ ràng, thực chất, không chung chung. Đặc biệt không quy định lại những nội dung đã được quy định trong các luật khác, bảo đảm dễ hiểu, dễ thực hiện. Những vấn đề mới đang trong quá trình vận động, thực tiễn biến động thường xuyên, chưa ổn định thì dự thảo chỉ quy định khung, mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ, các Bộ quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành, phù hợp với thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Dự thảo Luật nên triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật. Song, một số ý kiến cho rằng phạm vi điều chỉnh còn rộng, bao gồm hầu hết các hoạt động liên quan đến dữ liệu cá nhân, dẫn đến chồng lấn, trùng lặp với phạm vi điều chỉnh của Luật Dữ liệu năm 2024 và một số luật chuyên ngành khác. Do đó, cần giới hạn phạm vi điều chỉnh của Luật này chỉ tập trung vào các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân và trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong bảo vệ dữ liệu cá nhân. Dự thảo cần cân nhắc quy định rõ dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam hay cả người nước ngoài tại Việt Nam và phạm vi xử lý dữ liệu cá nhân ở trong lãnh thổ hay cả ngoài lãnh thổ Việt Nam, để xác định đối tượng áp dụng cho phù hợp.
Thêm vào đó, một số nội dung kiến nghị nêu cần rà soát, thiết kế các quy định tuân thủ Hiến pháp, quy định tại luật có liên quan, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bổ sung các nguyên tắc, phân loại hành vi vi phạm, đối tượng vi phạm, lỗi vi phạm để có căn cứ rõ ràng khi xử lý vi phạm. Rà soát, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm cho đầy đủ theo từng nhóm hoạt động và từng loại chủ thể bảo vệ dữ liệu cá nhân. Hay, dự thảo cần quy định chặt chẽ, tránh lạm dụng quyền của chủ thể dữ liệu cá nhân, tạo điều kiện cho các chủ thể dữ liệu cá nhân thực hiện các quyền của mình trên cơ sở bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nghiên cứu, quy định về mã hóa, giải mã dữ liệu cá nhân phù hợp với từng loại dữ liệu cá nhân hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này, xử lý dữ liệu cá nhân trong trường hợp không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân trong kinh doanh dịch vụ tiếp thị và quảng cáo. Thêm vào đó, dự thảo cần quy định chuyển dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam ra nước ngoài phù hợp với từng loại dữ liệu cá nhân (dữ liệu cá nhân cơ bản, dữ liệu cá nhân nhạy cảm)…/.