Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Tạo thị trường điện cạnh tranh, minh bạch
Luật Điện lực (sửa đổi) hướng tới công tác quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị truờng điện cạnh tranh minh bạch, công bằng...
Tương thích với điều ước quốc tế
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, về Dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Theo tờ trình tóm tắt dự án luật, sau khi Luật Điện lực năm 2004 có hiệu lực, nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước liên quan đến phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đã được ban hành.
Sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 4 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, đến giai đoạn hiện nay còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng, đặc biệt là mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Trình bày báo cáo tóm tắt thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Lê Quang Huy khẳng định, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) như đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình số 380/TTr-CP.
Về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật và tính tương thích với điều ước quốc tế, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, các nội dung của dự thảo luật cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, khoản 1 Điều 6 của dự thảo luật quy định về hợp tác quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế trong hoạt động điện lực là chưa đầy đủ, chưa phù hợp với quy định tại Điều 12 của Hiến pháp năm 2013. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 3 Điều 68 để đảm bảo phù hợp với Hiến pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, đối chiếu các quy định của dự thảo luật với các luật có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Liên quan đến tính khả thi của dự thảo luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị tiếp tục rà soát, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tế của Việt Nam để bảo đảm tính khả thi của một số quy định như tính độc lập trong hoạt động của các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng điện, các bên tham gia mua bán điện, mô hình đầu tư năng lượng mới, năng lượng tái tạo…
Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng cụ thể hóa một số quy định, tránh việc quy định chung, khó định lượng, nghiên cứu đưa các quy định cụ thể trong các nghị định hướng dẫn và các văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn vào trong dự thảo luật.
Phát triển điện năng lượng tái tạo
Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trương Thanh Hoài cho biết, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) có 9 chương, 121 điều; trong đó, kế thừa và sửa đổi chủ yếu 62 điều về quy định chung, cấp giấy phép hoạt động điện lực, thị trường điện, mua bán điện, giá điện, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện, bảo vệ công trình điện lực và an toàn điện.
Đồng thời, bổ sung 59 điều gồm các nội dung về quy hoạch phát triển điện lực, chính sách đấu thầu chủ đầu tư các dự án nguồn điện, chính sách xử lý các nguồn điện khẩn cấp, các chính sách về năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), năng lượng mới với điều kiện tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp (như hydrogen), cơ chế mua bán điện trực tiếp, triển khai đầy đủ các cấp độ của thị trường điện cạnh tranh, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các thành phần kinh tế, các loại giá điện, giá mua bán điện theo thời gian trong ngày, giá điện nhiều thành phần…
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Lê Quang Huy cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) như đề xuất của Chính phủ.
Chủ nhiệm Lê Quang Huy nhấn mạnh thêm các yêu cầu khi sửa đổi Luật Điện lực là phải tạo điều kiện cho phát triển nguồn và lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia, trong đó, đẩy mạnh việc phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới phù hợp với hiện trạng của đất nước.
Đáng chú ý, về giá điện và giá các dịch vụ về điện, Chủ nhiệm Lê Quang Huy đề nghị, nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về việc bảo đảm cơ cấu giá điện ổn định; quy định nguyên tắc, lộ trình rõ ràng về cải cách giá điện như để tạo tín hiệu tốt, thu hút đầu tư vào ngành điện. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực giá điện…
Ngoài ra, về phát triển điện hạt nhân, Chủ nhiệm Lê Quang Huy cho rằng, việc quy định về điện hạt nhân trong dự thảo luật này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, làm rõ quy định trong các điều khoản của luật, nghiên cứu, quy định nguyên tắc trong luật này dẫn chiếu Luật Năng lượng nguyên tử.
Bên cạnh đó, cần cung cấp căn cứ chính trị, cơ sở khoa học, công nghệ và kỹ thuật để hỗ trợ việc triển khai các dự án điện hạt nhân. Ngoài ra, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo cấp có thẩm quyền về mức độ quy định đối với việc phát triển điện hạt nhân...