Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi): Hoạt động thanh tra, kiểm toán còn chồng chéo, trùng lặp

Đại biểu Quốc hội bày tỏ, Luật Thanh tra (sửa đổi) vẫn chưa giải quyết được thực trạng hoạt động thanh tra, kiểm toán còn chồng chéo, trùng lặp.

Chưa giải quyết được triệt để vấn đề chồng chéo

Thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) tại phiên họp toàn thể chiều 13/6, nhiều đại biểu Quốc hội nêu thực tế việc phân định hoạt động thanh tra, hoạt động kiểm toán còn chồng chéo, trùng lặp.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – đoàn Quảng Ninh

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – đoàn Quảng Ninh

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – đoàn Quảng Ninh cho biết, quy định của dự thảo Luật về việc phối hợp giữa thanh tra và kiểm toán cũng chưa giải quyết được triệt để vấn đề chồng chéo và trùng lặp giữa hoạt động của 2 cơ quan này. Bởi căn cốt của vấn đề là do chức năng, nhiệm vụ của 2 ngành theo quy định hiện nay chưa có sự tách bạch, phân định rõ ràng, chức năng, nhiệm vụ có nhiều nội dung chồng lấn nhau. Các quy định về việc phối hợp trao đổi thông tin giữa thanh tra và kiểm toán mới chỉ giải quyết được một số tình huống cụ thể trong xử lý chồng chéo giữa 2 lĩnh vực.

Dự thảo Luật cũng chưa phân định được rõ chức năng, nhiệm vụ chồng chéo giữa 2 ngành nên việc chồng chéo sẽ vẫn còn tiếp diễn. Mặt khác, trong dự thảo Luật quy định về xử lý chồng chéo cũng chưa có quy định về việc bắt buộc thừa kế kết quả thanh tra, kiểm toán đối với những nội dung mà đoàn kiểm toán hoặc thanh tra trước đó đã làm”- đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nêu.

Đại biểu Phan Đức Hiếu – đoàn Thái Bình chỉ ra, Luật Thanh tra đang được sửa đổi toàn diện. Đây là thời điểm để luật hóa các cơ chế, quyết định hành chính của Chính phủ trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trần Đình Văn – đoàn Lâm Đồng đề nghị, cần thiết phải có quy định về nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lắp do hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán, đặt trong sự thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước nhằm khắc phục, tiến tới không còn tình trạng chồng kéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán.

Chưa phân biệt rõ hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm tra thường xuyên

Đa số đại biểu Quốc hội tán thành với việc sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra và cho rằng, dự thảo Luật đã bảo đảm nguyên tắc quán triệt, cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 phù hợp với công tác thanh tra.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – đoàn Lạng Sơn

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – đoàn Lạng Sơn

Theo Tờ trình của Chính phủ, một trong các hạn chế cơ bản của pháp luật hiện hành là chưa phân biệt rõ hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước. Pháp luật hiện hành cũng chưa có định nghĩa pháp lý chung về kiểm tra nhưng hoạt động kiểm tra lại được quy định ở một số văn bản chuyên ngành như Luật Trồng trọt (Điều 46), Luật Chăn nuôi (Điều 43), Luật Hải quan, Pháp lệnh Quản lý thị trường.

Các đại biểu Quốc hội nêu ý kiến, dự thảo Luật chưa xác định được khái niệm về kiểm tra cũng như chưa quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và hệ quả pháp lý của hoạt động kiểm tra.

Nêu thực tế, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – đoàn Lạng Sơn cho hay, việc bỏ quy định hình thức thanh tra thường xuyên trong dự thảo Luật chưa giải quyết được yêu cầu phân định rõ giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra nêu trên.

Cụ thể, theo đại biểu, tại Phụ lục 4 kèm theo Báo cáo số 276/BC-TTCP ngày 28.2.2022 tổng kết thi hành Luật Thanh tra 2010 thì trong giai đoạn từ 1/7/2011 đến 31/12/2021, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 77.916 cuộc thanh tra hành chính và 2.170.153 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, Báo cáo chưa làm rõ trong đó có bao nhiêu cuộc thanh tra chuyên ngành, bao nhiêu cuộc kiểm tra chuyên ngành. Theo Tài liệu tham khảo về Tổ chức và hoạt động của Thanh tra do Thư viện Quốc hội cung cấp tại Kỳ họp thứ Ba thì có đến 90% là kiểm tra còn thanh tra chỉ chiếm khoảng 10%. Như vậy, dự thảo Luật mới chỉ bao phủ được một phần nhỏ hoạt động trong thực tiễn.

Đại biểu cũng đề nghị, nghiên cứu làm rõ về cơ sở lý luận, từ đó bổ sung nội dung kiểm tra vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và nếu cần thiết xem xét đổi tên Luật phù hợp như Luật Thanh tra, kiểm tra nhà nước. “Đây là vấn đề quan trọng để bảo đảm nguyên tắc pháp quyền: cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép”- đại biểu Phạm Trọng Nghĩa lưu ý.

Quỳnh Nga - Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/du-an-luat-thanh-tra-sua-doi-hoat-dong-thanh-tra-kiem-toan-con-chong-cheo-trung-lap-180217.html