Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi): Minh bạch, an toàn toàn diện bảo vệ người tiêu dùng
Việc sớm hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi) đảm bảo công bằng, khả thi, minh bạch nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và khắc phục những hạn chế, bất cập đặt ra trong thực tiễn.
Sau 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) 2010 không còn phù hợp với thực tiễn sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; bộc lộ một số điểm hạn chế liên quan đến tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định của Luật; cùng với đó, trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó, đã chỉ rõ và đặt ra yêu cầu xem xét, sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
Trên thực tế, ngày nào cũng có trường hợp NTD bị thiệt hại bởi những sai phạm khác nhau nhưng phần lớn các trường hợp đều chưa được giải quyết một cách triệt để, thỏa đáng.
Hơn nữa, những năm gần đây, sự phát triển kinh tế - xã hội đã làm xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, đặc biệt là các giao dịch trên môi trường thương mại điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số...
Các cạm bẫy bủa vây NTD thời 4.0 đang ngày càng tinh vi hơn. Khác với quan hệ mua bán đơn thuần trước đây, với hình thức mua sắm online trực tuyến phổ biến ngày nay, NTD dễ dàng bị lừa hơn bởi vô vàn cách thức quảng cáo trên không gian số, qua hình ảnh những ngôi sao, người nổi tiếng, mà không có cơ quan chức năng nào kiểm chứng, giám sát.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng tăng nhanh cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Cụ thể khoảng 1.500 vụ mỗi năm trong giai đoạn 2016 – 2020, cũng là khoảng thời gian phát triển bùng nổ thương mại điện tử.
Báo cáo của Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA) cũng cho biết, số vụ lừa đảo tại Việt Nam hiện là 87.000 vụ, gây thiệt hại 374 triệu USD trong năm 2021.
Do đó, việc hoàn thiện quy định pháp luật và tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD cần sớm được triển khai, áp dụng vào thực tế.
Nhưng để NTD thực sự là “thượng đế”, vấn đề mấu chốt đặt ra với Dự án Luật Bảo vệ NTD (sửa đổi) là phải khắc phục triệt để các bất cập hiện nay từ trách nhiệm của nhà nước đến các doanh nghiệp, người bán hàng. Tuy nhiên, như nhiều đại biểu Quốc hội đã chỉ rõ, các quy định đưa ra trong dự thảo luật vẫn còn “chung chung, chưa cụ thể, khó hiểu, khó áp dụng”, chưa thể bảo vệ tốt hơn quyền lợi NTD. Đặc biệt, dự thảo cũng chưa đưa ra được những giải pháp và chế tài đủ mạnh, đủ răn đe để doanh nghiệp, người bán hàng “chùn tay”, không dám vi phạm.
Bước vào năm mới 2023, các chuyên gia hy vọng, lần sửa đổi Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi NTD sẽ có những quy định tiếp tục hoàn thiện quy định bảo vệ quyền lợi NTD khi tham gia giao dịch trên không gian mạng (thương mại điện tử, cho vay tiêu dùng, các mô hình kinh tế chia sẻ, dịch vụ ngang hàng), giảm thiểu và ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền lợi NTD.
Đặc biệt, cần phải có quy định về quyền và nghĩa vụ của bên thứ ba tham gia vào việc giám sát tính trung thực trong các giao dịch; có cơ chế để chủ thể kinh doanh khi sử dụng ứng dụng của internet không tự mình xóa được tài khoản bán hàng khi bị phát hiện có hành vi kinh doanh không trung thực.
Đánh giá về dự thảo Luật, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - cho rằng, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tiến bộ hơn rất nhiều so với Luật cũ và được điều chỉnh rộng khắp nhiều lĩnh vực, nhiều điều khoản. Trong đó có các quy định, điều chỉnh về trách nhiệm của người bán hàng, các đơn vị trung gian và cả các quy định về nền tảng bán hàng, đăng ký gian hàng là những sửa đổi rất ý nghĩa. Chắc chắn, sẽ giúp cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và trong các giao dịch đặc thù (trên không gian mạng) sẽ tốt hơn.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định: Việc quy định chặt chẽ hơn có thể sẽ làm phát sinh thêm chi phí, nguồn lực cho cơ quan nhà nước cũng như yêu cầu cao hơn về trách nhiệm cho phía doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoàn thiện quy định này sẽ đảm bảo sự lành mạnh cho môi trường kinh doanh, tạo sự an tâm cả phía khách hàng lẫn doanh nghiệp.