Dự án nước sạch Xuân Mai được giao cho Aqua One của Shark Liên
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri huyện Mỹ Đức cho biết, lãnh đạo TP đang giao cho công ty Aqua One của Shark Liên triển khai dự án nước sạch Xuân Mai.
Theo đó, trước phản ánh của cử tri huyện Ứng Hòa, nguồn nước sinh hoạt lấy từ các giếng khoan của các hộ gia đình có tỉ lệ bị nhiễm asen cao, đề nghị TP chỉ đạo triển khai và đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cấp nước sạch cho các xã của huyện Ứng Hòa nói chung và xã Minh Đức nói riêng để đảm bảo sức khỏe cho người dân. UBND TP Hà Nội cho biết, để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân trên địa bàn huyện Ứng Hòa, UBND TP đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho các xã thuộc huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai cho liên danh Cty Cổ phần nước Aqua One và Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống (Công ty TNHH hai thành viên phân phối nước sạch huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai) triển khai thực hiện tại quyết định số 3845 ngày 24-6-2017.
Trong đó, có nội dung xây dựng mới hệ thống cấp nước hoàn chỉnh cho 27 xã thuộc huyện Ứng Hòa chưa có hệ thống cấp nước gồm: Cao Thành, Đại Cường, Đại Hùng, Đội Bình, Đông Lỗ, Đồng Tiến, Đồng Tân, Hoa Sơn, Hòa Lâm, Hòa Nam, Hòa Phú, Hòa Xá, Hồng Quang, Kim Đường, Lưu Hoàng, Minh Đức, Phù Lưu, Phương Tú, Sơn Công, Tảo Dương Văn, Trầm Lộng, Trung Tú, Liên Bạt, Trường Thịnh, Vạn Thái, Viên An, Viên Nội. Tiến độ thực hiện trong 3 năm từ 2017 – 2020.
Ngoài ra, văn bản trả lời cử tri huyện Ứng Hòa của UBND TP Hà Nội cũng nêu rõ, để đáp ứng nhu cầu dùng nước của nhân dân, hiện nay TP đã giao Công ty Aqua One triển khai dự án nhà máy nước Xuân Mai, giai đoạn trước mắt sử dụng nguồn nước mặt sông Đuống, thông qua tuyến truyền dẫn trên đường trục phát triển kinh tế phía Nam và đường 21B để kết nối hệ thống cấp nước bổ sung nguồn cấp cho huyện Ứng Hòa và khu vực dự kiến triển khai trong năm 2019.
Công ty Aqua One là đơn vị đầu tư của dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống. Trong thời gian vừa qua, việc định giá nước của Công ty này đã gây bức xúc dư luận.
Chiều ngày 15-11 vừa qua, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, doanh nghiệp vay vốn làm phải chấp nhận rủi ro: “TP chưa mất một đồng nào bù giá cho Nhà máy nước sạch sông Đuống. Và chắc chắn là không bao giờ bù giá cho họ”. Có bốn nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà máy sông Đuống, gồm một quỹ đầu tư của Oman, doanh nghiệp Aqua One, Nhà máy nước sạch số 2 (10%) và một đơn vị khác (5%). Vừa qua quỹ đầu tư Oman đã bán lại cổ phần cho nhà đầu tư Thái Lan. Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định với cử tri, nhà máy nước mặt sông Đuống là nhà máy nước hiện đại nhất Việt Nam và Đông Nam Á.
Về căn cứ để TP chấp thuận giá tạm tính của nước sạch sông Đuống là 10.246 đồng/m3, theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, nguyên tắc không chỉ nhà máy nước mặt sông Đuống, mà kể cả nhà máy nước mặt sông Hồng hay trên Ao Vua (Ba Vì), khi lập dự án thì nhà nước cũng đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ nước.
Trước khi ký hợp đồng, Sở Tài chính cùng các ban ngành liên quan xây dựng báo cáo để TP xin ý kiến của Bộ Tài chính. Thực tế giá nước mặt sông Đuống 10.246 đồng/m3 nước chỉ là giá tạm tính để phục vụ cho nhà đầu tư lập dự án đầu tư. Còn sau này, khi dự án hoàn thành, sẽ có quyết toán công trình sẽ ra giá thành cụ thể. “Khi nhà máy nước mặt sông Đuống hoàn thành giai đoạn 1, TP có giao cho Công ty nước sạch Hà Nội phân phối nước cho họ, trung bình từ 110.000 đến 120.000 m3 ngày đêm.
Nước sông Đuống được Công ty Nước sạch Hà Nội mua với giá 7.700 đồng/m3, và phân phối đến các hộ dân với giá trung bình khoảng 8.000 đồng/m3. Giá này đã đảm bảo nguyên tắc, giá mua không được cao hơn giá bán ra”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung phân tích. Hiện nay, TP vẫn thống nhất giá bán theo quy định từ năm 2013, tức là với 10m3 đầu, người dân vẫn chỉ trả hơn 5.000 đồng, còn 10 m3 tiếp theo được lũy kế như quy định. Còn hiện nay, Công ty nước sạch Hà Nội lấy lại của nhà máy nước mặt sông Đuống là 7.700 đồng/m3. Sau khi bán ra, Công ty nước Hà Nội có lãi mấy trăm đồng/m3.
Trả lời câu hỏi việc dự án sông Đuống vay tới 80% số tiền đầu tư tác động đến giá thành bán nước như thế nào, ông Chung cho biết, doanh nghiệp vay vốn là chuyện bình thường và họ phải chấp nhận nếu có rủi ro. Tổng mức đầu tư doanh nghiệp đưa ra mới là dự toán, khi quyết toán công trình có thể sẽ thấp hơn, cũng có thể cao hơn, quyết toán xong mới cấu thành giá thành và thành phố mới ký chính thức. Còn TP "chắc chắn không bao giờ bù giá" nếu doanh nghiệp lỗ.
Một vấn đề người dân TP Hà Nội cũng đang băn khoăn, đó là tại sao nước sạch sông Đuống lại được bán với giá đắt hơn nước sông Đà, ông Chung cho rằng, nhà máy nước sạch sông Đà đã đi vào hoạt động nhiều năm qua, nên đã khấu hao hết rồi, giá của nó chắc chắn thấp hơn sông Đuống. “Tôi khẳng định là không có lợi ích nhóm nào ở đây cả. Mà TP làm mọi cách, tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực này giải quyết cấp bách vấn đề nước sạch cho người dân. Và không chỉ nhà máy nước mặt sông Đuống, mà tất cả các nhà đầu tư nước ngoài hay trong nước ở các lĩnh vực đều được coi trọng và tạo mọi điều kiện”, người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội khẳng định.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/du-an-nuoc-sach-xuan-mai-duoc-giao-cho-sark-lien-570371/