Dự án mới không cứu được giá cổ phiếu Cao su Đồng Phú

Giá cổ phiếu DPR của Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú tiếp tục suy giảm, dù Dự án Khu công nghiệp Nam Đồng Phú - giai đoạn II được chấp thuận chủ trương đầu tư, tạo cơ hội phát triển lĩnh vực bất động sản công nghiệp.

Cổ phiếu DPR giảm trở lại

Sau nhịp trượt dài đầu tháng 4/2025, cổ phiếu DPR đã giữ giá ổn định. Tuy nhiên, trong những ngày đầu tháng 7/2025, cổ phiếu DPR bị bán mạnh trở lại, giao dịch dưới đường hỗ trợ dài hạn (MA 200). Đây là dấu hiệu cổ phiếu có thể quay lại đà lao dốc sau nhịp phục hồi và đi ngang trong biên độ hẹp.

Cụ thể, cổ phiếu DPR đang giao dịch vùng 39.450 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 24,9% so với giá đỉnh ngày 27/3/2025 (52.500 đồng/cổ phiếu). Trong đó, giai đoạn cuối năm 2024 và đầu năm 2025, tỉnh Đồng Nai (Bình Phước cũ) công bố quy hoạch chung, mở ra cơ hội cho Cao su Đồng Phú triển khai thêm Dự án Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú (quy mô 133 ha) và Dự án Khu công nghiệp Nam Đồng Phú mở rộng nhờ chuyển đổi đất cao su sang đất khu công nghiệp.

Cuối tháng 6/2025, UBND tỉnh Đồng Nai (Bình Phước cũ) đã chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư cho Công ty cổ phần Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú thực hiện Dự án Khu công nghiệp Nam Đồng Phú - giai đoạn II, với quy mô 480 ha, tổng vốn đầu tư lên tới 1.830 tỷ đồng. Đây là thông tin tích cực, tạo cơ hội để Cao su Đồng Phú mở rộng lĩnh vực bất động sản công nghiệp từ việc chuyển đổi đất cao su.

Dù đón nhận thông tin tốt, nhưng giá cổ phiếu DPR vẫn lao dốc và tiếp tục xu hướng bị bán tháo. Với diễn biến khó lường từ yếu tố bất ổn bên ngoài, giới đầu tư trên sàn chứng khoán đang phản ứng tiêu cực với nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp liên quan tới triển vọng thu hút vốn đầu tư có thể sụt giảm; đồng thời khách hàng hiện hữu có thể trì hoãn mở rộng, nên nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp trở thành tâm điểm bị bán mạnh trên sàn chứng khoán trong nửa đầu năm 2025.

Thêm nữa, với việc Dự án Khu công nghiệp Nam Đồng Phú - giai đoạn II mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, đang chuẩn bị đầu tư, nên việc triển khai xây dựng và thu hút nhà đầu tư vào khu công nghiệp sẽ gặp nhiều thách thức hơn so với các dự án bất động sản công nghiệp đã sẵn quỹ đất sạch, sẵn sàng cho thuê.

Được biết, trong 2 năm trước (2023 - 2024), cơ cấu doanh thu từ xây dựng bất động sản, hạ tầng của Cao su Đồng Phú chỉ đóng góp từ 4,1% đến 6,9% tổng doanh nghiệp; còn lại, doanh thu chủ yếu vẫn đến từ sản xuất và kinh doanh mủ cao su, thanh lý cây cao su và chế biến gỗ…

Có thể thấy, dù lĩnh vực phát triển hạ tầng chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong tổng doanh thu của Cao su Đồng Phú, nhưng nhờ biên lợi nhuận cao của ngành đã thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Trong khi đó, dù được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án bất động sản công nghiệp, nhưng hiệu ứng với giá cổ phiếu không còn lớn như trong nửa cuối năm 2024.

Lĩnh vực cốt lõi gặp thách thức khi giá cao su liên tục giảm

Cao su Đồng Phú cho biết, hiện tại, diện tích vườn cây cao su tự nhiên khai thác là 6.089,51 ha, diện tích vườn cây chăm sóc kiến thiết cơ bản 2.433,76 ha, diện tích vườn cây tái canh 457,03 ha. Trong đó, bên cạnh việc khai thác cao su tại vườn do Cao su Đồng Phú sở hữu, Công ty cũng thực hiện thu mua một phần bên ngoài để bổ sung lượng hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh mủ cao su của Cao su Đồng Phú đang có dấu hiệu không thuận lợi do giá cao su thiên nhiên giảm mạnh trở lại, sau một thời gian neo ở mức cao.

Cụ thể, theo dữ liệu của Trading Economics, tính từ ngày 24/2/2025 đến ngày 4/7/2025, giá cao su thiên nhiên giảm 20,4%, từ 2,06 USD về 1,64 USD/kg. Nguyên nhân chính được cho là do các hãng xe lớn tại Trung Quốc đang thực hiện chính sách giảm giá xe thuần điện và xe hybrid, gây áp lực giảm giá lốp xe, kéo theo giá cao su thiên nhiên giảm mạnh do sản xuất lốp xe chiếm tới 70% tổng nhu cầu cao su thiên nhiên.

Được biết, các năm qua, các quốc gia Đông Nam Á, gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam chiếm hơn 70% tổng diện tích khai thác cao su trên thế giới. Trong đó, về sản lượng, theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), Việt Nam là nhà sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên lớn thứ 3 trên thế giới. Sau khi vươn lên vị trí thứ 3 toàn cầu về sản lượng cao su thiên nhiên (năm 2013), Việt Nam tiếp tục giữ vững vị thế này, với sản lượng gần 1,1 triệu tấn trên diện tích gần 1 triệu ha. Cao su thiên nhiên Việt Nam được xuất khẩu tới hơn 80 thị trường, chiếm gần 12% tổng sản lượng xuất khẩu toàn cầu, sau Thái Lan (chiếm gần 40%) và Indonesia (25-26%).

Như vậy, việc giá cao su thiên nhiên lao dốc sẽ tiếp tục tác động trực tiếp tới hoạt động khai thác mủ cao su - hoạt động đóng góp chủ yếu vào doanh thu của Cao su Đồng Phú.

Duy Bắc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/du-an-moi-khong-cuu-duoc-gia-co-phieu-cao-su-dong-phu-d326289.html