Dự án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau gặp khó về vật liệu

Nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu cho dự án nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau, tỉnh Cà Mau sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đưa dự án này vào danh mục công trình trọng điểm quốc gia.

Ngày 11/5, theo thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, hiện tại địa phương đang gặp khó khăn về nguồn vật liệu phục vụ Dự án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau.

Có 3 tổ chức và 601 hộ dân ở phường 6 và phường Tân Thành (thành phố Cà Mau) bị ảnh hưởng bởi Dự án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau.

Có 3 tổ chức và 601 hộ dân ở phường 6 và phường Tân Thành (thành phố Cà Mau) bị ảnh hưởng bởi Dự án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau.

Nhu cầu vật liệu chính của dự án bao gồm: 1.620.000 m3 cát san nền, 130.000 m3 cát bê tông và cát hạng trung, 70.000 m3 đá dùng cho bê tông, cùng 270.000 m3 cấp phối đá dăm.

Mặc dù tỉnh Cà Mau đã tích cực khảo sát và đề nghị hỗ trợ từ các địa phương lân cận, đến nay vẫn chưa có nguồn nguyên liệu.

Theo báo cáo tiến độ thực hiện dự án của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV). Hiện tại, khâu lập hồ sơ thiết kế cơ bản đã hoàn thành, nhưng quá trình lập dự toán vẫn gặp nhiều trở ngại về giá và nguồn cung vật liệu xây dựng, nhất là cát san lấp và cát xây dựng.

Do đó, hồ sơ chưa thể trình Bộ Xây dựng thẩm định và phê duyệt, dẫn đến nguy cơ chậm triển khai các bước tiếp theo.

Ông Dư Minh Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau cho biết, hiện nay, phần lớn cơ sở cung cấp vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, khó đáp ứng yêu cầu khắt khe về kỹ thuật đối với các dự án lớn như nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Cà Mau.

"Khi giá vật liệu địa phương không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng hoặc khối lượng, chủ đầu tư hoàn toàn có thể chủ động xác định mỏ nguyên liệu, thuê tư vấn lập giá công trình và triển khai theo đúng quy định", ông Hùng thông tin.

Cũng theo ông Hùng, Sở Xây dựng và Sở Tài chính sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) hoàn thiện thủ tục đảm bảo đúng pháp luật và tiến độ đề ra.

Mốc giải phóng mặt bằng phục vụ cho Dự án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau.

Mốc giải phóng mặt bằng phục vụ cho Dự án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, không chỉ riêng dự án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau mà một số dự án trọng điểm khác của tỉnh, như: Cao tốc Cà Mau - Đất Mũi, đường kết nối đất liền với cảng Hòn Khoai cũng đang gặp khó khăn về vật liệu, do yêu cầu kỹ thuật cao.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này, tỉnh Cà Mau sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đưa các dự án này vào danh mục công trình trọng điểm quốc gia, để được hưởng cơ chế đặc thù trong khai thác và cung cấp vật liệu xây dựng.

Đồng thời, phía tỉnh lên kế hoạch làm việc với các tỉnh có tiềm năng mỏ vật liệu, nhằm tìm kiếm giải pháp lâu dài, bền vững cho vấn đề cung ứng vật liệu cho các công trình trọng điểm trên địa bàn.

Dự án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư, vốn đầu tư của dự án khoảng 2.400 tỷ đồng.

Quy mô dự án xây dựng mới đường cất hạ cánh kích thước 2.400m × 45m, đảm bảo khai thác máy bay A320, A321 và tương đương.

Dự án thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng với diện tích hơn 105ha tại phường 6 và phường Tân Thành (thành phố Cà Mau), có 3 tổ chức và 601 hộ ảnh hưởng.

Theo quy hoạch thời kỳ 2021-2030, sân đỗ tàu bay phía Nam đường cất/hạ cánh đáp ứng khoảng bốn vị trí đỗ. Tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch sân đỗ tàu bay phía Bắc đồng bộ với khu hàng không dân dụng mới, đáp ứng khoảng 10 vị trí đỗ và có dự trữ để mở rộng khi có nhu cầu.

Nhà ga hành khách, thời kỳ 2021-2030, mở rộng nhà ga hành khách hiện hữu đáp ứng công suất khoảng 1 triệu hành khách/năm.

Tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch nhà ga hành khách mới khu vực phía Bắc đường cất/hạ cánh, công suất khoảng 3 triệu hành khách/năm; dự trữ đất phát triển khi có nhu cầu.

Thời kỳ 2021-2030, quy hoạch kho hàng hóa phía Tây nhà ga hành khách, gần sân đỗ tàu bay hiện hữu, đáp ứng công suất khoảng 1.000 tấn hàng hóa/năm.

Tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch kho hàng hóa phía Đông nhà ga hành khách mới, đáp ứng công suất khoảng 3.000 tấn hàng hóa/năm.

Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 184,22ha. Tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 244,43ha.

Gia Minh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/du-an-mo-rong-nang-cap-cang-hang-khong-ca-mau-gap-kho-ve-vat-lieu-192250511160852363.htm