Dự án Luật Phòng bệnh được Chính phủ đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025 có gì?

Tháng 6/2024 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ nhất trí đưa dự án Luật Phòng bệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025.

Vì sao phải xây dựng dự án Luật Phòng bệnh?

Sau 30 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đạt được những kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Những con số đáng tự hào trong 15 năm qua cho thấy Việt Nam đã đạt được thành tựu quan trọng về chăm sóc sức khỏe cụ thể: Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng từ 73,3 tuổi lên 73,7 tuổi; các chỉ số về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em ngày càng được cải thiện; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi cũng giảm tương ứng từ 33,9% năm 2007 xuống còn 18,9% năm 2022...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nói trên, công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân còn nhiều tồn tại, bất cập đó là:

Chất lượng sống của người dân còn hạn chế do bệnh tật: Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tương đối cao so với các nước có cùng mức sống, nhưng số năm sống khỏe mạnh lại ít, sống với bệnh tật lại nhiều. Theo số liệu của WHO mỗi người Việt Nam trung bình có tới 10 năm phải sống với bệnh tật vì vậy điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống cũng như giảm số năm sống khỏe mạnh của người dân.

Có thể chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến số năm sống chung với bệnh tật của người dân cao là do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, điều này làm hạn chế sự phát triển về thể lực tầm vóc con người và cũng làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng. Không những thế chế độ dinh dưỡng hạn chế cũng làm gia tăng nhanh gánh nặng bệnh không lây nhiễm.

Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm còn một số bất cập: Kết quả tổng kết 15 năm thi hành Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho thấy công tác kiểm soát bệnh truyền nhiễm còn nhiều bất cập, trong đó chủ yếu là các bất cập xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện: Nhận thức của người dân tại một số nơi về bệnh truyền nhiễm và các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm còn nhiều hạn chế; đội ngũ cán bộ y tế dự phòng còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao, cơ cấu cán bộ chưa hợp lý; một số địa phương chưa thực hiện dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng.

Thiếu hành lang pháp lý cho việc tổ chức thực hiện các hoạt động dự phòng và nâng cao sức khỏe: Các thách thức cũng như tồn tại nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó tập trung vào hai nguyên nhân chủ yếu đó là: Vấn đề tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật và vấn đề thiếu hành lang pháp lý cho việc tổ chức thực hiện các hoạt động liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe.

Xuất phát từ các lý do nêu trên và thực tế cho thấy việc xây dựng một đạo luật mới với phạm vi điều chỉnh gồm các quy định về nâng cao sức khỏe (bao gồm các vấn đề về dinh dưỡng và dự phòng các rối loạn tâm thần); phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phòng, chống bệnh không lây nhiễm và quản lý sức khỏe người dân để thể chế hóa quan điểm của Đảng và giải quyết các khoảng trống về pháp luật các hoạt động liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe đồng thời thay thế Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm là hoàn toàn phù hợp, không gây chồng chéo trong hệ thống pháp luật và hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Xây dựng Dự án Luật phòng bệnh khắc phục được tồn tại liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe

Theo Bộ Y tế, xây dựng Dự án Luật Phòng bệnh nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về dự phòng và nâng cao sức khỏe đã được định hướng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương XIII.

Hội thảo góp ý xây dựng dự án Luật Phòng bệnh của Hội Y học Dự phòng Việt Nam (ảnh CDC Sơn La)

Hội thảo góp ý xây dựng dự án Luật Phòng bệnh của Hội Y học Dự phòng Việt Nam (ảnh CDC Sơn La)

Xây dựng Dự án Luật Phòng bệnh nhằm khắc phục các tồn tại, bất cập liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe trên cơ sở kế thừa chọn lọc những quy định hiện hành về phòng, chống bệnh truyền nhiễm đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta và bổ sung các quy định nhằm khắc phục các khoảng trống pháp luật để tạo hàng lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động dự phòng và nâng cao sức khỏe.

Khuyến khích và huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội từ hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước đến mọi người dân và các tổ chức xã hội dân sự vào công tác dự phòng và nâng cao sức khỏe.

Bảo đảm tính dự báo trong tương lai, dự liệu những quan hệ xã hội nảy sinh liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe, bên cạnh đó phải phù hợp, hài hòa với xu hướng pháp luật quốc tế trong xu thế hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.

Bộ Y tế đề nghị xây dựng Dự án Luật Phòng bệnh với 5 chính sách sau:

Chính sách thứ nhất: Bắt buộc phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng nguy cơ có dịch.

Chính sách thứ hai: Dinh dưỡng với sức khỏe.

Chính sách thứ ba: Phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần.

Chính sách thứ tư: Phòng, chống bệnh không lây nhiễm.

Chính sách thứ năm: Quản lý sức khỏe đối với người dân.

Mục tiêu của chính sách là góp phần nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Kiểm soát tốt bệnh truyền nhiễm, nâng cao năng lực cho hệ thống phòng, chống bệnh truyền nhiễm; khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm; quản lý sức khỏe cho tất cả người dân.

Khanh Nguyễn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/du-an-luat-phong-benh-duoc-chinh-phu-dua-vao-chuong-trinh-xay-dung-luat-phap-lenh-cua-quoc-hoi-nam-2025-co-gi-169240901000642114.htm