Dự án nghệ thuật cộng đồng: Dấu ấn của những người mở đường
Các dự án nghệ thuật cộng đồng ngày càng nở rộ và đóng góp nhiều ý nghĩa thiết thực. Đáng chú ý, những người mở đường tâm huyết với các dự án này đa phần là gương mặt trẻ trung, đầy năng lượng, mang nhiều dấu ấn đổi mới.
Có thể hiểu nôm na nghệ thuật cộng đồng là hoạt động nghệ thuật phi lợi nhuận lấy công chúng làm trọng tâm, phục vụ cho lợi ích lâu dài của cộng đồng. Vài năm trở lại đây, nghệ thuật cộng đồng phát triển mạnh ở nước ta, đặc biệt là dự án của các nghệ sĩ đương đại. Các loại hình nghệ thuật ngày càng đa dạng, đa hình thái và pha trộn nhiều lĩnh vực. “Phố bên đồi”, “Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn”, “Yume Art Project”, “Vẽ về hát bội”… là các chương trình nghệ thuật cộng đồng nổi bật.
“Phố bên đồi” do họa sĩ – nhà thiết kế Nguyễn Trung Hiền khởi xướng năm 2016. Đây là dự án nghệ thuật cộng đồng đa hình thái diễn ra thường niên tại Đà Lạt. Lần đầu tổ chức, dự án chỉ quy tụ vỏn vẹn hơn 10 họa sĩ cùng một triển lãm tranh nho nhỏ. Về sau, dự án biến thành chuỗi hoạt động sôi nổi với rất nhiều gương mặt đam mê hội họa, thiết kế, kiến trúc, thậm chí cả giới làm phim, âm nhạc... cũng tham gia đóng góp.
Mỗi năm, chương trình “Phố bên đồi” được thực hiện tại một địa điểm với không gian độc đáo khác nhau dựa trên các giá trị về văn hóa, lịch sử, kiến trúc… tại TP Đà Lạt. Năm 2019, dốc Nhà Làng là nơi được các nghệ sĩ khoác áo mới.
Với sự hợp tác của cư dân bản địa, con dốc trở nên cuốn hút, nổi bật nhờ các tác phẩm thể hiện theo phong cách pop art, pop surrealism... Bằng nghệ thuật đương đại, nghệ sĩ Nguyễn Trung Hiền và các cộng sự mong muốn làm sống dậy một không gian xưa cũ, khơi gợi ký ức, cảm xúc, suy ngẫm về thành phố sương mù, đồng thời nâng cao nhận thức về bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Để nâng cao trình độ cảm thụ nghệ thuật cho lớp khán giả trẻ, đồng thời giúp mỗi cá nhân tham gia dự án có thể phát triển tiềm năng nghệ thuật bên trong mình, TS Đào Lê Na (Trưởng bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu - Điện ảnh, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh ) đã sáng lập “Yume Art Project” - dự án phát triển nghệ thuật và sáng tạo cho cộng đồng.
Dự án gồm có “Yume Courses” và “Yume Fund”. “Yume Courses” là những khóa học chia sẻ kiến thức nghệ thuật chuyên sâu từ các chuyên gia (mỹ học, triết học, nghiên cứu văn hóa, điện ảnh, âm nhạc…) và cung cấp những kỹ năng sáng tác cho học viên. Phần học phí thu từ khóa học này sẽ đưa vào quỹ “Yume Fund” nhằm tổ chức hoặc hỗ trợ phát triển nghệ thuật và sáng tạo để phục vụ cộng đồng. Đến nay quỹ đã hỗ trợ cho các hoạt động như chiếu phim miễn phí, in ấn sách nghệ thuật, talk show, dạy nghệ thuật miễn phí cho bệnh nhi và trẻ em khuyết tật...
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm cải lương, “Yume Art Project” còn phối hợp với Hội đồng Anh tổ chức dự án “Tiếp bước trăm năm” dành cho giới trẻ. Dự án tập trung đào tạo khán giả cho cải lương để họ hiểu được linh hồn và giá trị của di sản cải lương, từ đó nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy vốn quý của dân tộc, lan tỏa nó đến cộng đồng, bạn bè.
Ở lĩnh vực sân khấu kịch, nghệ sĩ đương đại Nguyễn Bích Trà có dự án “The Run - A Theater Project” với những bứt phá mới lạ, mở ra hướng thực hành liên kết đa ngành cho sân khấu Việt Nam. Dự án từng trình diễn vở kịch “The Run” và mới đây nhất là vở “Flaw – Cú chót”.
Hai vở kịch này mang rất nhiều tính thể nghiệm, trừu tượng kết hợp giữa nghệ thuật thị giác lẫn biểu diễn hình thể, âm thanh... Để hỗ trợ các bạn trẻ trong lĩnh vực này, dự án còn triển khai loạt hoạt động như thảo luận về thực hành sân khấu, phân tích các lý thuyết về loại hình sáng tác chuyên biệt cho biểu diễn, độc thoại, dựng kịch ngắn...
Điểm chung ở những chương trình nghệ thuật cộng đồng này chính là ban tổ chức đang dần thay đổi cách tiếp cận với khán giả, đa dạng hóa thành phần tham dự để đạt được hiệu ứng tốt nhất. Điều này khiến khái niệm cộng đồng được định nghĩa lại theo cách rộng hơn. Nếu các dự án nghệ thuật cộng đồng của nhà nước vẫn mang tính một chiều thì dự án của nghệ sĩ đương đại lại mang tính tương tác đa chiều rất cao.
Nghệ sĩ Nguyễn Bích Trà cho biết: “Chúng tôi thống nhất khi đã tham gia vào dự án thì ai cũng có vai trò ngang nhau. Nghệ sĩ hay đơn vị tổ chức không còn khoác lớp áo trịnh trọng, đặt cái Tôi của mình lên đầu rồi coi như mình là người định hướng và ban phát tác phẩm cho khán giả. Khán giả cũng không còn là người thụ động tiếp nhận. Tham gia vào một sản phẩm nghệ thuật cộng đồng, nghệ sĩ cũng là khán giả và khán giả cũng là nghệ sĩ. Tất cả cùng chung tay để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật hữu ích”.
Chính vì tiêu chí này nên dự án “The Run - A Theater Project” kết hợp giữa việc xem kịch, phê bình làm một. Trước buổi biểu diễn, khán giả được phát bảng câu hỏi kèm toàn bộ kịch bản để thu thập đóng góp của họ về khía cạnh nghệ thuật của tác phẩm.
Sau buổi biểu diễn, đạo diễn, biên kịch ngồi lại cùng các nhà phê bình và khán giả để trực tiếp thảo luận, phản biện mặt được và chưa được của vở kịch. Điều này không chỉ giúp khán giả hiểu sâu hơn về vở kịch mà còn giúp ekip hình thành các ý tưởng mới cho tác phẩm hoàn thiện, đậm chiều sâu hơn. Đồng thời, dự án cũng dựa vào đóng góp của công chúng, nhà phê bình để hoàn chỉnh dần mô hình hỗ trợ cho nghề viết kịch và sản xuất kịch sân khấu.
Tương tự, dự án nghệ thuật cộng đồng “Yume Art Project” cũng đào tạo khán giả dựa trên sự tiếp nhận thông tin hai chiều. “Chúng tôi không tổ chức các hội thảo để bàn về giải pháp cho bộ môn nghệ thuật đó mà tổ chức các buổi đối thoại mở với người trẻ. Chỉ có lắng nghe tiếng nói của người trẻ, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của các bạn trẻ thì chúng tôi mới biết cách nên làm gì để bộ môn nghệ thuật đó đến gần họ. Chúng ta không thể dùng cách giáo điều để ép họ phải hiểu, cảm thụ nghệ thuật mà hãy hướng dẫn để người trẻ cảm nhận và phát huy theo cách của họ, đầy tự nguyện và hào hứng” – TS Đào Lê Na nói.
Chính sự tương tác mở này giúp các chương trình nghệ thuật cộng đồng ngày càng thu hút nhiều đối tượng và đạt hiệu ứng tích cực. Nghệ sĩ Nguyễn Trung Hiền hồ hởi khoe: “Năm 2018, nhân dịp kỷ niệm 125 thành lập TP Đà Lạt, chính quyền đã mời “Phố bên đồi” đóng góp vào nội dung chính trong chuỗi hoạt động kỷ niệm. Giờ đây, “Phố bên đồi” không còn gói gọn với các nghệ sĩ trong nước mà đã lôi kéo nhiều nghệ sĩ quốc tế tham gia, tạo thành một sự kiện đáng chú ý của thành phố ngàn hoa”.
Nghệ sĩ Nguyễn Bích Trà từng tâm sự rằng những người khởi xướng dự án nghệ thuật cộng đồng một cách táo bạo không khác gì kẻ đốt đuốc tìm đường giữa rừng sâu. Ban đầu, họ đều phải “tự bơi”, tự bỏ tiền túi để thỏa mãn niềm đam mê và giúp ích cho số đông. Số khác nhạy bén hơn thì kêu gọi gây quỹ cộng đồng. Việc tiếp cận với các cơ quan quản lý văn hóa để chương trình được cấp phép hay gõ cửa xin tài trợ cũng không hề dễ dàng.
Đã vậy chị lo ngại những hoạt động mình làm sẽ khó tiếp cận công chúng. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh ngược lại. Trái với lo ngại vở diễn kén khán giả, các đêm diễn của “The Run - A Theater Project” luôn chật cứng khán phòng. Sự tương tác thú vị, xem mọi thành phần tham gia đều sáng tạo nên tác phẩm đã cuốn hút những người yêu nghệ thuật đỉnh cao.
“Thật ra, tâm lý mình cứ lo sợ như thế nhưng mình cứ kiên trì gõ mười cánh cửa thì ít nhất sẽ có một cách cửa mở ra. Điều quan trọng là dự án phải thật có ích, hoàn toàn vì cộng đồng thì mình sẽ không bao giờ cô đơn trên hành trình tìm kiếm cộng sự. Tôi tin rằng chúng ta cứ đi rồi sẽ thành đường thôi” – nghệ sĩ Nguyễn Trung Hiền nhận định.
Hiện nay, rất nhiều bạn trẻ ấp ủ dự án nghệ thuật vì cộng đồng. Họ thừa đam mê và sự nhiệt huyết, song lại thiếu nguồn kinh phí và loay hoay không biết bắt đầu từ đâu. Để hiện thực hóa giấc mơ của họ, dự án “Yume Art Project” mở một cuộc thi tìm kiếm các dự án thú vị. Những bạn trẻ chiến thắng sẽ được Yume hỗ trợ kinh phí và đồng hành trên con đường đưa dự án của mình ra thực tế, thúc đẩy vai trò thủ lĩnh cho các dự án nghệ thuật vì cộng đồng của các bạn trẻ, nhất là học sinh, sinh viên.