Cao su Việt Nam (GVR) xúc tiến mở rộng mảng cao su, đầu tư chế biến gỗ tại Lào
Bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng cao su, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã cổ phiếu GVR) sẽ đầu tư dây chuyền chế biến sâu, xúc tiến mở rộng phát triển ngành công nghiệp gỗ từ cây cao su.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Lào của Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, ngày 9/7/2025, tại Thủ đô Viêng Chăn đã diễn ra Tọa đàm giữa Lãnh đạo Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào với doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Trần Công Kha - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã cổ phiếu GVR - sàn HoSE) cho biết, tính đến giữa năm 2025, Tập đoàn đã có 06 công ty con tại Lào, nâng tổng diện tích trồng cao su lên mức 26.644 ha, trong đó đưa vào khai thác hơn 23.000 ha với sản lượng khai thác đạt hơn 344.000 tấn.
Qua đó, doanh thu đạt 554,52 triệu USD, lợi nhuận trước thuế đạt 74,91 triệu USD và nộp 29 triệu USD vào ngân sách Lào. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đã đầu tư xã hội hóa hơn 9 triệu USD vào hạ tầng nông thôn tại các địa phương của Lào.

Ông Trần Công Kha - Chủ tịch HĐQT Cao su Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm.
Lãnh đạo Cao su Việt Nam nhấn mạnh các dự án cao su của Tập đoàn không chỉ giúp hình thành tập quán sản xuất định canh, định cư cho người dân bản địa Lào mà còn góp phần ổn định kinh tế địa phương, bảo vệ rừng và môi trường sinh thái.
Năm nay, Cao su Việt Nam đặt mục tiêu tiêu thụ 40.600 tấn cao su tại Lào, doanh thu đạt 67,36 triệu USD, lợi nhuận sau thuế 11,72 triệu USD, và hướng đến toàn bộ diện tích sẽ đạt chứng chỉ rừng bền vững (FSC/PEFC) vào năm 2027. Tập đoàn đang xúc tiến mở rộng phát triển ngành công nghiệp gỗ từ cây cao su thanh lý, dự kiến 150 - 700 ha/năm. Đồng thời, Tập đoàn sẽ đầu tư dây chuyền chế biến sâu, hướng tới viên nén sinh học, tận dụng tối đa phụ phẩm.
Đặc biệt, Cao su Việt Nam đã báo cáo và đề xuất với Chính phủ hai nước mở rộng đầu tư trồng cao su tại các tỉnh Xaynhabuly, Sekong, Champasak, Attapư, đồng thời kiến nghị cải thiện chính sách thuế cổ tức, quota nhập khẩu, chi phí cầu đường… để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động lâu dài tại Lào.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, ban lãnh đạo Cao su Việt Nam cho biết đang xúc tiến mở rộng khoảng 30.000 ha cao su tại Lào; qua đó, giúp duy trì ổn định sản lượng cao su trong bối cảnh nhiều khu vực trồng tại Việt Nam đang được chuyển đổi sang làm các khu công nghiệp.
Với việc giá cao su dự báo neo cao và tình trạng thiếu hụt cao sư tự nhiên toàn cầu có thể kéo dài đến năm 2031, mảng cao su của Cao su Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong thời gian tới. Mảng kinh doanh này đang chiếm hơn 80% tổng doanh thu và hơn 40% tổng lợi nhuận hàng năm của tập đoàn. Chứng khoán SSI ước tính mỗi 1% giá cao su tự nhiên tăng sẽ giúp lợi nhuận gộp mảng cao su của Cao su Việt Nam sẽ tăng thêm 0,22%.