Phó Thủ tướng Lê Thành Long: 'Nghị quyết đột phá chăm sóc sức khỏe nhân dân phải mang tính hành động'
Đây là nội dung được nhấn mạnh trong cuộc họp về dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Nghị quyết phải mang tính hành động và đột phá
Nhận định về công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, hiện nay đã có các nghị quyết của Trung ương, nhiều văn bản khác nhau của Bộ Chính trị, Ban Bí thư có nội dung liên quan đến vấn đề chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Bây giờ, xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị thì phải lý giải bằng được nội dung có gì mới, có gì khác một cách cụ thể hơn, từ đó mới thể hiện được sự cần thiết của việc ban hành Nghị quyết này.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị phải lý giải bằng được nội dung có gì mới, có gì khác một cách cụ thể hơn - Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng nhắc lại yêu cầu của Tổng Bí thư về xây dựng dự thảo Nghị quyết phải đạt các yêu cầu: một là mang tính chiến lược; hai là mang tính hành động và đột phá, “không đi vào lý luận" và thứ ba, bảo đảm tính khả thi, đưa ra được các giải pháp và các điều kiện kèm theo để triển khai.
Đồng thời, theo Phó Thủ tướng cần nghiên cứu, làm rõ các đột phá về đầu tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế và có số liệu cụ thể đi kèm.
Cần thiết kế, có đề xuất về mô hình tổ chức bộ máy y tế ở địa phương, theo hướng bỏ trung gian, theo hướng 2 cấp, như vậy "xử lý các trạm y tế xã sẽ như thế nào".
Phó Thủ tướng nêu rõ Nghị quyết phải tập trung vào các đột phá. Đồng thời nghiên cứu, kết hợp với 4 nghị quyết lớn của Bộ Chính trị (bộ tứ trụ cột) để phát triển các nội dung ở khía cạnh y tế, bảo vệ sức khỏe người dân.
Tập trung giải quyết những vấn đề mới
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và những thay đổi sâu sắc về mô hình bệnh tật đang diễn ra phức tạp, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đang đối mặt với những thách thức chưa từng có.
Đó là gánh nặng kép của bệnh tật, sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, tình trạng già hóa dân số, và những yêu cầu ngày càng cao của người dân về chất lượng dịch vụ y tế.
Những "điểm nghẽn", "nút thắt" về thể chế, cơ chế tài chính, nguồn nhân lực, năng lực y tế cơ sở, tự chủ cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế,... vẫn đang là những rào cản lớn. Thực tiễn đòi hỏi phải có những tư duy mới, cách làm mới và những giải pháp mang tính đột phá.
Theo Bộ trưởng Y tế, Nghị quyết mới tập trung giải quyết những vấn đề mới, vấn đề lớn, những điểm nghẽn, nút thắt, xác định rõ mục tiêu, lộ trình và trách nhiệm cụ thể trong chăm sóc sức khỏe nhân dân để tạo đột phá trong công tác này,
Đồng thời Nghị quyết mới phải khắc phục được tình trạng "chính sách tốt, nhưng triển khai yếu", phải mang tính hành động (nói cách khác đây là Nghị quyết để thực hiện Nghị quyết).

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho rằng Nghị quyết mới phải khắc phục được tình trạng "chính sách tốt, nhưng triển khai yếu". Ảnh: VGP
Ngoài ra, góp ý về dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị các đại biểu cũng nhận định cần có các chính sách đột phá để doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào y tế đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.
Qua đó, giải quyết được các vướng mắc về chính sách đãi ngộ cho nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.
Cùng với việc đổi mới về mặt tư duy của cơ quan quản lý thì cần đồng thời thay đổi tư duy của người dân trong chủ động chăm sóc sức khỏe của bản thân, gia đình, thông qua các chính sách giảm chi tiền túi của người dân cho chăm sóc sức khỏe.